Truyền thông Triều Tiên nhấn mạnh sức mạnh khoa học và công nghệ

Truyền thông Triều Tiên đề cao khoa học và công nghệ như là động lực chính cho nền kinh tế tự lực của mình, trong bối cảnh trước đó 2 ngày Bình Nhưỡng đã tiến hành thử nghiệm vũ khí chiến thuật mới.
Truyền thông Triều Tiên nhấn mạnh sức mạnh khoa học và công nghệ ảnh 1Quân đội Triều Tiên tiến hành thử nghiệm vũ khí chiến thuật mới tại vùng biển phía đông Triều Tiên ngày 4/5/2019. (Ảnh: YONHAP/TTXVN)

Truyền thông Triều Tiên ngày 6/5 đã đề cao khoa học và công nghệ như là động lực chính cho nền kinh tế tự lực của mình, trong bối cảnh trước đó 2 ngày Bình Nhưỡng đã tiến hành thử nghiệm vũ khí chiến thuật mới.

Trong bài xã luận, báo Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên - nhấn mạnh: "Không gì có thể ngăn chúng ta có được một ý chí sắt đá và định hướng mạnh mẽ để xây dựng quyền lực xã hội chủ nghĩa bằng sức mạnh, công nghệ và tài nguyên của chính mình, dưới sự lãnh đạo của đảng."

Bài xã luận cũng mô tả "cuộc đấu tranh hiện nay" là một "trận chiến vĩ đại vững chắc dựa trên sức mạnh của khoa học và công nghệ," đồng thời kêu gọi các nhà khoa học trong nước hãy trở thành "những đồng chí cách mạng thực sự," thể hiện "sự yêu nước, có cùng hơi thở và những bước đi như lãnh đạo của đảng."

[Mỹ tiếp tục nỗ lực đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên]

Bài xã luận được báo Rodong Sinmun đăng tải hai ngày sau khi Triều Tiên tiến hành một cuộc diễn tập, trong đó bắn thử nghiệm nhiều bệ phóng tên lửa và vũ khí dẫn đường chiến thuật.

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) xác nhận cuộc diễn tập diễn ra dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, được tiến hành ở vùng biển phía Đông của Triêu Tiên nhằm đánh giá và kiểm tra khả năng hoạt động, độ chính xác của các loại vũ khí nêu trên.

KCNA dẫn lời ông Kim Jong-un nhấn mạnh “chỉ có sức mạnh mới có thể bảo đảm hòa bình và an ninh thực sự.” Do đó, ông cho rằng Triều Tiên cần “duy trì mức độ sẵn sàng chiến đấu cao nhằm bảo vệ sự độc lập về kinh tế và chính trị trước nguy cơ xâm lược từ bất kỳ lực lượng nào.”

Vụ phóng sáng 4/5 được coi là thông điệp cứng rắn mà nhà lãnh đạo Triều Tiên gửi tới Tổng thống Mỹ trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân đang bế tắc, chứng tỏ Bình Nhưỡng ngày càng mất kiên nhẫn với cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ với Mỹ, cũng như hợp tác kinh tế liên Triều gần như không tiến triển.

Cũng trong ngày 6/5, nhiều cơ quan truyền thông khác của Triều Tiên đã đăng tải nhiều bài viết, tiếp tục gây áp lực đối với Hàn Quốc với cáo buộc Seoul thiếu nỗ lực thực hiện thỏa thuận liên Triều mà hai bên đã ký hồi năm ngoái.

Trang mạng Uriminzokkiri chỉ trích Hàn Quốc đã hợp tác nhiều hơn với "các lực lượng bên ngoài" thay vì làm việc với Triều Tiên, đồng thời cảnh báo rằng điều này sẽ mang lại hậu quả xấu cho cả hai bên.

Một bài báo khác đăng trên trang Meari cũng đã đưa ra thông điệp tương tự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.