90 năm qua, với quan điểm xuyên suốt “Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng,” công tác dân vận luôn là bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930-15/10/2020), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đã có bài viết: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công.”
TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết:
“Được xác định là nhiệm vụ chiến lược của sự nghiệp cách mạng từ những ngày Đảng còn hoạt động bí mật cho đến khi trở thành Đảng cầm quyền duy nhất, thực tiễn phong phú, sinh động của công tác dân vận 90 năm qua (15/10/1930-15/10/2020) là minh chứng khẳng định lời dạy sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công.”
Từ trải nghiệm trong những năm tìm đường cứu nước, thành lập Hội Những người Việt Nam yêu nước tại Pháp (1917) với bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Vécxây (1919); tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa Pháp (1921), Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức châu Á (1925); xuất bản báo Người cùng khổ, tác phẩm nổi tiếng Bản án chế độ thực dân Pháp; thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu, Trung Quốc (1925), trực tiếp huấn luyện những chiến sỹ trung kiên làm hạt nhân đi sâu vào các tầng lớp nhân dân tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, gieo niềm tin cách mạng, tinh thần đoàn kết trong các giai tầng xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rõ nguồn gốc sức mạnh của Đảng là từ sức mạnh to lớn của nhân dân, sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã xác định những nội dung cơ bản nhất của cách mạng Việt Nam, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của dân tộc và nguyện vọng tha thiết của đại đa số nhân dân, đề ra sách lược thu hút, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân làm thành lực lượng cách mạng đi theo lá cờ tiên phong của Đảng.
Ngay sau Hội nghị thành lập Đảng, trước tình hình các tổ chức quần chúng chỉ có 2.747 hội viên ở Bắc Kỳ, 327 hội viên ở Nam Kỳ, đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam ra Lời kêu gọi công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh và toàn thể đồng bào bị áp bức, bóc lột. Người nhấn mạnh “Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập. Đó là Đảng của giai cấp vô sản. Đảng sẽ dìu dắt giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng An Nam đấu tranh nhằm giải phóng cho toàn thể anh chị em bị áp bức, bóc lột chúng ta. Từ nay, anh chị em chúng ta cần phải gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng và đi theo Đảng.”
Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (từ ngày 14-31/10/1930) đã thông qua các Án nghị quyết về công nhân vận động, nông dân vận động, cộng sản thanh niên vận động, phụ nữ vận động, quân đội vận động, vấn đề cứu tế và đồng minh phản đế.
Nghị quyết Hội nghị xác định rõ, “Trong các Đảng bộ thượng cấp (từ thành và tỉnh ủy trở lên) phải tổ chức ra các Ban chuyên môn về các giới vận động,” đặt nền tảng cho sự ra đời nhanh chóng hệ thống Ban chuyên môn và đội ngũ cán bộ về các giới vận động của Đảng, bao gồm Công vận, Nông vận, Thanh vận, Phụ vận, Quân đội vận, Mặt trận phản đế làm nhiệm vụ tổ chức, tập hợp lực lượng, giáo dục, vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào đấu tranh chống áp bức, bóc lột, đòi hỏi dân sinh, dân chủ ở nhiều nơi dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh, tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất, khẳng định quan điểm của Đảng, đó là, đoàn kết giai cấp và tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong cách mạng giải phóng dân tộc.
Những cán bộ, đảng viên lớp đầu tiên đã thực hiện “vô sản hóa,” “ba cùng” với nhân dân, tuyên truyền, giác ngộ và thành lập các tổ chức quần chúng đoàn kết xung quanh Đảng, tạo sức mạnh và động lực cho cách mạng theo đường lối “Đem sức ta mà giải phóng cho ta.”
[Thủ tướng gặp mặt các điển hình “Dân vận khéo” toàn quốc]
Cao trào cách mạng 1930 -1931, với đỉnh cao là phong trào Xô viết Nghệ-Tĩnh là mốc son sáng chói đánh dấu việc lần đầu tiên một đảng cách mạng dù còn rất non trẻ đã thể hiện vai trò, bản lĩnh, uy tín, sức chiến đấu và khả năng to lớn trong việc lãnh đạo, đoàn kết, huy động quần chúng nhân dân, như lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đó là “một phong trào quần chúng mạnh lớn xưa nay chưa từng có ở nước ta,” “chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam.”
Trong những năm tháng khó khăn, gian khổ nhất khi chính quyền thực dân thi hành “khủng bố trắng” nhằm cắt đứt mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng, cơ sở cách mạng thì niềm tin yêu của nhân dân, sự hy sinh, che chở, bảo vệ của nhân dân đã làm nên sức mạnh giúp Đảng kiên cường, vững vàng vượt qua mất mát, tổn thất, đối mặt với mọi thách thức cam go, giữ vững được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và tương lai cách mạng.
Bằng các hình thức đấu tranh công khai, hợp pháp, nửa hợp pháp thúc đẩy các phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ (1936-1939), phong trào Phản đế (1939-1941), phong trào Mặt trận Việt Minh (1941-1945) tạo được sức lan tỏa rộng rãi, trở thành trung tâm tập hợp các tầng lớp nhân dân ở mọi miền Tổ quốc hăng hái tham gia, phát triển lực lượng, khơi dậy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo thành khí thế cách mạng, làm nên thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã khẳng định tính đúng đắn của Cương lĩnh chính trị đầu tiên, là ngọn cờ đoàn kết, tập hợp đông đảo nhân dân, thắng lợi của chiến lược vận động quần chúng của Đảng.
Chỉ với vài nghìn đảng viên, Đảng đã đặt niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh to lớn của nhân dân, gắn bó máu thịt, dựa vào sự ủng hộ của nhân dân; tuyên truyền giác ngộ nhân dân hiểu rõ con đường độc lập dân tộc; tổ chức, tập hợp nhân dân; hướng dẫn đấu tranh từ thấp đến cao, đồng tâm hợp lực khởi nghĩa đánh đổ thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân, làm nên thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, xây dựng chính quyền công-nông đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc-kỷ nguyên độc lập, tự do và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Từ kinh nghiệm sâu sắc về xây dựng lực lượng cách mạng, trong suốt 30 năm (1945-1975) lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng luôn chú trọng công tác dân vận gắn với công tác xây dựng Đảng, hướng tới mọi tầng lớp nhân dân tạo nên sức mạnh tổng hợp bằng các phong trào cách mạng thiết thực. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được mở rộng, thu hút thêm các đảng phái yêu nước, đồng bào yêu nước không đảng phái, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, sắc tộc.
Phong trào thi đua ái quốc nhanh chóng được mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng sâu rộng, tạo thành sức mạnh cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc; cổ vũ, động viên toàn quân, toàn dân, khơi dậy ý chí cách mạng, phấn đấu, hy sinh, thi đua lao động, sản xuất vì Tổ quốc; hàng chục nghìn dân công hướng ra tiền tuyến vận tải lương thực, thực phẩm, vũ khí phục vụ kháng chiến, đỉnh cao là thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.”
Giai đoạn 1954-1975, miền Bắc trở thành hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tăng cường đoàn kết mọi lực lượng dân tộc và dân chủ, động viên đồng bào, chiến sỹ nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tất cả vì miền Nam ruột thịt.
Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Công tác dân vận được triển khai sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân trong nước, đoàn kết với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc là điểm tựa vững chắc cho quân và dân miền Nam tổ chức nhiều phong trào đấu tranh sâu rộng, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đưa đất nước bước sang thời kỳ mới-thời kỳ hòa bình, độc lập, thống nhất, cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Đại hội VI của Đảng (1986), với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đổi mới tư duy, đổi mới tổ chức và cán bộ, đổi mới phong cách làm việc đã đánh dấu bước chuyển quan trọng, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, bài học đầu tiên trong 4 bài học lớn, đó là: “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc,” xây dựng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động”; “phải đặc biệt chăm lo củng cố sự liên hệ giữa Đảng và nhân dân.” Tư tưởng này tiếp tục được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991).
Ngày 27/3/1990, Đảng ban hành Nghị quyết số 08B-NQ/HNTW về Đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân yêu cầu khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên quan liêu, mệnh lệnh, xa dân, chuyên quyền, độc đoán, tham ô, hối lộ, sống xa hoa, lãng phí, làm giảm nhiệt tình cách mạng, hạn chế việc phát huy khả năng to lớn của nhân dân trong công cuộc xây dựng đất nước.
Những thành tựu to lớn qua hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển (năm 2011) tiếp tục khẳng định quan điểm sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân là điều kiện quan trọng đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng.
Các nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc luôn chú trọng việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận, chú trọng các vấn đề: quyền làm chủ của nhân dân thông qua cơ chế dân chủ đại diện, dân chủ trực tiếp; dân chủ ở cơ sở; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; công tác dân tộc; công tác tôn giáo; Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; phát huy vai trò nhân dân tham gia góp ý, giám sát, phản biện góp phần xây dựng chính sách, pháp luật, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh... Đặc biệt, Nghị quyết 25-NQ/TW (2013) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, hệ thống chính trị đối với công tác dân vận.
5 năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đất nước phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm, đạt được kết quả tích cực. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chuyển biến mạnh mẽ.
Chính trị xã hội ổn định, quốc phòng an ninh không ngừng được củng cố, kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng, hiệu quả, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Năm 2020, kiểm soát thành công đại dịch COVID-19, góp phần ổn định cuộc sống, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị đối với công tác dân vận được nâng cao gắn với chăm lo cuộc sống, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.
Tháng 10/1999, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận” (15/10/1949), theo đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, để đẩy mạnh công tác dân vận của Đảng, học tập và làm theo những lời dạy của Bác về thực hành công tác dân vận, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã quyết định chọn ngày 15/10 - ngày bài báo “Dân vận” được đăng trên Báo Sự thật - là Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng, Ngày Dân vận của cả nước.
90 năm qua, với quan điểm xuyên suốt “Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng,” công tác dân vận luôn là bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Trải qua các thời kỳ cách mạng, cơ quan làm công tác dân vận với những tên gọi khác nhau: Ban chuyên môn về từng giới vận (1930-1945 và 1951-1962), Ban Mặt trận và các tiểu Ban vận (1962-1976), Ban Dân vận - Mặt trận (1976-1980), Ban Dân vận (1947-1951 và từ 1981 đến nay) nhưng chức năng, nhiệm vụ chung không thay đổi, là cơ quan tham mưu cho Đảng về công tác vận động quần chúng.
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác dân vận của cả hệ thống chính trị đã đạt được những kết quả tích cực, hướng mạnh về cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân; nâng cao trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu trước nhân dân.
Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, sâu sát cơ sở, làm cầu nối quan trọng giữa Đảng với nhân dân. Động viên nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được phát động từ năm 2009 đã trở thành trọng tâm của phong trào thi đua yêu nước ngành dân vận, được cấp ủy, hệ thống chính trị tích cực hưởng ứng, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hàng vạn mô hình, điển hình, kinh nghiệm hay trong công tác vận động nhân dân.
Công tác dân vận đã gắn liền với trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị; với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nêu gương của cán bộ, đảng viên, qua đó không chỉ hoàn thành nhiệm vụ được phân công, quan trọng hơn là nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, xây dựng hình ảnh cán bộ, đảng viên trước nhân dân, động viên, thuyết phục nhân dân ủng hộ, đồng thuận, tham gia thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống vẻ vang của công tác dân vận đã được xây dựng, vun đắp, kế thừa, có sự đóng góp to lớn của nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ công tác dân vận qua các giai đoạn lịch sử, đó là các đồng chí Trần Phú, Hoàng Quốc Việt, Tôn Đức Thắng, Xuân Thủy, Nguyễn Văn Linh, Vũ Quang, Trần Quốc Hoàn, Lê Quang Đạo và thế hệ lãnh đạo công tác dân vận trong thời kỳ mới.
Để ghi nhận những đóng góp to lớn của công tác dân vận, Đảng, Nhà nước đã trao tặng nhiều danh hiệu cao quý, đó là Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, nhiều Huân chương Lao động hạng Nhất, trong đó có Huân chương Lao động hạng Nhất trong phong trào xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2015-2020.
Thời gian tới, bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi phức tạp, nhanh chóng, khó lường. Mặc dù hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo nhưng cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, cạnh tranh thương mại tiếp tục diễn ra gay gắt hơn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư phát triển, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực. Thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động của đại dịch COVID-19 làm cho thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng nhiều mặt, các vấn đề về an ninh phi truyền thống, ô nhiễm môi trường, các yêu cầu bảo đảm quốc phòng an ninh sẽ tác động đến quá trình phát triển đất nước và cuộc sống của nhân dân.
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế trước yêu cầu của tình hình mới, góp phần thực hiện mục tiêu “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; phát huy sức sáng tạo, ý chí và khát vọng phát triển đất nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, kết hợp sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước; chú trọng đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa,” công tác dân vận phải tiếp tục được đổi mới, động viên mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, chung sức, chung lòng cho những mục tiêu chung của đất nước.
Đồng thời, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, giảm khoảng cách giàu-nghèo, đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, quan tâm các đối tượng yếu thế trong cuộc sống, lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá cán bộ, đảng viên. Mọi hoạt động của hệ thống chính trị phải hướng đến cuộc sống của nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng.
Bên cạnh đó, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hành dân chủ, tạo đồng thuận xã hội, đảm bảo cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ,” phát huy sức mạnh “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng (2030); trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước (2045)./.