Trung Quốc triệu Đại sứ Nhật Bản để phản đối tuyên bố của G7

Thứ trưởng Ngoại giao Tôn Vệ Đông đã thể hiện sự "bất bình mạnh mẽ và phản đối kiên quyết" của Bắc Kinh đối với các tuyên bố được đưa ra trong hội nghị G7 do Nhật Bản chủ trì.
Trung Quốc triệu Đại sứ Nhật Bản để phản đối tuyên bố của G7 ảnh 1Lãnh đạo các nước G7 chụp ảnh chung tại hội nghị thượng đỉnh ở Hiroshima, Nhật Bản, ngày 20/5/2023. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Theo Kyodo, ngày 22/5, Bắc Kinh đã triệu Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Hideo Tarumi để phản đối các tuyên bố của G7 về Đài Loan và những vấn đề liên quan đến Bắc Kinh được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Hiroshima.

Trong khi đó, Đại sứ Hideo Tarumi cũng đã đưa ra một lập luận phản bác.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Tôn Vệ Đông đã thể hiện sự "bất bình mạnh mẽ và phản đối kiên quyết" của Bắc Kinh đối với các tuyên bố được đưa ra trong hội nghị G7 do Nhật Bản chủ trì.

Ông Tôn Vệ Đông cho rằng Nhật Bản đã cùng các nước khác, thông qua các tuyên bố chung được đưa ra tại Hiroshima, đã "can dự vào công việc nội bộ của Trung Quốc," vi phạm những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và làm tổn hại đến chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc.

Đáp lại quan ngại của G7 về tình hình nhân quyền tại Trung Quốc, Thứ trưởng Tôn cho biết các vấn đề Hong Kong, Tân Cương và Tây Tạng là "hoàn toàn thuộc về công việc nội bộ" của quốc gia này và "không thế lực bên ngoài nào được phép đưa ra những lời bình luận vô trách nhiệm và can thiệp tùy tiện."

Về vấn đề Đài Loan, Thứ trưởng Tôn nói rằng các vấn đề liên quan đến hòn đảo dân chủ tự trị này là "trong trung tâm của những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc" và "là một lằn ranh đỏ không được vượt qua.”

Đại sứ Tarumi cho biết rằng, trừ khi Trung Quốc thay đổi hành vi của mình, các nước G7 sẽ tiếp tục bày tỏ những quan ngại chung của họ về Bắc Kinh.

Đại sứ Tarumi nhấn mạnh: "Nếu Trung Quốc không muốn những vấn đề này được đề cập, Bắc Kinh trước hết nên phản hồi tích cực hơn.”

[Nhật-Mỹ tăng cường hợp tác về công nghệ tiên tiến và khả năng răn đe]

Trước đó, ngày 20/5, các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã ra tuyên bố chung tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Hiroshima (Nhật Bản), trong đó để ngỏ cánh cửa hợp tác với Trung Quốc và tránh leo thang căng thẳng giữa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với nhóm các cường quốc phương Tây và Nhật Bản.

Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G7 nhấn mạnh mong muốn “quan hệ ổn định và mang tính xây dựng” với Bắc Kinh, đồng thời phản đối “các hoạt động quân sự hóa” tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tuyên bố của lãnh đạo G7 nêu rõ: “Cách tiếp cận chính sách của chúng tôi không nhằm gây hại cho Trung Quốc, cũng không tìm cách cản trở tiến bộ và phát triển kinh tế của Trung Quốc”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.