Truyền thông hiện đại: Dẫn đường cho chính sách đến gần với người dân

Các loại hình báo chí hiện đại ngày nay đã tăng thêm sức mạnh của hệ thống phương tiện truyền thông, dẫn đến sự minh bạch trong việc xây dựng chính sách.
Các đại biểu chủ trì hội thảo về truyền thông chính sách. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Các đại biểu chủ trì hội thảo về truyền thông chính sách. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Truyền thông và chính sách vốn có sự gắn bó mật thiết với nhau bởi lẽ truyền thông giúp con người trao đổi thông tin còn chính sách vốn là những thông tin quan trọng, mang nội dung điều chỉnh, định hướng hành vi con người. Truyền thông giúp Nhà nước phổ biến chính sách đồng thời cũng truyền đạt nguyện vọng của người dân cho các nhà hoạch định chính sách.

Trong giai đoạn hiện nay, chuyển đổi số và sự hội nhập quốc tế đã làm xuất hiện các phương tiện, cách thức truyền thông mới, có tác động trực tiếp đến việc tuyên truyền về chính sách.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “Truyền thông chính sách trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế” do Báo Nhân Dân, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc tổ chức ngày 3/11.

Minh bạch hóa chính sách

Tiến sỹ Lương Ngọc Vĩnh, Trưởng khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, khẳng định các loại hình báo chí hiện đại ngày nay đã tăng thêm sức mạnh của hệ thống phương tiện truyền thông, dẫn đến sự minh bạch trong việc xây dựng chính sách.

“Đã qua rồi cái thời mà người ta có thể lợi dụng chức quyền, địa vị để che giấu thông tin đối với người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội. Chính công nghệ thông tin làm cho các quy trình xây dựng chính sách chắc chắn sẽ được minh bạch,” tiến sỹ Lương Ngọc Vĩnh nhấn mạnh.

Truyền thông với tư cách là đại diện của công chúng nổi lên như một hệ thống các cơ quan giám sát hoạt động của chính phủ. Truyền thông phục vụ việc truyền đạt nguyện vọng của mọi người cho các nhà hoạch định chính sách.

Truyền thông hiện đại: Dẫn đường cho chính sách đến gần với người dân ảnh 1Quang cảnh hội thảo về truyền thông chính sách. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Ông Vĩnh cho rằng truyền thông chính sách đóng vai trò quan trọng đối với mỗi khâu của chu trình chính sách, một mặt đảm bảo cho sự thành công của chính sách, mặt khác giúp cho chính sách ngày một được hoàn thiện hơn.

“Truyền thông chính sách không chỉ cung cấp thông tin mà còn có chức năng giáo dục mọi người về các vấn đề chính sách quan trọng, liên quan đến cuộc sống của người dân. Báo chí tiến hành các phê bình, phân tích và đánh giá chuyên sâu bằng cách thảo luận về ưu và nhược điểm của một chính sách nhất định của chính phủ hoặc bất kỳ vấn đề nào một cách vô tư và công bằng,” ông Vĩnh nêu ý kiến.

[Xây dựng hệ thống chính sách xã hội hướng tới toàn dân và bền vững]

Thạc sỹ Đỗ Thị Diệp, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đồng tình với quan điểm đó. Bà cho rằng truyền thông chính sách là một nhiệm vụ của báo chí, được báo chí tổ chức triển khai hướng tới ba mục tiêu chính: Làm cho người dân biết, hiểu và thực hiện chính sách; giúp cho người dân có cơ hội phản hồi chính sách, giúp nhà xây dựng chính sách thực hiện điều chỉnh phù hợp; định hướng dư luận, xây dựng đồng thuận xã hội như nguồn lực thực thi chính sách.

Để tin tức có thời gian 'sống' lâu hơn

Tại hội thảo, các chuyên gia nhận định rằng chuyển đổi số báo chí đang góp phần nâng cao hiệu quả của truyền thông chính sách. Cụ thể là báo chí hiện đại giúp việc tuyên truyền và phản hồi về chính sách được dễ dàng, nhanh chóng, thuận tiện hơn.

Truyền thông hiện đại: Dẫn đường cho chính sách đến gần với người dân ảnh 2Ông Lê Quốc Minh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân thuyết trình tại hội thảo. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân cho hay trong thời gian qua, Báo Nhân Dân đã có nhiều chuyển đổi, góp phần tuyên truyền chính sách rất hiệu quả, nhất là trong thời kỳ COVID-19.

Cụ thể, Báo Nhân Dân đã xây dựng nhiều hình thức thông tin đa phương tiện, đa nền tảng để truyền tải thông tin, chính sách đến người dân. Ông Lê Quốc Minh bày tỏ sự tâm đắc với trang thông tin “Tri thức chuyên sâu” của đơn vị mình. Tại đó, có những nội dung tưởng như khô khan nhưng được phân tích cụ thể, trình bày hấp dẫn, thu hút lượng truy cập rất cao.

“Thông thường, một tin tức chỉ có thể được truy cập trong một vài ngày, nhưng với ‘Tri thức chuyên sâu’, chúng tôi đã xây dựng được những nội dung như biến đổi khí hậu, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, xây dựng Đảng, Chính phủ điện tử… có thời gian 'sống' lâu dài hơn tin tức thông thường. Có những nội dung xuất bản từ năm ngoái nhưng đến năm nay vẫn có lượng người đọc ổn định,” nhà báo Lê Quốc Minh chia sẻ.

Tổng biên tập Báo Nhân Dân khẳng định nếu báo chí không sáng tạo, chỉ đi theo lối mòn thì không thể thu hút được người xem trong bối cảnh chuyển đổi số, hội nhập quốc tế hiện nay.

Phát biểu tại hội thảo, ông Cho Han-Deog, Giám đốc quốc gia của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam, dẫn chứng về sự lan truyền nhanh chóng của thông tin trên kênh thông tin truyền thống và mạng xã hội về thảm kịch gần đây ở Itaewon, trong đó có rất nhiều thông tin giả, hình ảnh độc hại.

Truyền thông hiện đại: Dẫn đường cho chính sách đến gần với người dân ảnh 3Ông Cho Han Deog, Giám đốc KOICA Việt Nam phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Ông Cho Han-Deog cho rằng ngoài những cơ hội do công nghệ đưa lại, vẫn có rất nhiều những thách thức cần được giải quyết, do đó, cần có nhiều trao đổi, cần nhiều hội thảo để biến chuyển đổi số thành cơ hội với truyền thông, đặc biệt là truyền thông chính sách.

Phó giáo sư-tiến sỹ Doãn Thị Chín, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng ngoài báo chí, việc tận dụng mạng xã hội để truyền thông chính sách là một xu thế tất yếu, hợp quy luật tự nhiên. Do đó, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội, cá nhân các lãnh đạo nên xây dựng cho mình các chiến lược, kênh truyền thông xã hội phù hợp nhằm truyền thông chính sách.

Theo bà Doãn Thị Chín, truyền thông trên mạng xã hội có những đặc trưng riêng, nổi bật là thế mạnh về hội tụ truyền thông; vừa có thể tiến hành truyền thông đại chúng, vừa có thể truyền thông nội bộ, nên việc sử dụng phải phù hợp, cần tránh việc sử dụng những nội dung quá “nặng về câu chữ” trên mạng xã hội.

“Mạng xã hội thường coi trọng thông tin của các KOL (người dẫn dắt dư luận, người nổi tiếng). Đây là khác biệt cơ bản. Do đó, muốn xây dựng được truyền thông chính sách hiệu quả thông qua mạng xã hội thì phải xây dựng được đội ngũ truyền thông thực sự là những người có uy tín, dẫn dắt ý kiến, nhận thức của công chúng,” chuyên gia Doãn Thị Chín cho hay.

Ngoài ra, việc truyền thông chính sách trên mạng xã hội cần bảo đảm được các yếu tố: Thông tin nhanh chóng, kịp thời, nhất là thông tin về giải thích, đấu tranh, phản bác, phải giữ được sự tương tác hiệu quả với người truy cập, phản hồi.

Bà Doãn Thị Chín cũng khuyến cáo nhà quản lý cần có cơ chế, chính sách, hệ thống hành lang pháp lý đủ mạnh để quản lý bằng pháp luật, tránh phụ thuộc vào các mạng xã hội nước ngoài, vốn có rủi ro rất cao về chất lượng thông tin./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục