Truy tố hai đối tượng làm sập cầu Ghềnh gây hậu quả nghiêm trọng

Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Biên Hòa đã ra cáo trạng truy tố hai bị can liên quan đến vụ tai nạn sà lan chở cát đâm sập cầu Ghềnh khiến tuyến đường sắt Bắc-Nam bị tê liệt hơn 90 ngày.
Truy tố hai đối tượng làm sập cầu Ghềnh gây hậu quả nghiêm trọng ảnh 1Hiện trường vụ sập cầu Ghềnh. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Ngày 4/3, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết đã ra cáo trạng truy tố hai bị can liên quan đến vụ tai nạn sà lan chở cát đâm sập cầu Ghềnh gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, khiến tuyến đường sắt Bắc-Nam bị tê liệt hơn 90 ngày.

Hai bị can bị truy tố gồm Phan Thế Thượng (62 tuổi, quê tỉnh Sóc Trăng, là chủ tàu) và Trần Văn Giang (36 tuổi, quê tỉnh Bạc Liêu, lái tàu chính).

Hai bị can trên bị truy tố về các tội danh “Điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy;” “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy và đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” theo Điều 215 Bộ Luật Hình sự.

Theo kết quả điều tra, vào ngày 20/3/2016, hai bị can Phan Thế Thượng và Trần Văn Giang cùng Nguyễn Văn Lẹ (28 tuổi, quê tỉnh Bạc Liêu) điều khiển tàu số hiệu SG-3745 đẩy sà lan SG-5984 chở khoảng 800 tấn cát từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long Tây đến Đồng Nai tiêu thụ. Khi đến Thành phố Hồ Chí Minh, ông Thượng lên bờ và giao tàu lại cho Giang và Lẹ điều khiển chở cát đến thành phố Biên Hòa (Đồng Nai).

Đến khoảng 11 giờ 30 cùng ngày, tàu do Giang điều khiển đi đến đoạn sông Đồng Nai dưới chân cầu Ghềnh. Khi gặp dòng nước xoáy, do không có bằng lái, thiếu kinh nghiệm điều khiển sà lan nên Giang đã để cho sà lan đâm vào trụ cầu số 2 gây sập hai nhịp cầu Ghềnh.

Vụ tai nạn không gây thiệt hại về người nhưng sà lan cùng tàu đẩy đã bị lật và chìm xuống sông. Cầu Ghềnh bị sập hai nhịp làm tê liệt hoàn toàn tuyến đường sắt Bắc-Nam trong hơn ba tháng.

Theo điều tra của cơ quan công an, trong vụ án này bị can Thượng (chủ tàu, cũng là tài công) biết rõ tàu kéo SG-3745 không đảm bảo an toàn kỹ thuật, không bố trí thuyền viên theo quy định nhưng vẫn giao tàu cho bị can Giang, người không có bằng lái tàu thủy điều khiển phương tiện.

Đối với bị can Giang, dù không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy (không có bằng thuyền trưởng) nhưng vẫn điều khiển tàu và đã gây ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này.

Đối với Nguyễn Văn Lẹ có mặt trên chiếc tàu đẩy sà lan cùng với bị can Giang khi tai nạn xảy ra, trong quá trình điều tra cơ quan công an xác định Lẹ chỉ là người phụ việc trên tàu nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục