Trung Quốc và chiến lược “vũ khí hóa” nguồn nước ở sông Mekong

Theo giáo sư Brahma Chellaney, các con đập lớn mà Trung Quốc xây dựng ở lưu vực sông Mekong đang góp phần làm cạn kiệt những dòng sông và làm trầm trọng tình trạng khô hạn.
Trung Quốc và chiến lược “vũ khí hóa” nguồn nước ở sông Mekong ảnh 1Những chiếc thuyền đánh bắt cá trên dòng sông Mekong tại địa phận Lào. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Bài viết của giáo sư Brahma Chellaney thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách có trụ sở tại New Delhi (Ấn Độ) đăng tải trên trang Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) đã phân tích hiện trạng lưu vực sông Mekong và bài toán xây đập của Trung Quốc.

Trong bài viết, tác giả nhận xét các dự án xây dựng những con đập lớn đã trở thành một trò tiêu khiển yêu thích của một số chính phủ chuyên quyền, trong đó dẫn đầu là Trung Quốc.

Ngoài cách bao biện bằng lý do chống lại hiện tượng thiếu nước như những người ủng hộ đã hứa hẹn, các con đập lớn đang góp phần làm cạn kiệt những dòng sông và làm trầm trọng tình trạng khô hạn.

Điều này đang được thấy rõ ràng tại lưu vực sông Mekong, nơi mực nước của dòng chảy đang ở ngưỡng thấp nhất trong lịch sử.

Được biết đến như “người mẹ nước” tại Lào và Thái Lan, sông Mekong chảy từ Cao nguyên Tây Tạng, do phía Trung Quốc kiểm soát, chảy vào Biển Đông, qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Mỗi năm, những người nông dân ở lưu vực sông - vựa gạo lớn nhất của châu Á - sản xuất lượng gạo đủ để nuôi sống 300 triệu người.

Lưu vực này cũng tự hào là nơi có nghề đánh cá nước ngọt lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 25% sản lượng đánh bắt trên toàn cầu.

Tuy nhiên, tuyến đường thủy quan trọng này lại đang bị đe dọa, chủ yếu xuất phát từ một loạt các con đập lớn của Trung Quốc, được xây dựng gần biên giới cao nguyên Tây Tạng, ngay trước khu vực sông Mekong chảy vào Đông Nam Á.

Hiện có 11 con đập đang hoạt động với tổng công suất phát điện lên tới 21.300 MW, nhiều hơn công suất thủy điện được lắp đặt tại tất cả các quốc gia phía hạ nguồn.

[Mực nước sông Mekong tại Nakhon Phanom thấp nhất trong gần 100 năm]

Tuy nhiên, những công trình này đang tàn phá môi trường, nền kinh tế, cũng như các yếu tố địa chính trị.

Do dòng chảy nước ngọt và phù sa bị giảm, những đập khổng lồ này là nguyên nhân gây ra sự "xâm thực" tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Kết quả là tình trạng “xâm nhập mặn” đã buộc người nông dân trồng lúa phải chuyển sang nuôi tôm hoặc trồng lau sậy.

Bên cạnh đó, theo một nghiên cứu của Ủy ban sông Mekong, việc phát triển thủy điện đến năm 2040 - bao gồm một số con đập lớn của Trung Quốc đang được xây dựng hoặc đã lên kế hoạch - sẽ dẫn tới sự giảm sút 40-80% trữ lượng cá (tính theo sinh khối).

Hậu quả là lượng cá đang sinh sống trên phần lớn lưu vực, hiện chỉ đứng thứ hai sau lưu vực Amazon về sự đa dạng, sẽ dần biến mất.

Trung Quốc và chiến lược “vũ khí hóa” nguồn nước ở sông Mekong ảnh 2Sông Mekong tại khu vực Tam giác vàng Thái Lan, Lào, Myanmar. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Các con đập cũng làm gián đoạn chu kỳ lũ lụt hàng năm của dòng Mekong, vốn giúp đất nông nghiệp tái sinh một cách tự nhiên, bằng cách rải phù sa giàu dinh dưỡng và giúp mở rộng các vườn ươm cá khổng lồ.

Đầu mùa Hè năm nay, công tác bảo trì đập thủy điện Cảnh Hồng của Trung Quốc đã dẫn đến việc xả nước, gây lũ lụt tại Thái Lan và Lào, phá hủy mùa màng và hủy hoại quá trình sinh trưởng của cá, gây thiệt hại cho người dân địa phương.

Trung Quốc sau đó lại đổ đầy đập Cảnh Hồng bằng chính nước sông Mekong. Kết quả là mực nước tại hạ lưu đã sụt giảm, cộng dồn với tình trạng khan hiếm nước do lượng mưa rơi sụt giảm 40% trong tháng Sáu và tháng Bảy.

Thay vì tràn đầy nước vào mùa Hè, báo cáo của Ủy ban sông Mekong cho thấy mực nước của dòng sông này đã rơi vào mức thấp kỷ lục, làm cạn kiệt nguồn cá và ảnh hưởng tới năng suất trồng lúa.

