Theo trang mạng foreignpolicy.com, dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) bùng phát ở Mỹ Latinh muộn hơn so với những nơi khác, nhưng hiện số ca mắc bệnh tại đây cứ sau 2 tuần lại tăng gấp đôi.
Hơn 300.000 trường hợp được xác nhận đã bị lây nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) trong khu vực.
Brazil, nơi có trường hợp đầu tiên thiệt mạng vào tháng Ba vừa qua, cho biết nước này đã vượt qua mốc 125.000 trường hợp nhiễm bệnh và khoảng 8.500 người thiệt mạng tính đến ngày 6/5 vừa qua. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế Brazil, đây mới chỉ là con số mà họ tính toán dựa trên số người đến bệnh viện xét nghiệm.
Hình ảnh những chiếc quan tài bằng bìa cứng và xác chết bị bỏ lại trên đường phố tại Guayaquil của Ecuador, nơi có tỷ lệ lây nhiễm trên đầu người cao nhất tại Nam Mỹ, đã được lan truyền một cách chóng mặt.
Và sự thờ ơ của Mỹ đối với Mỹ Latinh trong suốt cuộc khủng hoảng COVID-19 có thể mang lại rắc rối cho cả hai bên.
Cho đến gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn giữ im lặng khi số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng mạnh trên khắp Mỹ Latinh.
Cuối cùng, vào cuối tháng Tư vừa qua, ông mới bình luận trên trang cá nhân rằng Mỹ sẽ gửi máy thở và các trang thiết bị y tế khác tới Ecuador, Honduras và El Salvador - quốc gia mà ông cho rằng đã “phối hợp tốt với chúng tôi trong vấn đề nhập cư.”
Tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã trích dẫn khoản viện trợ bé nhỏ trị giá 73 triệu USD mà nước này quyên góp cho Mỹ Latinh như một bằng chứng cho thấy Mỹ vẫn đang “tiếp tục lãnh đạo” các phản ứng chống dịch COVID-19 trên toàn cầu.
Tuy nhiên, trái ngược với những tuyên bố của chính quyền Trump, phản ứng của họ với đại dịch tại Mỹ Latinh cho thấy mối quan hệ của Mỹ với khu vực này không hề khăng khít mà rất mong manh.
Việc Mỹ bỏ rơi Mỹ Latinh trong cuộc khủng hoảng COVID-19 có thể gây rắc rối cho cả Mỹ và khu vực này.
Một nghiên cứu mới đây của trường Đại học Hoàng gia London đã dự đoán rằng kể cả khi các nước Mỹ Latinh có thể áp dụng các chiến lược ngăn chặn COVID-19 nghiêm ngặt đã được các quốc gia phát triển áp dụng, khu vực này vẫn sẽ chứng kiến hơn 45 triệu trường hợp nhiễm bệnh và 158.000 người thiệt mạng trong năm 2020.
Nếu dự đoán này trở thành hiện thực, đại dịch COVID-19 có khả năng sẽ tàn phá Mỹ Latinh sau khi số ca nhiễm bệnh bắt đầu giảm ở Mỹ.
[MSF: Mỹ Latinh có thể trở thành 'điểm nóng' COVID-19 tiếp theo]
Người Mỹ hiểu được điểm yếu của họ: Một cuộc thăm dò được thực hiện hồi cuối tháng Tư vừa qua cho thấy hơn 3/4 cử tri Mỹ được khảo sát tin rằng họ sẽ không an toàn chừng nào SARS-CoV-2 vẫn chưa được dập tắt trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, khó có thể thực hiện được các chiến lược ngăn chặn dịch bệnh nghiêm ngặt ở hầu hết các quốc gia Mỹ Latinh, nơi chi tiêu bình quân đầu người cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe chỉ bằng 1/3 của Italy.
Cụ thể hơn, nếu so sánh với Mỹ, Mexico chỉ có số giường bệnh và máy thở tính trên đầu người lần lượt bằng một nửa và 1/10 của quốc gia láng giềng.
Theo Bộ Y tế Mexico, cứ mỗi trường hợp được xác nhận dương tính với SARS-CoV-2 tại Mexico có đến 8 trường hợp nhiễm bệnh khác chưa được phát hiện.
Tại Haiti, các nhân viên y tế của bệnh viện đã buộc phải “phớt lờ” sự yếu kém của chính phủ bằng cách tự trang bị cho mình các thiết bị bảo vệ cá nhân khi dịch bệnh lan rộng.
Ngay cả trước khi bùng phát đại dịch, các nền kinh tế khu vực Mỹ Latinh đã không được trang bị đầy đủ để nâng cấp hệ thống chăm sóc sức khỏe của họ. Mỹ Latinh đã gần như chạm mức tăng trưởng kinh tế 0% vào năm 2019 và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực này sẽ giảm ít nhất 5,2% vào năm 2020 và một số quốc gia Caribe phụ thuộc vào doanh thu du lịch sẽ còn giảm nhiều hơn nữa.
Brazil - nền kinh tế hàng đầu khu vực - dự kiến sẽ giảm 5,3% và Mexico giảm 6,6%. Kiều hối từ Mỹ - nguồn “huyết mạch” của vài quốc gia Trung Mỹ - dự kiến sẽ giảm 19,3%.
Trong một động thái có thể được coi là sự khởi đầu cho một cuộc khủng hoảng tài chính, Ecuador gần đây đã trì hoãn việc trả lãi các khoản vay nước ngoài.
Bên cạnh đó, Argentina - vốn phải trải qua một giai đoạn suy thoái kinh tế kéo dài từ năm 2018 - đã buộc phải tìm cách tái cơ cấu nợ chính phủ, khiến hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Standard & Poor's (S&P) hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của nước này từ mức “có khả năng vỡ nợ hoặc cơ cấu lại một số khoản nợ” xuống mức “vỡ nợ một phần.”
Khi phải đối mặt với sự bùng phát của hội chứng gây suy giảm miễn dịch HIV và bệnh sốt xuất huyết Ebola ở châu Phi, các cựu Tổng thống Mỹ là George W. Bush và Barack Obama đã lãnh đạo những biện pháp phản ứng mang tính toàn cầu. Ngược lại, Tổng thống Trump hiện giờ chỉ đơn giản là đang quay lưng với thảm họa ở Mỹ Latinh.
Trước khi COVID-19 bùng phát, ông Trump đã cắt giảm gần 1/3 khoản viện trợ cho Guatemala, Honduras và El Salvador.
Ngoài ra, ông cũng giảm khoảng 3 tỷ USD viện trợ cho các chương trình y tế toàn cầu vốn được đề xuất cho năm nay, bao gồm việc cắt giảm 50% rồi sau đó là đóng băng khoản ngân sách mà Mỹ đóng góp cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Trong số 73 triệu USD viện trợ nhằm chống dịch COVID-19 được liệt kê trong thông báo gần đây của Bộ Ngoại giao Mỹ, phần lớn là bao gồm các khoản tài trợ hiện có được chuyển từ các chương trình khác.
Như một động thái khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, Bộ Y tế Brazil tháng trước cáo buộc Mỹ đã “cướp” các lô hàng vật tư và thiết bị y tế mà Brazil mua của Trung Quốc. Đáp lại, Đại sứ Mỹ tại Brazil đã bác bỏ cáo buộc trên.
Khoản viện trợ thêm cho Ecuador mà ông Trump từng hứa hẹn, nếu thành hiện thực, sẽ chỉ xuất hiện sau khi có các nguồn tin cho biết tổng số người thiệt mạng tại nước này đã cao gấp 15 lần so với con số chính thức và sau vài tuần khi việc lây nhiễm lên đến đỉnh điểm.
Việc cung cấp máy thở cho Honduras và El Salvador có thể sẽ không được thực hiện trong vòng 3 năm, khoảng thời gian mà hàng trăm triệu USD hỗ trợ có lẽ cũng đã bị cắt giảm.
Trước sự thờ ơ của Mỹ, các nước Mỹ Latinh đã bắt đầu tìm kiếm sự giúp đỡ từ những nơi khác. Trong một minh chứng hiếm hoi về sự phối hợp toàn khu vực, 9 quốc gia Nam Mỹ gần đây đã nhất trí hợp tác để mua vật tư và thiết bị y tế, trao đổi thông tin về các biện pháp y tế được thông qua, và yêu cầu viện trợ từ các tổ chức đa phương.
Tuy nhiên, Mỹ - vốn không được đề cập trong tuyên bố chung sau cuộc họp của 9 quốc gia - thậm chí vẫn không thừa nhận nỗ lực này của khu vực.
Mỹ Latinh cũng đã quay sang Trung Quốc. Sau cuộc Đại suy thoái năm 2008, giao thương giữa Trung Quốc-Mỹ Latinh bùng nổ và Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất với nhiều quốc gia Nam Mỹ.
Trong cuộc khủng hoảng này, một số quốc gia đã nhận được bộ xét nghiệm virus và khẩu trang y tế của Trung Quốc. Mặc dù một số thiết bị y tế đặt từ Trung Quốc không được chuyển đến như đã hẹn và đôi khi bị lỗi, song Bộ trưởng Ngoại giao Mexico hồi tháng Tư vừa qua vẫn thể hiện lòng biết ơn tới Trung Quốc sau khi nhận được một vài lô hàng thiết bị y tế của nước này. Jack Ma - người sáng lập Tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba - đã cam kết sẽ cung cấp 2 triệu khẩu trang, 400.000 bộ xét nghiệm và 104 máy thở cho 24 quốc gia Mỹ Latinh.
Chính sách ngoại giao quyền lực mềm của Trung Quốc đã mang lại kết quả: Sau khi Nghị sỹ Eduardo Bolsonaro, con trai của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, tiếp bước Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi SARS-CoV-2 là “Virus Trung Quốc,” Tổng thống Jair Bolsonaro đã phải trực tiếp liên lạc với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm “vá lại” mối quan hệ.
Vài ngày sau đó, đi ngược lại những nỗ lực khuyên răn của Mỹ, Chính phủ Brazil đã thông báo tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc sẽ được phép tham gia cuộc đấu giá mạng không dây 5G sắp tới của nước này.
Bất chấp những lời khoe mẽ của chính quyền Trump, đại dịch COVID-19 đã giúp Mỹ Latinh thấy rằng trong những lúc hoạn nạn, khu vực này phải tự lo liệu hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ ở một nơi nào đó ngoài Mỹ. Trong kỷ nguyên COVID-19, chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Mỹ đã trở thành chính sách “Bỏ rơi Mỹ Latinh”./.