Truy tố 5 bị can đường dây làm giả sổ tạm trú để xin cấp thị thực

Năm bị can bị Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội truy tố về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” theo quy định tại Điều 341-Bộ luật Hình sự năm 2015.
Truy tố 5 bị can đường dây làm giả sổ tạm trú để xin cấp thị thực ảnh 1Tang vật của vụ việc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 5 bị can trong đường dây làm giả sổ tạm trú để xin cấp thị thực.

Năm bị can này gồm: Nguyễn Quang Tín, sinh năm 1992, trú tại phường Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh; Ngô Bảo Trân, sinh năm 1994, trú tại Phường 11, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh; Tống Nguyên Tuệ, sinh năm 1990, trú tại xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội; Vương Xuân Mạnh, sinh năm 1986, trú tại xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội; và Nguyễn Thị Thơm, sinh năm 1989, vợ bị can Mạnh, bị Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội truy tố về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” theo quy định tại Điều 341-Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo cáo trạng, khoảng tháng 12/2018, Chính phủ Hàn Quốc có chính sách mở rộng quy định cấp thị thực du lịch nhập cảnh nhiều lần cho công dân cư trú tại 3 thành phố lớn của Việt Nam gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Lợi dụng chính sách này, tháng 3/2019, Nguyễn Xuân Bình là nhân viên của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch thuật Minh Hiếu có trụ sở tại số 91 đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội, nảy sinh ý định nhận làm môi giới, hướng dẫn những người có nhu cầu xin tạm trú ở thành phố Hà Nội với giá khoảng 6 triệu đồng/sổ.

Trong quá trình làm việc tại công ty, Bình đã gặp và quen biết với Tống Nguyên Tuệ. Tuệ giới thiệu với Bình là Tuệ có thể liên hệ với Công an các phường trên địa bàn thành phố Hà Nội xin cấp được sổ tạm trú theo yêu cầu của Bình. Sau khi được Bình nhờ, Tuệ nảy sinh ý định làm giả sổ tạm trú bán cho Bình để kiếm lời.

Thông qua mối quan hệ xã hội, Tuệ đã liên hệ với Ngô Bảo Trân để đặt mua sổ tạm trú giả. Qua mạng xã hội Zalo, Trân biết Nguyễn Quang Tín có nick Zalo là “Danh” có khả năng làm được sổ tạm trú giả, dấu giả nên Trân đã liên hệ để đặt mua.

[Hà Nội: Khởi tố 5 đối tượng trong đường dây làm giả sổ tạm trú]

Các bên thỏa thuận rằng Tín sẽ cung cấp phôi sổ tạm trú đã đóng dấu sẵn của nơi cấp sổ với giá 4-5 triệu đồng/sổ; dấu tròn hành chính, dấu tên chức danh với giá 4,5 triệu đồng/bộ dấu.

Sau khi thống nhất được về cách làm và giá cả, Tuệ và Trân đã nhiều lần đặt mua của Tín các sổ tạm trú giả, bộ dấu giả.

Cũng trong thời gian này, Vương Văn Mạnh nhận làm thủ tục xin cấp thị thực multiple (là loại thị thực cho phép nhập cảnh vào Hàn Quốc nhiều lần trong thời hạn của thị thực) cho một số người ở tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Trị.

Do yêu cầu của Đại sứ quán Hàn Quốc là chỉ cấp thị thực cho những người có hộ khẩu thường trú ở thành phố Hà Nội (cũng như Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng) nên Mạnh đã hỏi Tống Nguyên Tuệ về việc mua sổ tạm trú.

Tuệ đã giới thiệu Nguyễn Quang Tín cho Mạnh liên hệ. Sau đó, Mạnh đã thỏa thuận và đặt mua của Tín sổ tạm trú loại đã được ký và đóng dấu sẵn của nơi cấp sổ với giá 2 triệu đồng/sổ. Sau khi nhận được sổ, Mạnh nhờ Nguyễn Thị Thơm điền đầy đủ thông tin vào sổ tạm trú giả được mua của Tín.

Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội kết luận, trong khoảng thời gian từ tháng 3-4 năm 2019, Nguyễn Quang Tín đã làm tổng số 27 con dấu, tài liệu giả, sau đó chuyển cho Ngô Bảo Trân tổng số 19 con dấu, tài liệu giả.

Trong đó, Trân cùng Tống Nguyên Tuệ đặt làm 13 con dấu, tài liệu giả, Vương Xuân Mạnh đặt làm 8 tài liệu giả. Nguyễn Thị Thơm giúp sức cho Vương Xuân Mạnh làm 4 tài liệu giả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục