Ấn tượng chương trình nghệ thuật đặc biệt 'Vĩ tuyến 17-Khát vọng hòa bình'

Chương trình nghệ thuật "Vĩ tuyến 17-Khát vọng hòa bình" tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải được dàn dựng kỳ công cùng âm thanh, ánh sáng được thiết kế đặc biệt.

Tiết mục trong chương trình nghệ thuật đặc biệt 'Vĩ tuyến 17-Khát vọng hòa bình.' (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)
Tiết mục trong chương trình nghệ thuật đặc biệt 'Vĩ tuyến 17-Khát vọng hòa bình.' (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Tối 16/8, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, tỉnh Quảng Trị đã diễn ra chương trình nghệ thuật chính luận "Vĩ tuyến 17-Khát vọng Hòa bình" nằm trong khuôn khổ Lễ hội Vì hòa bình 2024.

Chương trình do Báo Nhân Dân phối hợp tỉnh Quảng Trị tổ chức nhằm hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Vĩnh Linh (25/8/1954-25/8/2024), ôn lại những năm tháng chia cắt hai miền Nam-Bắc, đặc biệt là dịp để nhắc nhớ kỳ tích lũy thép lẫy lừng Vĩnh Linh đầu cầu miền bắc, hậu phương trực tiếp của tiền tuyến miền Nam.

Tham dự chương trình có ông Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Cùng dự có ông Võ Văn Hưng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; đại diện các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Quảng Trị; các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương bệnh binh, đại diện gia đình có công với cách mạng và đông đảo nhân dân trong vùng.

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh lịch sử đã chọn mảnh đất này làm nơi đối đầu giữa hai thế lực chính nghĩa và phi nghĩa. Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hàng ngàn, hàng vạn những người con yêu từ mọi miền đất nước đã về đây, chiến đấu ngoan cường và hy sinh anh dũng. Máu xương của biết bao anh hùng, liệt sỹ đã thấm đẫm vào đất thiêng Quảng Trị, dựng lên những tượng đài chiến thắng.

ttxvn_ong le quoc minh 1.jpg
Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Nhân Dân phát biểu khai mạc chương trình. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Những cái tên Bến Hải, Hiền Lương, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Đường 9, Khe Sanh, Cửa Việt, Thành Cổ… đã đi vào lịch sử dân tộc, làm lay động lương tri nhân loại, mãi mãi là những mốc son ngời sáng, mãi mãi là những bản hùng ca bất tử. 70 năm sau ngày ký Hiệp định Geneva, 52 năm sau ngày giải phóng, những người con của mảnh đất Quảng Trị đã phát huy truyền thống bất khuất, kiên cường trong chiến đấu, cần cù, sáng tạo trong lao động để chung sức chung lòng xây dựng quê hương giàu đẹp, cuộc sống ngày càng ấm no.

Từ một tỉnh nghèo khó do hậu quả nặng nề của chiến tranh với "những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ," Quảng Trị đã thay da đổi thịt, sánh vai với các tỉnh bạn trong khu vực với những thành tựu phát triển đáng ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng.

Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chia sẻ chiến tranh qua đi nhưng đã để lại nơi đây nhiều đau thương mất mát và tổn thất nặng nề: toàn tỉnh Quảng Trị có 2.833 Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 18.000 liệt sỹ và hơn 11.000 thương binh, người hưởng chế độ chính sách như thương, bệnh binh và hàng chục nghìn người có công với cách mạng.

Quảng Trị có 72 Nghĩa trang Liệt sỹ, trong đó có 2 Nghĩa trang Liệt sỹ cấp Quốc gia, với trên 60 vạn mộ liệt sỹ. Số lượng thương binh, liệt sỹ và người có công chiếm tỷ lệ gần 20% so với dân số toàn tỉnh vào năm 2022.

Tỉnh Quảng Trị có 81% diện tích bị ô nhiễm bởi bom mìn, là một trong những địa phương bị ô nhiễm bom mìn lớn nhất trong cả nước. Chiến tranh để lại nỗi đau cho nhiều thế hệ mà việc khắc phục nó rất lâu dài và nguồn lực rất lớn.

ttxvn_vi tuyen 17 2.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại chương trình. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Ông Trần Quang Phương đề nghị tỉnh Quảng Trị tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng; các chương trình giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, góp phần lan tỏa sức mạnh văn hóa, sức mạnh tinh thần, của lòng nhân ái đến tất cả mọi người, mọi miền của Tổ quốc, bồi đắp niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Chương trình nghệ thuật chính luận "Vĩ tuyến 17-Khát vọng Hòa bình" bao gồm hai phần chính: Phần lễ và Chương trình nghệ thuật chính luận.

Chương trình nghệ thuật có 5 chương, gồm: "Những ngày tháng 7," "Như không hề có cuộc chia ly," "Máu và hoa," "Nơi nhìn ra sức mạnh Việt Nam," "Đất thép nở hoa."

Chương trình nghệ thuật "Vĩ tuyến 17-Khát vọng hòa bình" được dàn dựng kỳ công cùng âm thanh, ánh sáng được thiết kế đặc biệt với mong muốn thông qua nghệ thuật, khán giả sẽ có cái nhìn cụ thể hơn, ấn tượng và đầy cảm xúc, để "vĩ tuyến 17" sẽ được kể tiếp câu chuyện hòa bình cho những thế hệ tương lai.

Dịp này, Quỹ Hạt giống Việt-Báo Nhân Dân phối hợp các doanh nghiệp, nhà tài trợ trao tặng 10 căn nhà cho các gia đình có công với cách mạng tại địa bàn huyện Vĩnh Linh, mỗi căn nhà trị giá 50 triệu đồng.

Đồng thời, Báo Nhân Dân phối hợp Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn Vingroup trao 500 suất quà tặng các gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Vĩnh Linh; Báo Đầu tư và Hệ thống Y tế 365 trao 200 suất học bổng cho các em học sinh nghèo hiếu học tại tỉnh Quảng Trị, mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng; Tập đoàn Pha Lê trao 300 triệu đồng ủng hộ quân dân dân đảo Cồn Cỏ; Truyền hình Nhân Dân phối hợp báo Quảng Trị, Báo Kinh tế & Đô thị trao tặng 200 chiếc xe đạp cho các cháu học sinh tại 3 xã miền núi của huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục