Thị trường chứng khoán khép lại một tuần giao dịch khởi sắc. VN-Index ghi nhận ba phiên tăng điểm và hai phiên điều chỉnh, tăng tổng cộng 12,24 điểm (+0,8%) và đóng cửa tại mức 1.456,51 điểm.
Cùng chung xu hướng, chỉ số HNX-Index có bốn phiên đi lên và một phiên lùi bước, tăng tổng cộng 15,52 điểm (+3,8%), chốt tuần tại mức 427,64 điểm.
Thanh khoản kỷ lục
Tuần qua, thị trường chứng khoán tăng tốc với thanh khoản xác lập kỷ lục đỉnh lịch sử. Cụ thể, giá trị giao dịch bình quân đạt 36.300 tỷ đồng/hai sàn.
Theo đó, giá trị giao dịch trên sàn HoSE xấp xỉ 159.800 tỷ đồng/tuần (tăng 21%), tương ứng hối lượng giao dịch gần 5.500 triệu cổ phiếu (tăng 23%). Và, giá trị giao dịch trên HNX đạt 21.700 tỷ đồng/tuần (tăng 23%) với khối lượng gần 880 triệu cổ phiếu (tăng 19%).
[Nhà đầu tư kỳ vọng doanh nghiệp thoái vốn tác động tới giá cổ phiếu]
Tuy nhiên, động thái của các nhà đầu tư ròng vẫn duy trì rút ròng trên cả hai sàn. Cụ thể, họ bán ròng trên HoSE là 2.000 tỷ đồng (tương ứng 44 triệu đơn vị) và gần 74 tỷ đồng (tương ứng 1,37 triệu cổ phiếu) tại HNX.
Top 5 mã cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên sàn HoSE:
Ông Nguyễn Đình Thắng, Chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội cho biết trong tuần qua, phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu chính đều có sự tăng trưởng tốt. Nhóm cổ phiếu ngân hàng có mức tăng mạnh nhất với 2,6% giá trị vốn hóa, các cổ phiếu tiêu biểu như SHB (+12,7%), TCB (+2,7%), CTG (+3,8%), STB (+3,9%), MBB (+0,5%), LPB (+10,8%), MSB (+7,4%), OCB (+7,1%), ACB (+1,5%)...
Tiếp đến là nhóm cổ phiếu công nghiệp với mức tăng 1,8% giá trị vốn hóa và nhóm hàng tiêu dùng và công nghệ thông tin cùng mức tăng 1,2%, chủ yếu nhờ vào các cổ phiếu trụ cột, như SAB (+7,2%)...; FPT (+0,7%), CMG (+0,8%)...
Ngoài ra, các nhóm cổ phiếu ngành tài chính (+0,2%), nguyên vật liệu (+0,4%), dược phẩm và y tế (+0,3%) đều tăng nhẹ. Ở chiều ngược lại, nhóm ngành tiện ích cộng đồng giảm mạnh nhất (-1%), nhóm cổ phiếu dầu khí điều chỉnh nhẹ (-0,5%).
Lực cầumạnh mẽ
Điểm lại dấu ấn trong tuần, ông Thắng nhấn mạnh thị trường chứng khoán đã tăng điểm trong tuần thứ 2 liên tiếp, giúp VN-Index đóng cửa tuần trên ngưỡng tâm lý 1.450 điểm. Bên cạnh đó, thanh khoản của thị trường lập kỷ lục mới.
Những điều này cho thấy dòng tiền vẫn đang tiếp tục đổ vào thị trường và lực cầu mua lên của thị trường là thực sự mạnh. Song, việc khối ngoại quay trở lại bán ròng hơn 2.000 tỷ đồng/hai sàn đã phần nào thu hẹp mức tăng của thị trường.
Trên góc nhìn kỹ thuật, ông Thắng nhận định thị trường tiếp tục nằm trong sóng tăng với mục tiêu theo lý thuyết quanh ngưỡng 1.550 điểm. Do đó, dư địa tăng là vẫn còn và tuần giao dịch ngày 8/11-12/11, VN-Index khả năng tiếp tục đi lên hướng đến những mức điểm mới. Song, thị trường không tránh được những phiên rung lắc có thể xảy ra trong quá trình này.
“Tuy nhiên với kịch bản tiêu cực, nếu áp lực bán trên thị trường gia tăng thì VN-Index có thể cần kiểm tra lại lực cầu quanh ngưỡng tâm lý 1.450 điểm. Vì vậy, các nhà đầu tư đã mua vào khi VN-Index vượt vùng đỉnh cũ 1.420-1.425 điểm có thể tích lũy thêm chứng khoán khi thị trường có nhịp điều chỉnh xuống quanh ngưỡng hỗ trợ trên,” ông Thắng nói.
Theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), sau khi VN-Index vượt mốc 1.400 điểm một cách thuyết phục, tâm lý của nhà đầu tư duy trì khá tốt. Nhưng, hoạt động chốt lời ngắn hạn cũng bắt đầu hiện hữu, khiến cho đà tăng của chỉ số này bị thu hẹp. Thêm vào đó, việc những chỉ số kỹ thuật đi vào vùng quá mua có thể sẽ khiến cho lực cung trên thị trường trở nên mạnh hơn trong những phiên tới.
Báo cáo phân tích của VCBS có phần thận trọng và cho rằng giai đoạn hiện nay, thị trường đang khá "chông chênh.” VCBS khuyễn cáo các nhà đầu tư có thể cân nhắc chốt lời một phần danh mục. Đặc biêt là các cổ phiếu có tính đầu cơ theo "tin đồn" mà không đi kèm các yếu tố cơ bản.
“Mặc dù thị trường vẫn đang diễn biến khá tích cực và nhà đầu tư vẫn có thể nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục nhưng nhìn chung nhà đầu tư nên thiên về chiến lược ngắn hạn theo xu hướng dòng tiền trong bối cảnh thị trường hiện tại. Bởi, đầu tư chứng khoán cũng cần chú ý cả đến khía cạnh quản trị rủi ro và không nên chỉ ‘mua đuổi’ theo giá cổ phiếu,” nhóm phân tích của VCBS kiến nghị./.