(Tiếp chương III: Chần chừ nghỉ hưu)
Thường thì một huấn luyện viên sẽ mang theo trợ lý của mình và người trợ lý sẽ luôn bên cạnh huấn luyện viên đó. Ở Manchester United thì khác hẳn bởi các trợ lý của tôi luôn được đòi hỏi phải có tên tuổi, năng lực vượt trội và luôn là những mục tiêu săn đuổi của các câu lạc bộ khác. Tôi đã để mất trợ lý của mình, Archie Knox, vào tay Rangers, chỉ hai tuần trước trận chung kết cúp C2 năm 1991 và khi Archie vắng mặt, tôi đưa Brian Whitehouse sang Rotterdam tham dự trận đấu và cũng đảm bảo chắc rằng toàn bộ cộng sự, thành viên ban huấn luyện đều phải có mặt.
Sau đó, tôi tìm kiếm một nhân vật số 2. Nobby Stiles đã nói “Sao ông không đôn Brian Kidd lên?” Brian hiểu rõ về câu lạc bộ và đã thay đổi cả mạng lưới săn tài năng trong khu vực, mang về rất nhiều đồng sự cũ của mình, những người của Uniteđ và những giáo viên am tường rõ mọi thứ trong vùng. Đó là việc cừ nhất mà Brian đã làm được. Một thành công rất lớn. Vì thế, tôi trao vị trí đó cho Brian. Cậu ấy làm cực tốt và cho thấy mình rất thân thiện với các cầu thủ cũng như có thể điều hành hiệu quả các buổi tập. Cậu ấy cũng lân la sang Italty để xem các đội Serie A và thu lượm nhiều tri thức từ đó.
Khi cậu ấy nghỉ việc để sang Blackburn năm 1998, tôi đã bảo cậu ta rằng “Tôi hi vọng cậu hiểu mình đang làm gì?” Khi một huấn luyện viên rời đội bóng, họ sẽ luôn hỏi “Ông nghĩ sao?” Với Archie, tôi không thể để Martin Edwards xử lý đề nghị từ Rangers. Với Brian, tôi không nhận thấy cậu ấy phù hợp với công tác quản lý. Còn Steve McClaren: có phẩm chất quản lý, không nghi ngờ gì về điều đó cả. Tôi đã bảo Steve rằng: “Hãy chắc chắn là cậu chọn đúng câu lạc bộ, đúng vị chủ tịch.” Điều đó quan trọng lắm. Luôn luôn quan trọng. West Ham và Southampton luôn là những câu lạc bộ muốn có cậu ấy nhất.
Từ đâu đó, Steve nhận một cuộc điện thoại từ Steve Gibson, chủ tịch của Middlesbrough, và lời khuyên của tôi là “Không nên ngờ vực gì cả, nhận nó đi”. Bryan Robson, dù đã mất việc ở câu lạc bộ đó, nhưng luôn nói những điều trân trọng dành cho Steve Gibson, một người còn trẻ, cấp tiến, mới mẻ và sẵn lòng rót tiền đầu tư. Họ lại có một trung tâm huấn luyện rất tốt nữa. ‘Đó chính là vị trí cho cậu đó’, tôi đã bảo Steve như thế.
Biết tổ chức, quy củ, mạnh mẽ và lúc nào cũng tìm kiếm các ý tưởng mới, Steve chính là người sinh ra để làm quản lý. Cậu ấy sôi nổi, giàu năng lượng và có một cá tính rất tuyệt vời.
Carlos Queiroz, một số 2 khác của tôi, thì vô cùng xuất chúng. Xuất chúng. Nổi bật. Và là một người thông minh, tỉ mỉ. Gợi ý tuyển dụng cậu ta đến từ Andy Roxburgh, vào đúng lúc tôi bắt đầu tìm kiếm những cầu thủ đến từ nam bán cầu và bởi thế chúng tôi cần một huấn luyện viên ngoài biên giới của các nước Bắc Âu, một người biết sử dụng một hay hai ngôn ngữ khác. Andy đã chỉ ra rất rõ. Carlos nổi trội thực sự. Cậu ấy đã huấn luyện Nam Phi và thế là một bữa kia tôi gọi Quinton Fortune vào hỏi ý kiến. ‘Tuyệt vời’, Quinton nói. “Ở cấp độ nào theo ý cậu?”, “Bất kỳ cấp độ nào”, Quinton trả lời. “Ồ”, tôi nghĩ, “gã này thuyết phục mình đây.”
Khi Carlos đến Anh vào năm 2002 để nói chuyện với chúng tôi, tôi đợi cậu ta trong bộ đồ thể thao. Carlos thì ăn mặc vô cùng tao nhã. Cậu ấy luôn giữ sự khéo léo của mình. Và cậu ấy vô cùng ấn tượng khi tôi đề nghị cậu ấy vị trí trợ lý ngay lập tức. Cậu ấy là dạng người gần gũi nhất mà bạn có thể có được khi làm huấn luyện viên ở Manchester United mà không cần phải giữ một chức danh cụ thể nào cả. Carlos dám đảm nhận mọi nghĩa vụ cho hàng loạt vấn đề mà thực tế cậu ta không cần phải dính vào làm gì cho thêm bận.
“Tôi muốn nói chuyện với ông”, Carlos đã gọi điện cho tôi vào một ngày trong năm 2003 khi tôi đang đi nghỉ ở miền Nam nước Pháp. Có thể là tin gì đây? Kẻ nào đang theo đuổi cậu ta? “Tôi chỉ cần nói chuyện với ông thôi”- cậu ấy nhắc lại.
Thế là cậu ấy bay đến Nice và tôi bắt taxi ra sân bay Nice, nơi chúng tôi ngồi lại với nhau ở một góc yên tĩnh.
“Tôi nhận được lời mời của Real Madrid” - cậu ấy nói.
‘Tôi sẽ nói hai điều với cậu. Một là cậu không thể từ chối nó. Hai là cậu sẽ từ bỏ một câu lạc bộ vô cùng tốt. Cậu có thể sẽ không trụ nổi tại Real Madrid quá một năm. Còn cậu lại có thể ở Man United cả đời’.
“Tôi hiểu” - Carlos nói. “Tôi chỉ cảm thấy đó đúng là một thử thách lớn.”
“Carlos, tôi không thể khuyên cậu là hãy từ bỏ cơ hội ấy. Bởi vì nếu tôi làm thế, và trong thời gian 1 năm thôi, Real Madrid thắng cúp châu Âu, cậu sẽ nói rằng : Ờ, lẽ ra mình đã ở đó. Nhưng tôi muốn cho cậu hiểu, đó là một vị trí ác mộng.”
Ba tháng sau, cậu ấy muốn rời bỏ Madrid. Tôi bảo cậu ấy rằng không thể được. Tôi bay sang Tây Ban Nha và cả hai cùng ăn trưa tại căn hộ của cậu ấy. Thông điệp của tôi là: Không thể bỏ việc, cứ tiếp tục với nó đi và tái ngộ tôi ở năm sau. Mùa đó, tôi không dùng trợ lý vì tôi chắc chắn Carlos sẽ quay lại. Tôi hợp tác cùng Jim Ryan và Mick Phelan, hai người giỏi, nhưng tôi không muốn lấn sâu vào một hứa hẹn với ai khác bởi tôi biết kiểu gì Carlos cũng quay lại. Tôi đã từng phỏng vấn cả Martin Jol, đúng một tuần trước khi Carlos gọi điện cho biết mọi việc rất tệ ở Madrid. Martin đã rất ấn tượng và tôi gần như xiêu lòng định trao vị trí cho anh ta nhưng cú điện của Carlos đã bắt tôi phải trả lời Martin là: “Hãy đợi xem đã. Tôi cần một thời gian xem sao” mà không thể giải thích được cho anh ta hiểu lý do vì sao.
Trợ lý huấn luyện viên viên ở Manchester United luôn là một vị trí giàu uy tín. Đó là một nền tảng cơ bản của cuộc chơi. Khi Carlos rời đi lần thứ hai vào tháng Bảy năm 2008, đó là vì quê hương đã níu kéo trái tim của cậu ấy nên bởi thế tôi rất thấu hiểu lý do mà cậu ấy quay về Bồ Đào Nha. Carlos vẫn luôn là người cừ khôi. Cậu ấy có hầu hết những phẩm chất để trở thành người huấn luyện viên tiếp theo của Manchester United. Cậu ấy có thể là một người hơi giàu cảm xúc qúa. Nhưng trong số tất cả những người đã làm việc bên tôi, cậu ấy là số một và không có gì để ngờ vực điều đó cả. Carlos rất thẳng thắn. Cậu ấy có thể xông thẳng vào phòng và nói thẳng với bạn rằng: Tôi không hài lòng với điều này, điều kia.
Cậu ấy quá trung thành với tôi, như thể một chú chó Rottweiler vậy. Cậu ấy bước chân vào phòng tôi và nói với tôi rằng chúng tôi cần phải hoàn thành một nhiệm vụ nào đó. Rồi sau đó, cậu ấy tóm lược lại từng chi tiết một trên một bảng biểu cụ thể. “Đúng rồi, tốt lắm Carlos, yeah”, tôi sẽ nói như thế và nghĩ “mình đang quá bận lúc này”. Nhưng đó là một phẩm chất đáng quý, nó tạo động lực để mọi việc được hoàn tất./.