Truyền thông Triều Tiên nói gì về hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều?

Theo KCNA, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều liên quan tới "các biện pháp mang tính yêu chuộng hòa bình" của nhà lãnh đạo Kim Jong-un từ đầu năm.
Truyền thông Triều Tiên nói gì về hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều? ảnh 1Phóng viên Triều Tiên (giữa) đưa tin về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại trung tâm báo chí ở Vịnh Marina, Singapore ngày 10/6. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Truyền thông nhà nước Triều Tiên đã đánh giá cao kết quả hội nghị thượng đỉnh ngày 12/6 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, nhấn mạnh đây là một sự kiện "tầm cỡ quan trọng," "có ý nghĩa to lớn."

Ngày 13/6, trong tin đầu tiên điểm lại sự kiện lịch sử trên, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đã ví đây là "bước đột phá" rõ rệt.

Theo KCNA, sự kiện này liên quan tới "các biện pháp mang tính yêu chuộng hòa bình" của nhà lãnh đạo Kim Jong-un từ đầu năm.

KCNA cũng hoan nghênh thiện chí của Tổng thống Trump tham gia đàm phán, bất chấp quan hệ thù địch lâu nay giữa hai nước.

[Tổng thống Trump: Triều Tiên không còn là mối đe dọa hạt nhân]

Cùng ngày, trang nhất tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên cũng đã đăng tải nhiều hình ảnh của hai nhà lãnh đạo dưới nhan đề bài viết "Một cuộc gặp thế kỷ mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử quan hệ Triều Tiên-Mỹ."

Trong khi đó, đánh giá về hội nghị trên, báo giới Hàn Quốc lại bày tỏ thái độ lạc quan thận trọng.

Nhật báo Hankook chủ trương ôn hòa cho rằng tuyên bố chung mà hai nhà lãnh đạo đạt được đã bỏ qua yêu cầu của Washington về việc phi hạt nhân hóa "hoàn toàn, có thể xác minh và không thể đảo ngược," đồng thời thiếu một thời gian biểu cụ thể để đạt được mục tiêu này.

Tuy nhiên, tờ báo cũng nói thêm những bước cụ thể cho việc tiêu hủy kho hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ được giải quyết trong những cuộc đàm phán tiếp theo, và rằng các cuộc đàm phán nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, mang tới nền hòa bình mãi mãi giữa Seoul và Bình Nhưỡng "mới chỉ bắt đầu."

Nhật báo Joongang cũng bày tỏ quan điểm lạc quan một cách thận trọng dù khung thời gian cho việc tiêu hủy vũ khí hạt nhân vẫn mơ hồ.

Trong khi đó, bài xã luận trên tờ Hankyoreh lại ca ngợi hội nghị như việc mở ra một chương mới cho "sự thay đổi to lớn" trong quan hệ Mỹ-Triều và việc dừng các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn sẽ là "chất xúc tác" để cải thiện quan hệ giữa hai quốc gia thù địch từ Chiến tranh Lạnh và phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục