Truy tố 9 đối tượng gây thiệt hại 12 tỷ đồng thủy điện Sông Bung 2

Viện KSND tỉnh Quảng Nam vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 9 đối tượng lập chứng từ khống để chiếm đoạt và làm thiệt hại hàng chục tỷ đồng tiền đền bù dự án thủy điện Sông Bung 2.

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam cho biết, cơ quan này vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 9 đối tượng liên quan đến vụ lập chứng từ khống để chiếm đoạt và làm thiệt hại hàng chục tỷ đồng tiền đền bù dự án thủy điện Sông Bung 2, thuộc huyện Nam Giang, Quảng Nam.

Trong số đó, Nguyễn Văn Dũng, Ban Quản lý dự án Thủy điện sông Bung 2 và Nguyễn Văn Hợp, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Nam Giang bị truy tố về tội làm trái quy định quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Bốn cán bộ của Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên môi trường Quảng Nam gồm Trương Hoành, Phan Tấn Thịnh, Nguyễn Đức Tuấn, Hứa Tấn Sỹ bị truy tố về tội nhận hối lộ, đối tượng Huỳnh Giao, một người kinh doanh ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam, bị truy tố về tội đưa hối lộ.

Các đối tượng Zơ Râm Pết, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Chơ Chun, huyện Nam Giang và Huỳnh Văn Hải (anh trai đối tượng Huỳnh Giao) bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo hồ sơ, vào năm 2011, để thực hiện hợp đồng với Ban Quản lý Thủy điện sông Bung 2, Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên Môi trường phân công bốn cán bộ Hoành, Thịnh, Tuấn và Sỹ đo đạc, lập hồ sơ bồi thường tại hai xã La Ê và Chơ Chun, huyện Nam Giang.

Trong quá trình đo đạc, tổ này không thực hiện đúng quy định mà lại làm theo chỉ dẫn của Huỳnh Giao trong việc lập khống các chứng từ và hộ đồng bào để nhận tiền đền bù về đất đai và hoa màu. Hành vi này được xác định gây thiệt hại gần 12 tỷ đồng.

Sau khi các hộ dân nhận tiền bồi thường, Giao đưa cho Tuấn 40 triệu đồng, Hoành 20 triệu đồng và Thịnh, Sỹ mỗi người 5 triệu đồng. Tiếp đó, Huỳnh Văn Hải trả thêm 40 triệu đồng "thù lao" cho bốn cán bộ trên.

Cụ thể là, Huỳnh Văn Hải cùng với các cán bộ của Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Nam đến xã Cha Chun, huyện Nam Giang khảo sát lập hồ sơ đền bù Thủy điện sông Bung 2.

Khi gặp Zơ Râm Pết, lúc đó là cán bộ địa chính xã, Hải bảo Zơ Râm Pết lập danh sách 16 hộ dân xã Cha Chun, chủ yếu là những hộ có quan hệ bà con với cán bộ xã. Zơ Râm Pết đã lập hồ sơ, thu gom 16 sổ hộ khẩu để photo, công chứng và đưa cho Hải.

Sau khi có hồ sơ đất, bản đồ trích đo địa chính, Hải cùng cán bộ Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên Môi trường Quảng Nam đưa cho Ủy ban Nhân dân xã Cha Chun và 16 hộ dân ký hợp thức.

Đến tháng 9/2012, các hộ dân trong danh sách đến nhận tiền đền bù, mặc dù những người này không có đất canh tác trong khu vực dự án Thủy điện sông Bung 2.

Theo hồ sơ các hộ dân ký nhận, số tiền đền bù của 16 hộ dân khoảng hơn 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền đền bù, người dân phải đưa lại cho Hải và Pết và được 2 đối tượng này trích cho lại người dân số ít so với số tiền ký nhận. Số tiền còn lại, Hải và Pết đã lấy bỏ túi cá nhân.

Tháng 12/2012, khi các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra vụ việc, Hải đã mang số tiền 1,7 tỷ đồng để Pết đưa cho các hộ dân trả lại cho Nhà nước. Pết không đưa cho các hộ dân mà nộp cho cơ quan Thanh tra huyện Nam Giang.

Liên quan đến vụ án này, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Đức Tuấn, đồng thời thi hành lệnh khám xét nơi làm việc của đối tượng này về tội “lợi dụng quyền hạn trong khi thi hành công vụ.”

Nguyễn Đức Tuấn, sinh năm 1966, trú tại xã Điện Minh, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nguyên là cán bộ Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Nam.

Theo điều tra ban đầu của cơ quan Công an, Tuấn được phân công kiểm kê, đo đếm tài sản của các hộ dân bị thiệt hại, ảnh hưởng do công trình Thủy điện sông Bung 2, tại 2 xã La Ê và Cha Chun, huyện Nam Giang.

Theo quy định, việc này phải thực hiện kết hợp với chính quyền địa phương và từng hộ dân có tài sản. Tuy nhiên, trong quá trình đo đạc, giải thửa, Tuấn và tổ công tác của Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên Môi trường đã không phối hợp với chính quyền và các hộ dân có tên trong danh sách đền bù để tham gia chỉ dẫn việc đo đạc theo quy định mà đo đạc theo chỉ dẫn của Huỳnh Giao và Giao cũng là người cung cấp tên các chủ hộ để ghi tên cá nhân sử dụng đất và hồ sơ đền bù.

Ngoài ra, Tuấn còn đo đạc hợp thức cho Ủy ban Nhân dân xã La Ê thông qua việc nhờ 3 hộ dân đứng tên để lấy số tiền 657 triệu đồng làm ngân sách cho xã.

Qua thực tế kiểm tra hiện trường khu vực đền bù là rừng tự nhiên có độ dốc lớn, không thể hiện có việc phá rẫy để canh tác, sản xuất, trên đất cũng không có các loại cây trồng, cây ăn quả như trong hồ sơ đền bù mà toàn bộ là rừng tự nhiên, dây leo, bụi rậm.

Hiện, các cơ quan tố tụng của tỉnh Quảng Nam đang hoàn tất hồ sơ cần thiết để sớm đưa vụ viện ra xử lý trước pháp luật./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục