Thời gian qua, Trung Quốc rất tích cực vận động Mỹ nới lỏng các lệnh cấm vận đối với Triều Tiên trước khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai diễn ra tại Hà Nội.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết ông rất thấu hiểu mong muốn của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về việc Mỹ phải có hành động tương xứng nếu Triều Tiên tiến hành phi hạt nhân hóa.
Báo Yomiuri (Nhật Bản) ngày 28/2 dẫn lời Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Vương Nghị cho rằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất đã mở ra cơ hội đối thoại và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, do vậy, hội nghị lần hai sẽ là bước tiến quan trọng để hiện thực hóa cơ chế hòa bình và phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Theo một nhà nghiên cứu ở Bắc Kinh, Chính phủ Trung Quốc ưu tiên duy trì ổn định trên bán đảo Triều Tiên và có lập trường mong muốn Mỹ-Triều đạt được đồng thuận theo phương thức "hành động đổi lấy hành động," tức là Mỹ có những hành động tương ứng với Triều Tiên mỗi khi Bình Nhưỡng có hành động phi hạt nhân hóa.
Trung Quốc coi đây là cách thức hiện thực nhất để thúc đẩy Triều Tiên phi hạt nhân hóa. Điều mà Trung Quốc muốn hướng tới là Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nới lỏng cấm vận đối với Triều Tiên.
Ngày 21/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh rằng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần thảo luận lại vấn đề này.
Theo một số nguồn tin ngoại giao tại Bắc Kinh, trong chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 4, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho biết Triều Tiên sẽ thực hiện thêm các biện pháp phi hạt nhân hóa và mong muốn Mỹ cũng "đáp lại" các hành động đó. Khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng cho rằng cần nới lỏng cấm vận với Triều Tiên và cam kết sẽ đóng vai trò tích cực trong vấn đề này, đặc biệt là can dự mạnh mẽ vào quá trình đàm phán sau này để chuyển từ Tuyên bố kết thúc chiến tranh sang Hiệp ước hòa bình giữa Mỹ và Triều Tiên.
Sở dĩ Trung Quốc muốn Liên hợp quốc nới lỏng lệnh cấm vận đối với Triều Tiên là do lo ngại ảnh hưởng của Trung Quốc với Triều Tiên ngày càng giảm sút. Trung Quốc từng là đối tác thương mại chiếm tới 90% lượng hàng hóa xuất khẩu của Triều Tiên, nhưng đến năm 2018, kim ngạch xuất khẩu từ Triều Tiên sang Trung Quốc đã giảm 88% so với năm 2017 do tác động của lệnh cấm vận.
Tại vùng biên giới Trung-Triều, nhiều công trình hạ tầng về thương mại, mậu dịch đã được xây dựng nhằm đón đầu việc nới lỏng cấm vận với Triều Tiên. Tại tỉnh Cát Lâm (Trung Quốc) sắp hoàn thành cây cầu mới dài 800m, chiều ngang 23m qua sông Đồ Môn sang bên kia Triều Tiên. Khi hoàn thành, lưu lượng thương mại Trung-Triều sẽ tăng lên đáng kể.
Tại thị xã Tập An, tỉnh Cát Lâm, việc xây dựng Khu hợp tác kinh tế biên giới Tập An cũng đang được tiến hành với tổng vốn đầu tư khoảng 900 triệu USD. Một số nguồn tin về quan hệ thương mại Trung-Triều nhận định rằng sớm muộn thì lệnh cấm vận với Triều Tiên cũng được nới lỏng và đây sẽ là cơ hội hợp tác thương mại lớn đối với Trung Quốc.
Trong khi đó, Nga cũng muốn Liên hợp quốc nới lỏng cấm vận với Triều Tiên. Nga hy vọng hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai sẽ dẫn tới việc Liên hợp quốc nới lỏng các biện pháp cấm vận này. Nga đang muốn mời nhà lãnh đạo Kim Jong-un sang thăm Nga trong một vài tháng tới, khi đó Nga sẽ đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Triều Tiên trong trường hợp Bình Nhưỡng được nới lỏng cấm vận.
Ngày 26/2, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev cho rằng cùng với việc Triều Tiên phá hủy hạt nhân thì cũng cần giảm bớt các sức ép về kinh tế với Triều Tiên và cần nới lỏng cấm vận với Triều Tiên khi Bình Nhưỡng tiến hành phi hạt nhân hóa.
Trong khi Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc đều đã có các cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Nga - với tư cách là một thành viên trong đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên - vẫn chưa thực hiện được điều này dù đã mời nhà lãnh đạo Kim Jong-un sang thăm từ năm 2018.
Nga đang lên kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nga-Triều tại vùng Viễn Đông, nơi mà đoàn tàu đặc biệt của Triều Tiên có thể đi tới. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn chưa tỏ rõ thái độ về khả năng thăm Nga./.