Tại Thái Lan, tổng lượng nước hồ chứa bề mặt đã giảm 24% trong năm nay, do các đợt hạn hán nghiêm trọng đến mức Chính phủ Thái Lan, do Tướng Prayut Chan-o-cha lãnh đạo, đã buộc phải ra lệnh cho các lực lượng vũ trang hỗ trợ và ứng phó.

Bất chấp tất cả, Trung Quốc vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ giảm thiểu sự điên cuồng trong các kế hoạch xây dựng những con đập.

Đối với Chính phủ Trung Quốc, các siêu đập thủy điện là biểu tượng đáng tự hào của năng lực kỹ thuật. Vì vậy, nước này không chỉ vận hành nhiều con đập lớn hơn phần còn lại của thế giới cộng dồn lại, mà còn sở hữu một con đập lớn nhất, đập Tam Hiệp, và có kế hoạch xây dựng một con đập to hơn bất cứ một con đập nào trước đó, gần khu vực tranh chấp biên giới với Ấn Độ, ở giữa núi Himalaya.

Tuy nhiên, việc xây dựng các con đập của Trung Quốc không chỉ là niềm tự hào dân tộc. Khi hạn hán đang ngày càng thường xuyên và trầm trọng hơn, mạng lưới đập của Trung Quốc cho phép nước này gia tăng đòn bẩy đối với các quốc gia khác tại vùng hạ lưu.

Năm 2016, Trung Quốc đã giải phóng “nguồn nước khẩn cấp” từ một trong các con đập mà nước này sở hữu để đối phó với một đợt hạn hán lớn của các nước tại hạ lưu.

Bây giờ, một lần nữa, quốc gia lớn thứ hai thế giới lại hứa hẹn sẽ xả thêm nước cứu khô hạn, một lời nhắc nhở về việc các quốc gia vùng hạ lưu sông Mekong vẫn phải phụ thuộc vào thiện chí của Trung Quốc.

Thời gian tới, Trung Quốc rất có thể sẽ yêu cầu các quốc gia cần nước, vốn không có khả năng từ chối, sẽ phải đáp lại những thiện chí này bằng một cái giá nào đó. Hay nói tóm lại, Trung Quốc có thể sử dụng các con đập của mình để “vũ khí hóa” nguồn nước.

Hơn nữa, mặc dù Trung Quốc là quốc gia xây đập hàng đầu thế giới, với một chương trình chuyển dịch nước sông liên lưu vực tham vọng nhất, nhưng nước này không phải là duy nhất.

Lào cũng đang tìm cách xuất khẩu thủy điện, đặc biệt là sang Trung Quốc và Thái Lan, là thị trường chính của nền kinh tế Lào.

Nước này cũng vừa hoàn thành đập Xayaburi do Thái Lan tài trợ. Xayaburi hiện đang trong quá trình thử nghiệm và sẽ bắt đầu phát điện vào tháng Mười năm nay.

Mặc dù nhỏ hơn các siêu đập của Trung Quốc, nhưng Xayaburi vẫn tạo ra các tác động. Việc đổ đầy hồ chứa và chạy thử của Xayaburi đã gây ảnh hưởng tới dòng chảy tại các nhánh sông Mekong ở vùng hạ lưu Thái Lan, làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán ở đây.

Hiệu ứng mà nó gây ra đã khiến Chính phủ Thái Lan - vốn đồng ý mua 95% số điện năng mà đập tạo ra - đã yêu cầu Lào đình chỉ hoạt động thử nghiệm cho tới khi hạn hán giảm bớt.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đóng một vai trò trong đó. Là nhà đầu tư lớn nhất của Lào, Trung Quốc đang tài trợ và xây dựng hơn một nửa các dự án đập lớn trên đất của quốc gia này.

Tương tự, tại Campuchia, Trung Quốc vừa hoàn thành dự án xây đập thứ bảy, và đây không phải là dự án xây đập cuối cùng.

Các con đập có xu hướng tạo ra những “người chiến thắng” ở thượng nguồn, nơi người dân được tiếp cận với nước và thủy điện nhiều hơn, nhưng những "người thua cuộc" nằm ở hạ lưu.

Tại khu vực sông Mekong, trong ngắn hạn, số lượng người thua cuộc sẽ vượt xa con số chiến thắng.

Thêm vào đó, về dài hạn, sự hủy hoại môi trường có nghĩa là không có người chiến thắng.

Cách duy nhất để tránh một tương lai ảm đạm cho toàn bộ khu vực này là chấm dứt việc xây dựng các con đập đơn phương trên toàn bộ sông Mekong, mở rộng sự phối hợp được thể chế hóa, tập chung vào bảo vệ quyền của mỗi quốc gia và yêu cầu mỗi quốc gia thực hiện nghĩa vụ của mình đối với người dân, các nước láng giềng và của cả hành tinh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.