Trung Quốc ủng hộ hội nghị trực tuyến về Iran do Nga đề xuất

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đối với đề xuất của Nga về việc tổ chức hội nghị trực tuyến về vấn đề hạt nhân Iran, Trung Quốc bày tỏ sự hoan nghênh và đánh giá cao đề xuất này.
Trung Quốc ủng hộ hội nghị trực tuyến về Iran do Nga đề xuất ảnh 1Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 17/8, Trung Quốc đã hoan nghênh đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của các nhà lãnh đạo thế giới nhằm tránh "sự đối đầu" liên quan tới lời cảnh báo của Mỹ kích hoạt việc tái áp đặt tất cả các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc nhằm vào Iran.

Phát biểu tại thủ đô Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, nêu rõ: "Đối với đề xuất của Nga về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về vấn đề hạt nhân Iran, Trung Quốc bày tỏ sự hoan nghênh và đánh giá cao đề xuất này. Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục duy trì liên lạc chặt chẽ và phối hợp với tất cả các bên liên quan để cùng thúc đẩy giải pháp chính trị về vấn đề hạt nhân Iran."

[Mỹ tuyên bố có thể không tham gia hội nghị về Iran do Nga đề xuất]

Quan chức này đồng thời kêu gọi Mỹ chấm dứt các biện pháp trừng phạt đơn phương và tôn trọng Thỏa thuận hạt nhân Iran cũng như các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Ngày 14/8 vừa qua, Tổng thống Nga Putin đã đưa ra đề nghị tổ chức hội nghị trực tuyến về vấn đề Iran và những căng thẳng ở Vịnh Persia trong bối cảnh cuộc thảo luận về vấn đề này tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày càng căng thẳng.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, mục đích của việc tổ chức hội nghị này là nhằm tìm giải pháp đảm bảo an ninh tại Vịnh Persia có tính đến mối quan tâm của tất cả các bên liên quan.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông gần như chắc chắn sẽ không tham dự bất kỳ hội nghị nào.

Năm 2015, Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) đã ký với Iran thỏa thuận JCPOA, theo đó Tehran hạn chế chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lấy sự nới lỏng trừng phạt, trong đó có việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí.

Tuy nhiên, tháng 5/2018, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận này và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran.

Quan hệ giữa Mỹ và Iran ngày càng xấu đi sau một loạt động thái gây căng thẳng từ hai phía. Iran từng bước giảm bớt các cam kết trong thỏa thuận trên, trong đó có việc tăng mức làm giàu urani./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.