Theo trang mạng theguardian.com, Trung Quốc cáo buộc Australia gây khiêu khích trên Biển Đông và nói rằng Australia - cùng với Mỹ và Canada - không được "lạm dụng sự kiềm chế của Trung Quốc."
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã trả lời câu hỏi về các cuộc chạm trán quân sự gần đây ở Biển Đông, bao gồm tin tức mà Politico đăng tải rằng một máy bay chiến đấu Trung Quốc đã có hành động tương tác “không an toàn” và “không chuyên nghiệp” với máy bay C-130 của Mỹ.
Politico đưa tin rằng sự tương tác này diễn ra trong bối cảnh các phi công Trung Quốc có các hành động quân sự hung hăng hơn nhằm vào các máy bay của Australia và Canada.
Ngay sau cuộc bầu cử hồi tháng Năm ở Australia, một máy bay tuần tra trên biển P-8 của Không quân Hoàng gia Australia (RAAF) đã bị một máy bay chiến đấu của Trung Quốc đánh chặn.
Thủ tướng Anthony Albanese đã gọi đó là "một hành động gây hấn và nguy hiểm."
Những phát biểu của ông Uông Văn Bân về các hành động tương tác này đã được Thời báo Hoàn Cầu đưa tin.
Thời báo Hoàn Cầu trích dẫn phát biểu của ông Uông Văn Bân: "Chúng tôi... thúc giục các bên liên quan tôn trọng sự thật, không lạm dụng sự kiềm chế của Trung Quốc và dừng ngay lập tức bất kỳ hành động nào gây nguy hiểm cho chủ quyền quốc gia và an ninh của Trung Quốc nhân danh thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc."
Thời báo Hoàn Cầu đưa tin rằng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân trước đó đã nói rằng các hành động này là một "sự khiêu khích hoàn toàn" đối với Trung Quốc.
Quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đã có một số dấu hiệu tan băng, đặc biệt là sau khi Ngoại trưởng Australia Penny Wong gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Bali hồi đầu tháng Bảy này.
Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai bên về vấn đề thương mại, cũng như việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, xây dựng các đảo nhân tạo và đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với vùng lãnh thổ đang có tranh chấp với các quốc gia châu Á khác, vẫn còn tồn tại dai dẳng.
Mỹ thường xuyên triển khai các chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) tại khu vực này, giống như họ thường làm ở các khu vực khác trên khắp thế giới, để thách thức các yêu sách về quyền lãnh thổ của các quốc gia khác.
Mỹ đã gây một số áp lực lên Australia để buộc nước này làm điều tương tự. Tuy nhiên, mặc dù thường xuyên thực hiện quyền cử tàu chiến và máy bay đi qua khu vực này (vốn là nơi có các tuyến đường thương mại quan trọng), song Australia không mạo hiểm tiến vào khu vực 12 hải lý của lãnh thổ mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Một số người đã suy đoán rằng một chương trình giống kiểu Mỹ hơn có thể sẽ bắt đầu dưới thời tân Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles.
[Trung Quốc cam kết đẩy mạnh tham vấn về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông]
Donald Rothwell, Giáo sư luật quốc tế tại Đại học Quốc gia Australia, cho biết giọng điệu của vị bộ trưởng mới đã trở nên quyết đoán hơn.
Hồi đầu tháng Bảy, khi được kênh ABC hỏi về việc một tàu chiến của Australia bị một tàu ngầm của Trung Quốc theo dõi, ông Marles từ chối đề cập đến vụ việc nhưng cho biết Australia thường cử tàu chiến tới khu vực đó.
Ông nói: “Hoạt động này đã được thực hiện trong nhiều thập kỷ và tập trung vào việc khẳng định Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển: tự do hàng hải, tự do hàng không, trật tự toàn cầu dựa trên quy tắc, vốn là những điều mà tôi đã nói rằng rất quan trọng đối với lợi ích quốc gia của chúng ta."
Giáo sư Rothwell cho biết tuyên bố này cho thấy giọng điệu của Australia đã trở nên cứng rắn hơn.
Ông nói: "Chúng tôi chưa bao giờ chính thức tiến hành FONOP như Mỹ. Nhưng bây giờ chúng tôi đang tích cực hành động 'quyết đoán,' bởi vì chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể làm điều đó theo Công ước về luật biển."
Ben Scott, Giám đốc Dự án An ninh và Trật tự dựa trên quy tắc của Australia tại Viện Lowy, đồng tình với nhận định trên, nói rằng thông thường một bộ trưởng sẽ sử dụng từ "thực hiện" quyền tự do, thay vì "khẳng định" quyền tự do.
Ông phát biểu: “Nếu bạn so sánh những gì ông ấy nói với những gì Bộ Quốc phòng đã chính thức phát biểu, có thể thấy hành động của ông ấy đã chủ động hơn nhiều."
Ông cũng lưu ý rằng Marles đã kêu gọi Australia bắt đầu triển khai FONOP.
Năm 2016, Marles từng nói rằng hải quân và không quân Australia nên được phép tiến hành các cuộc tập trận tự do hàng hải ở Biển Đông, bao gồm cả trong phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây dựng.
Ông nói với "The Sydney Morning Herald:" “Điều quan trọng là chúng tôi đang khẳng định quyền của mình về việc được phép đi qua lại trong các vùng biển cả theo luật pháp quốc tế."
John Blaxland, Giáo sư nghiên cứu tình báo và an ninh quốc tế tại Đại học Quốc gia Australia, cho rằng điều quan trọng là Australia phải tiếp tục các sứ mệnh hiện nay của mình, bởi vì “nếu bạn không thực hiện quyền, cuối cùng bạn sẽ mất đi quyền đó."
Tuy nhiên, ông nói rằng cách tiếp cận của Australia luôn "nhất quán" và đã được duy trì trong suốt 40 năm.
Ông nói: “Chúng tôi hiểu rõ rằng chúng tôi có khả năng trở thành mục tiêu nếu chúng tôi đi quá xa." Trong khi Australia vẫn kiên định với cách tiếp cận của mình, Trung Quốc tiếp tục mở rộng phạm vi của khu vực mà họ tuyên bố chủ quyền, bao gồm cả cái gọi là "Đường 9 đoạn."
Blaxland nói: “Trung Quốc đang cố gắng xóa bỏ và đe dọa quyền được di chuyển và qua lại"./.