Trung tâm tài chính London và tương lai nhiều bất định hậu COVID-19

Theo một số nhà quan sát, thói quen lao động tại trung tâm tài chính London đã thay đổi mãi mãi vì COVID-19 và khung cảnh nhộn nhịp như thời kỳ dịch bệnh chưa bùng phát khó trở lại.
Trung tâm tài chính London và tương lai nhiều bất định hậu COVID-19 ảnh 1Trung tâm tài chính London. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khu trung tâm tài chính nhộn nhịp một thời của London, Thủ đô Vương quốc Anh đang dần hồi sinh sau đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, những vết sẹo của đại dịch đã làm dấy lên câu hỏi mới về tương lai của khu vực được gọi là "Square Mile" này.

Cuộc khủng hoảng y tế COVID-19 nổ ra vào tháng 4/2020, dẫn tới một giai đoạn đóng cửa trên toàn quốc và biến trung tâm tài chính này thành một “thị trấn không người."

Các lao động tại đây buộc phải làm việc từ xa. Một số khác áp dụng phong cách làm việc kết hợp hoặc linh hoạt, giúp phân chia thời gian làm việc tại nhà và văn phòng.

Sang tháng 7/2021, nước Anh đã hoàn toàn thoát khỏi tình trạng ngừng hoạt động nhờ các chương trình tiêm chủng mở rộng nhanh chóng. Song nhiều lao động tỏ ra sẽ không vội vàng trở lại văn phòng trong bối cảnh những lo ngại về biến thể Delta đang ngày càng gia tăng.

Chuyên gia bất động sản doanh nghiệp Lorna Landells của công ty tư vấn Remit Consulting cho hay nhiều người vẫn có sự miễn cưỡng khi đối mặt với nguy cơ tiếp xúc với virus ở nơi làm việc hoặc trên đường đi làm.

Theo chính sách hiện thời, những người Anh đã được tiêm chủng đầy đủ không còn phải tự cách ly sau khi tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, tổng công suất văn phòng ở Square Mile chỉ là 10,3% trong tuần kết thúc vào ngày 20/8.

Một số nhà quan sát nhận định vẫn còn rất sớm để các văn phòng mở cửa trở lại và kỳ vọng sẽ có nhiều người lao động làm việc tại văn phòng hơn vào tháng Chín. Song một số khác lại cho rằng thói quen lao động tại trung tâm tài chính London đã thay đổi mãi mãi vì đại dịch COVID-19, và khung cảnh nhộn nhịp như thời kỳ dịch bệnh chưa bùng phát vì thế sẽ khó trở lại.

[Đánh giá khả năng cạnh tranh của Trung tâm tài chính London]

Trước đại dịch, trung bình hơn nửa triệu người đi lại mỗi ngày và làm việc tại khu Square Mile, giúp các cửa hàng càphê, quán rượu và nhà hàng của thành phố hoạt động vô cùng sôi động.

Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cũng muốn các nhân viên văn phòng quay trở lại, vì ông cho rằng điều đó sẽ giúp ích cho sự nghiệp của những người trẻ tuổi.

Tuy nhiên, những “gã khổng lồ” ngân hàng như Barclays và HSBC đang đặt cược vào mô hình làm việc linh hoạt trong dài hạn, một điều cũng giúp họ cắt giảm nhu cầu về không gian văn phòng.

Theo một cuộc khảo sát gần đây của công ty tuyển dụng Michael Page, gần 80% lao động của khu trung tâm tài chính dự định sẽ trở lại văn phòng từ tháng Chín. Dù vậy, chỉ có 25% mong đợi trở lại làm việc đủ năm ngày trong tuần tại văn phòng.

Các nhà chức trách thành phố vẫn bày tỏ lạc quan về triển vọng của khu vực này, vốn đã chịu nhiều tác động từ Brexit - chỉ việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU).

Bà Catherine McGuinness, Chủ tịch chính sách của cơ quan quản lý City of London Corporation, cho biết các trung tâm văn phòng tại Square Mile vẫn đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nhân sự, góp phần xây dựng tinh thần đồng nghiệp, sự hợp tác và sáng tạo, đưa ra cơ hội mở rộng kết nối cùng nhiều điều khác.

Theo bà, bản thân nhiều người lao động cũng háo hức trở lại văn phòng ít nhất một phần thời gian trong tuần. Và sự trở lại của họ sẽ mang lại sự ổn định cần thiết cho lĩnh vực khách sạn và bán lẻ của thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.