Trung Quốc tuyên bố không đàm phán cho tới khi Ấn Độ rút quân

Trung Quốc tuyên bố việc rút quân khỏi Dokalam là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ "cuộc đối thoại có ý nghĩa" nào với Ấn Độ liên quan tới vấn đề tranh chấp biên giới đang ngày càng gay gắt.
Trung Quốc tuyên bố không đàm phán cho tới khi Ấn Độ rút quân ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Mạng IANS đưa tin Trung Quốc ngày 20/7 đã nhắc lại quan điểm rằng họ sẽ không đàm phán với Ấn Độ cho tới khi New Delhi rút quân khỏi Dokalam, thuộc khu vực Sikkim nơi quân đội hai nước đang đối đầu nhau trong hơn 1 tháng qua.

Trung Quốc liên tục tuyên bố việc rút quân khỏi Dokalam là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ "cuộc đối thoại có ý nghĩa" nào với Ấn Độ liên quan tới vấn đề tranh chấp biên giới đang ngày càng gay gắt ở khu vực biên giới Sikkim.

Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói: "Kênh ngoại giao của chúng tôi không bị cản trở và việc Ấn Độ rút quân là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ cuộc đối thoại và liên lạc có ý nghĩa nào giữa hai bên. Vụ việc xảy ra ở khu vực Sikkim rõ ràng là lính biên phòng Ấn Độ đã vượt trái phép vào lãnh thổ Trung Quốc."

[Trung Quốc kêu gọi Ấn Độ rút quân khỏi khu vực tranh chấp]

Dokalam là khu vực biên giới giữa Ấn Độ, Bhutan và Trung Quốc. Khu vực này có ý nghĩa quan trọng về mặt chiến lược đối với cả 3 nước. Trung Quốc tuyên bố Dokalam là vùng lãnh thổ của mình song Ấn Độ và Bhutan đều coi đây là lãnh thổ của Bhutan, đồng minh thân cận với New Delhi. Phía Ấn Độ tuyên bố muốn giải quyết vấn đề này thông qua con đường ngoại giao.

Cùng ngày, hãng PTI đưa tin Ấn Độ đã đề cập tới cách tiếp cận một "giải pháp hòa bình" cho sự đối đầu ở Dokalam thông qua các kênh ngoại giao, nhấn mạnh rằng "những khác biệt" không nên trở thành "những tranh chấp.”

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Gopal Baglay cho biết New Delhi đã "liên lạc chặt chẽ" với Chính phủ Bhutan về những diễn biến đang xảy ra. Ông cho hay "cách tiếp cận của Ấn Độ là có một giải pháp hòa bình cho các vấn đề biên giới với Trung Quốc," đồng thời nêu bật thỏa thuận tại cuộc họp ở Astana rằng những khác biệt giữa Trung Quốc và Ấn Độ không được phép trở thành những tranh chấp.

Trước đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gặp Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) hồi tháng 6 ở thủ đô Astana của Kazakhstan.

Trả lời khi được hỏi liệu Ấn Độ có thông báo cho các nước khác về vấn đề này hay không, ông Baglay cho biết sẽ không thích hợp khi ông bình luận về những tiếp xúc ngoại giao liên quan tới những vấn đề nhạy cảm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.