Sau nhiều lần điều tra bổ sung, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao mới đây đã ban hành cáo trạng truy tố 16 bị can gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng xảy ra tại Công ty Lương thực Trà Vinh, trực thuộc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II).
Trong đó, bị can Huỳnh Thế Năng (nguyên Tổng Giám đốc Vinafood II) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.”
Các bị can bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Tham ô tài sản” đối với các nguyên cán bộ Công ty Lương thực Trà Vinh gồm Trần Văn Tâm (nguyên Giám đốc Công ty Lương thực Trà Vinh); Nguyễn Tấn Vinh (nguyên Kế toán trưởng); Phan Văn Hiệp (nguyên Giám đốc Xí nghiệp Cầu Kè); Cao Minh Chiểu (nguyên Kế toán); Nguyễn Nhất Thống (nguyên Trưởng Phân xưởng Tân An Luông); Cao Tấn Được (nguyên Kế toán).
Các bị can bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” gồm Lê Hoàng Minh (nguyên Giám đốc Xí nghiệp Càng Long); Lê Châu Giang (nguyên Kế toán, Phó Giám đốc Xí nghiệp Càng Long); Võ Văn Sen (nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Đại Phúc); Hồ Phú Lộc (nguyên Giám đốc Công ty chế biến lương thực Thanh Nhàn) và Nguyễn Thị Liễu (nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần Đại Phúc).
Bị can Nguyễn Vĩ Long (nguyên Kế toán Xí nghiệp Càng Long) bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.”
Các bị can nguyên là cán bộ của Vinafood II bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” gồm Huỳnh Thế Năng (nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam); Vũ Bá Vinh (Trưởng ban kiểm soát); Huỳnh Văn Tranh (Kiểm soát viên phụ trách chung); Trịnh Ngọc Thuận (nguyên Trưởng phòng kế toán).
[Tổng công ty Lương thực miền Nam vẫn tiếp tục kinh doanh thua lỗ]
Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2012 đến tháng 10/2017, bị can Trần Văn Tâm (nguyên Giám đốc Công ty Lương thực Trà Vinh) đã có hành vi chỉ đạo nhân viên cấp dưới lập hồ sơ chứng từ khống để che giấu kết quả kinh doanh thua lỗ, thất thoát tài sản của Công ty Lương thực Trà Vinh. Việc làm này đã gây thiệt hại cho Công ty hơn 127 tỷ đồng.
Ngoài ra, Trần Văn Tâm còn chỉ đạo bị can Nguyễn Tấn Vinh (Kế toán trưởng), Phan Văn Hiệp (Giám đốc xí nghiệp Cầu Kè), Nguyễn Nhất Thống (Trưởng phân xưởng Tân An Luông), Cao Tấn Được và Cao Minh Chiều (kế toán công ty) lập khống các chứng từ lấy hơn 5 tỷ đồng của Công ty Lương thực Trà Vinh để hợp thức hóa mua hai căn nhà...
Theo quy định, hàng năm Vinafood II cấp hạn mức tín dụng, bảo lãnh, ủy quyền cho Công ty Lương thực Trà Vinh vay vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh. Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Vinafood II chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất kinh doanh, kiểm tra giám sát việc thực hiện Quy chế quản lý tài chính và các nội dung thuộc trách nhiệm quản lý.
Do Công ty Lương thực Trà Vinh là đơn vị kinh doanh hạch toán phụ thuộc, không có vốn và tài sản riêng, hàng năm căn cứ vào kế hoạch sản xuất kinh doanh đã được Hội đồng Thành viên và Tổng Giám đốc ký các văn bản ủy quyền bảo lãnh hạn mức vay vốn tại các ngân hàng cho Công ty Lương thực Trà Vinh.
Để kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh và bảo toàn vốn của Công ty Lương thực Trà Vinh, Vinafood II phải thực hiện các nhiệm vụ kiểm kê tài sản lập báo cáo tài chính, thanh tra, kiểm tra, nhưng các cá nhân có trách nhiệm tại Tổng Công ty Vinafood II đã thực hiện không đầy đủ nhiệm vụ được giao dẫn đến không phát hiện được hành vi vi phạm của Trần Văn Tâm và đồng phạm.
Trong đó, các bị can Huỳnh Thế Năng, Vũ Bá Vinh, Huỳnh Văn Tranh, Trịnh Ngọc Thuận thiếu trách nhiệm trong công tác kiểm kê tài sản, kiểm tra, giám sát về tài chính kế toán, huy động và sử dụng vốn vay tại Vinafood II, dẫn đến không phát hiện ra sai phạm, tiếp tục cấp vốn bảo lãnh cho Công ty Lương thực Trà Vinh vay vốn, tạo điều kiện cho Trần Văn Tâm và đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội trong thời gian dài.
Đặc biệt là vi phạm của Huỳnh Thế Năng trong thời gian làm Tổng Giám đốc Vinafood II đã buông lỏng việc kiểm kê tài sản tại Công ty Lương thực Trà Vinh. Riêng năm 2014, bị can Năng ký hợp đồng kiểm toán báo cáo tài chính, ủy quyền cho cấp dưới ký hợp đồng kiểm toán chứng kiến việc kiểm kê Công ty Lương thực Trà Vinh để kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm. Tuy nhiên, nội dung các hợp đồng này không quy định ràng buộc công ty kiểm toán phải chứng kiến đầy đủ hoạt động kiểm kê tài sản.
Do đó, công ty kiểm toán chỉ cử Kiểm toán viên chứng kiến việc kiểm kê, kiểm toán viên không ký biên bản kiểm kê nên không phát hiện sai phạm. Dẫn đến Tổng Công ty lương thực Miền Nam không quản lý được thực trạng tài sản của Công ty lương thực Trà Vinh.
Trong khi, Công ty Lương thực Trà Vinh là 1 trong 15 đơn vị hạch toán phụ thuộc Tổng Công ty Vinafood II, phải lập báo cáo tài chính của đơn vị phù hợp với kỳ báo cáo của Tổng Công ty.
Từ năm 2013-2017, Trần Văn Tâm chỉ đạo nhân viên thực hiện việc báo cáo gian dối kết quả kinh doanh, nhưng Tổng Công ty Lương thực Miền Nam chỉ tổng hợp các báo cáo, không giám sát lại. Huỳnh Thế Năng ký các báo cáo tài chính của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam dựa trên báo cáo gian dối của Công ty Lương thực Trà Vinh nên các báo cáo tài chính của Tổng Công ty từ năm 2013-2016 bị sai lệch hoàn toàn về kết quả kinh doanh.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Huỳnh Thế Năng có hành vi thiếu trách nhiệm dẫn đến Vinafood II không phát hiện được gian dối tại Công ty Lương thực Trà Vinh, gây thiệt hại cho Tổng Công ty Lương thực Miền Nam 44,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhận định, đối với những người là nhân viên kế toán, thủ quỹ Công ty Lương thực Trà Vinh và nhân viên thủ kho, thu quỹ các phân xưởng xí nghiệp trực thuộc, có hành vi ký hồ sơ chứng từ khống theo chỉ đạo của cấp trên là trái với Luật kế toán, cơ quan công an nhận định: Các cá nhân này đều không được biết động cơ mục đích, chỉ hiện theo chỉ đạo của cấp trên nên sẽ tiếp tục điều tra làm rõ để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.../.