Truyền thông Argentina đánh giá cao ý nghĩa của Hiệp định Geneva năm 1954

Theo tờ Resumen Latinoamericano của Argentina, Hiệp định Geneva về hòa bình cho Việt Nam năm 1954 là thắng lợi đầu tiên và vô cùng quan trọng của ngành ngoại giao Việt Nam.
Ảnh chụp màn hình bài viết. (Ảnh: Diệu Hương/TTXVN)

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội, Hiệp định Geneva về hòa bình cho Việt Nam năm 1954 là thắng lợi đầu tiên và vô cùng quan trọng của ngành ngoại giao Việt Nam, tạo tiền đề, cơ sở pháp lý cho cuộc kháng chiến lâu dài của nhân dân Việt Nam.

Trên đây là khẳng định của tờ Resumen Latinoamericano của Argentina trong một bài viết ra ngày 18/7, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ký kết Hiệp định hòa bình Geneva về đình chiến ở Việt Nam (21/7/1954-21/7/1924).

Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, bài viết của tờ Resumen Latinoamericano nhấn mạnh “Cách đây đúng 70 năm, ngày 21/7/1954, Hiệp định Geneva về lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Lần đầu tiên trong lịch sử, Pháp và các cường quốc phải công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia. Đây là thắng lợi trong cuộc đấu tranh ngoại giao vững vàng, đầy dũng khí và tự tin của Việt Nam để bảo vệ công lý và lợi ích dân tộc.”

Bài báo đánh giá cao vai trò của Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu và Đại tá Hà Văn Lâu, chuyên viên quân sự đặc biệt, trợ lý Thứ trưởng Tạ Quang Bửu trong quá trình đàm phán vô cùng căng thẳng với nhiều sức ép từ các cường quốc.

“Sau 75 ngày đàm phán với 31 phiên họp song phương và đa phương, vào ngày 21/7/1954, Hiệp định Geneva về hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết. Pháp và các nước tham gia Hội nghị đều công nhận các quyền cơ bản của Việt Nam, trong đó có độc lập, chủ quyền, thống nhất đất nước và toàn vẹn lãnh thổ. Tuy nhiên, Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền,” theo Resumen Latinoamericano.

Ảnh chụp màn hình bài viết. (Ảnh: Diệu Hương/TTXVN)

Tờ báo dẫn lời của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, đàm phán Geneva thể hiện một cuộc đấu tranh ngoại giao vững chắc, bền bỉ nhưng cũng mềm mỏng, linh hoạt tùy theo tương quan lực lượng.

Vào thời điểm đó, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định lựa chọn đình chiến và chấp nhận giải pháp ngoại giao, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc tổng tiến công và tổng khởi nghĩa giải phóng, thống nhất đất nước 21 năm sau đó.

“Chúng ta đã chiến đấu bằng tất cả sức lực của mình. Ngay từ đầu chúng ta đã không lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới để phân chia hai miền. Chính Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đưa ra nhiều đề xuất đàm phán từ vĩ tuyến 13, 14 đến vĩ tuyến 16 nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cách mạng. Tuy nhiên, do tương quan lực lượng lúc bấy giờ và mối quan hệ giữa các nước lớn nên chúng ta phải chấp nhận thỏa thuận cuối cùng tạm thời lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới Bắc - Nam,” tờ báo dẫn lời nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.

Bài viết khẳng định chiến thắng của việc đạt được Hiệp định Geneva cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện khát vọng hòa bình, hữu nghị, hòa hiếu của nhân dân Việt Nam cũng như sự đúng đắn trong tư duy ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo đó hòa bình phải gắn liền với độc lập, tự do, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục