Ngày 10/3, ông Phan Thanh Hải, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đắk Nông cho biết đã hoàn tất cáo trạng truy tố Vũ Việt Hùng, nguyên Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) tại Đắk Lắk-Đắk Nông và 12 bị can trong vụ án đưa, nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Đây là vụ án tham nhũng đặc biệt lớn trên địa bàn Tây Nguyên thời gian qua.
Vũ Việt Hùng (sinh năm 1957) bị truy tố về các tội nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Cao Bạch Mai (sinh năm 1949, trú tại xã Cư Knia, huyện Cư Jut, Đắk Nông), Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Minh Nhật và Trần Thị Xuân (sinh năm 1949, trú tại 32/7 Đinh Công Tráng, thành phố Buôn Ma Thuột), Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Nhật Tân cùng bị truy tố về các tội đưa hối lộ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong vụ án này, sáu bị can khác nguyên là cán bộ ngân hàng bị truy tố về tội vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Các bị can còn lại bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đây, rất nhiều thông tin cho rằng Ngân hàng phát triển Việt Nam khu vực Đắk Lắk-Đắk Nông thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng. Điều này gây dư luận xấu trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước.
Tuy nhiên, theo bản cáo trạng, Ngân hàng phát triển Việt Nam tại Đắk Lắk-Đắk Nông chỉ thiệt hại trên 357 tỷ đồng.
Cụ thể, Cao Bạch Mai gây thiệt hại 155,2 tỷ đồng, Trần Thị Xuân 202,6 tỷ đồng, Mai và Xuân đã vay tổng số tiền gần 2.000 tỷ đồng nhưng chủ yếu là "vay sau trả trước" và trả lãi ngân hàng.
Theo đại diện của Ngân hàng phát triển Việt Nam, đến thời điểm này, ngân hàng này chỉ phải thu lại 85,7 tỷ đồng, phần nợ còn lại, ngân hàng đã thu lại được. Số tiền đã thu được, ngân hàng đã đưa vào phục vụ một số dự án phát triển kinh tế-xã hội tại Đắk Nông.
Theo kết luận điều tra, từ tháng 10/2008 đến tháng 7/2010, Vũ Việt Hùng đã không tuân thủ các quy định về tín dụng đầu tư xuất khẩu, chỉ đạo và ký duyệt cho vay sai quy định gần 2.000 tỷ đồng đối với Cao Bạch Mai và Trần Thị Xuân.
Các đối tượng này đã làm hồ sơ khống về xuất khẩu càphê, nông sản, nhưng thực tế lại sử dụng cho mục đích tiêu dùng cá nhân và trả nợ ngân hàng.Do không kinh doanh, các đối tượng này nhanh chóng mất khả năng trả nợ, và bị các cơ quan khởi tố và bắt tạm giam.
Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Nông sẽ đưa vụ án ra xét xử trong ngày 11/3/.