Diễn ra trong không khí “cởi mở và thẳng thắn”-như đánh giá của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trong cuộc họp báo sau đó, song Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Liên minh châu Âu (EU)-Trung Quốc lần thứ 23 chưa tạo bước ngoặt trong tháo gỡ những bất đồng bùng phát thời gian gần đây.
Điều này không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, trong bối cảnh hội nghị bị phủ bóng bởi cuộc xung đột tại Ukraine. Mặc dù vậy, những tín hiệu từ cuộc gặp vẫn cho thấy nền tảng vững chắc trong quan hệ song phương cũng như thiện chí duy trì đối thoại-hợp tác từ cả phía Brussels và Bắc Kinh để khẳng định vai trò trong thế giới đầy biến động.
Tham dự hội nghị có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường, trong khi phía EU cùng với ông Michel và bà von der Leyen còn có Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell. Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa hai bên sau gần 2 năm.
Trong bối cảnh cuộc xung đột Ukraine đang chi phối đời sống chính trị - kinh tế quốc tế, cũng như những phức tạp xung quanh tứ giác quan hệ Nga – Trung Quốc – EU – Mỹ, không có gì ngạc nhiên khi EU nêu vấn đề Ukraine vào chương trình nghị sự của hội nghị vốn thường tập trung vào hợp tác kinh tế này.
Dù nhất trí rằng cuộc xung đột hiện nay tại Ukraine đe dọa an ninh và kinh tế toàn cầu, tuy nhiên EU và Trung Quốc thể hiện cách tiếp cận khác nhau. Trước lời kêu gọi của EU rằng Trung Quốc cần sử dụng ảnh hưởng để gây sức ép với Nga, Thủ tướng Lý Khắc Cường phản đối việc áp đặt trừng phạt, đồng thời khẳng định Bắc Kinh sẽ thúc đẩy hòa bình theo cách riêng của mình.
Những tuyên bố của lãnh đạo EU về khả năng trừng phạt Trung Quốc nếu nước này ủng hộ Nga có vẻ chỉ mang tính cảnh báo tượng trưng bởi những biện pháp trừng phạt như vậy cũng sẽ để lại hậu quả đối với EU. Có thể nói ngay các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị cũng không kỳ vọng hội nghị lần này sẽ ra được tuyên bố chung về vấn đề Ukraine, đơn giản đây chỉ là vấn đề không thể không nhắc đến, và hội nghị là một diễn đàn chính thức để nhắc lại quan điểm của từng bên.
Vấn đề Ukraine cũng như quan hệ giữa Trung Quốc và Nga hay quan hệ Trung Quốc – EU – Mỹ không cần và không thể là chủ đề có thể giải quyết trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh EU – Trung Quốc nói riêng và quan hệ giữa hai bên nói chung.
Không mang tính quyết định, nhưng vấn đề Ukraine được cho sẽ khiến nỗ lực thu hẹp những bất đồng trực tiếp giữa EU và Trung Quốc phải mất thêm một thời gian nữa mới đạt kết quả. Như bà von der Leyen thông báo với báo giới sau cuộc gặp, lãnh đạo EU và Trung Quốc tại cuộc họp “thể hiện quan điểm khác biệt rõ rệt” về một loạt vấn đề.
Đó là các lệnh trừng phạt trả đũa lẫn nhau hồi tháng 2/2021 vì vấn đề Tân Cương, hay mâu thuẫn giữa Trung Quốc với Litva, một nước thành viên EU-những vấn đề cản trở việc ký kết Hiệp định đầu tư song phương, vốn được Bắc Kinh thúc đẩy từ cuối năm 2020.
Những căng thẳng này đã khiến quan hệ hai bên xấu đi nghiêm trọng và là lý do khiến kế hoạch tổ chức hội nghị bị trì hoãn nhiều lần. Việc các nhà lãnh đạo EU và Trung Quốc đồng ý tổ chức hội nghị thượng đỉnh từng được kỳ vọng có thể tạo ra đột phá trong nửa đầu năm 2022, nhưng cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã thu hẹp cơ hội thảo luận về các nội dung này, và nhiều khả năng việc phê chuẩn Hiệp định đầu tư EU – Trung Quốc sẽ tiếp tục bị “đóng băng.”
Mặc dù vậy, hội nghị lần này cho thấy giữa Trung Quốc và EU vẫn còn nhiều không gian đối thoại và hợp tác. Theo thông báo của EU sau hội nghị, các nhà lãnh đạo đã nhất trí, ưu tiên hàng đầu hiện nay vẫn là phục hồi từ đại dịch COVID-19 và đối phó với các đại dịch trong tương lai, trong đó hai bên sẽ cùng hợp tác với các nước thành viên khác của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong thỏa thuận mới về ngăn ngừa, chuẩn bị và đối phó với đại dịch.
[Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy tiến trình hòa đàm Nga-Ukraine]
Liên quan đến những bất đồng hiện nay về thương mại, các nhà lãnh đạo EU và Trung Quốc đồng ý tổ chức đối thoại kinh tế thương mại cấp cao để “tìm giải pháp chắc chắn nhằm tạo bước tiến” về vấn đề này trước mùa Hè 2022.
Hai bên cũng đồng ý tiếp tục hợp tác trong vấn đề biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng. EU và Trung Quốc cũng sẽ tổ chức các đối thoại cấp cao về khí hậu, môi trường trong năm nay, cũng như nối lại đối thoại cấp cao về kỹ thuật số.
Có thể nói nền tảng vững chắc cho việc hợp tác giữa Trung Quốc và EU là tiềm lực kinh tế, sự phụ thuộc về kinh tế thương mại của hai bên. Bản thân Brussels và Bắc Kinh cũng coi trọng mối quan hệ này, thể hiện qua hàng chục cơ chế đối thoại và hợp tác đã được thiết lập và duy trì trong nhiều thập niên qua.
Năm 2021 là năm thứ hai liên tiếp Trung Quốc duy trì vị trí đối tác thương mại hàng đầu của EU, với kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều tăng 27,5% và đạt kỷ lục 744 tỷ euro. Trong khi đó, EU trong 2 tháng đầu năm 2022 đã vượt qua Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.