Từng bước ổn định tiêu thụ nông sản ở Đồng bằng sông Cửu Long

Việc tiêu thụ nông, thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long tuy vẫn có nhiều khó khăn nhưng nhiều mặt hàng đã có sự tăng giá trở lại và tiêu thụ ổn định hơn.
Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu-Thương mại tổng hợp Mỹ Linh (Cái Bè, Tiền Giang) duy trì hoạt động nhờ có phương án phòng, chống dịch hiệu quả. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp ở khu vực phía Nam, ngoài cung cấp các đầu mối cung ứng nông sản, Tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hằng ngày vẫn kết nối hàng chục đơn hàng tiêu thụ nông, thủy sản cho các địa phương.

Nhờ đó, đến nay, việc tiêu thụ nông, thủy sản tuy vẫn có nhiều khó khăn nhưng nhiều mặt hàng đã có sự tăng giá trở lại và tiêu thụ ổn định hơn.

Tích cực tiêu thụ lúa

Theo Tổ công tác của Bộ Công Thương, từ sau khi có giải pháp chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại cuộc họp với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 19 tỉnh, thành phía Nam, giá lúa tươi hiện nay tại các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đã có xu hướng tăng trở lại sau khi giảm sâu ở thời điểm cuối tháng 7.

Tình hình tiêu thụ lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng khá hơn do các tỉnh tích cực tháo gỡ để doanh nghiệp, thương lái đẩy mạnh việc thu mua.

[Bình Thuận: Hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch]

Các địa phương đã tạo điều kiện, hỗ trợ cho việc bố trí nhân công cũng như phương tiện trong việc thu hoạch lúa như áp dụng phân vùng xanh, vàng, đỏ cho mức độ nguy cơ dịch COVID-19.

Các địa phương có sự phối hợp trong việc điều phối máy gặt đập liên hợp cho diện tích lúa đến thời điểm thu hoạch; có chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp, những người tham gia khâu lưu thông hàng hóa được tiêm vaccine. Cùng với đó là tạo điều kiện kết nối thương lái, doanh nghiệp thu mua lúa cho nông dân.

Theo báo cáo ngày 20/8 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lúa Hè Thu hiện đã thu hoạch là 820.000ha với năng suất đạt 56,7 tạ/ha; sản lượng 4.645 tấn.

Diện tích lúa Hè Thu còn lại chưa thu hoạch là 690.000ha và đang ở giai đoạn đòng trổ và chín, các trà lúa sinh trưởng, phát triển tốt

Ước cả vụ Hè Thu sản xuất 1,51 triệu ha, sản lượng sẽ đạt 8,6 triệu tấn. Bên cạnh đó, lúa Thu Đông đã gieo sạ được 400.000ha, đạt 57% kế hoạch.

Thu hoạch lúa Hè Thu năm 2021 ở huyện Thanh Bì, Đồng Tháp. (Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN)

Tuy đã có nhiều cải thiện trong khâu tiêu thụ lúa gạo nhưng ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, cho rằng những chủ trương, quyết định chung để tháo gỡ khó khăn trong lưu thông, phân phối đã ban hành nhưng còn phụ thuộc vào mỗi địa phương về cách hiểu và áp dụng triển khai, nên cần có sự thống nhất hướng dẫn từ phía cơ quan quản lý.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng đánh giá tình hình lưu thông vận chuyển nông sản cũng như việc đi lại của lực lượng lao động nông nghiệp ở các tuyến giao thông như lộ, tỉnh lộ giữa các tỉnh với nhau và với Thành phố Hồ Chí Minh đã đi vào ổn định.

Tuy nhiên, tại một vài địa phương, các tuyển đường liên ấp, lên xã với sự kiểm soát của lực lượng tại chỗ vẫn chưa cập nhật chỉ đạo chung nên còn gây ra một số khó khăn trong việc đi lại cho các lực lượng lao động, doanh nghiệp, nông dân trong tham gia sản xuất và lưu thông nông sản hàng hóa.

Linh hoạt tháo gỡ

Tuy tiêu thụ lúa, thủy sản đang tốt lên, nhưng đối với cây ăn quả, vẫn còn bị ảnh hưởng nhiều do thiếu nhân công thu hoạch, tiến độ thu mua chậm.

Một số thương lái ngưng thu mua, phương tiện vận chuyển giảm, chi phí vận chuyển tăng. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc siết chặt kiểm soát dịch bệnh, dẫn đến giá bán trái cây thấp.

Tích cực hỗ trợ tiêu thụ nông sản, đến nay, Tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập hợp được 1.201 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm gồm: rau củ 332 đầu mối, trái cây 311 đầu mối, thủy hải sản 431 đầu mối, lương thực 73 đầu mối và 53 đầu mối các mặt hàng khác. Cùng với đó, Tổ công tác cũng kết nối tiêu thụ trên 40 đơn hàng nông thủy sản mỗi ngày với sản lượng hàng trăm tấn.

Hiện nguồn cung các sản phẩm chăn nuôi vẫn duy trì đa dạng, không biến động. Nguồn cung thịt lợn và trứng gia cầm cung ứng đủ cho hệ thống siêu thị, các mặt hàng thịt đông lạnh vẫn được các doanh nghiệp nhập khẩu về theo nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, giá các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm tại các tỉnh phía Nam vẫn ghi nhận ở mức thấp. Cụ thể, thịt lợn hơi ở mức từ 50.000-54.000 đồng/kg, giảm khoảng trên 15% so với tháng trước; thịt gà siêu thịt công nghiệp phổ biến thấp dưới 10.000 đồng/kg, thịt gà lông màu nuôi ngắn ngày khoảng từ 25.000-28.000 đồng/kg.

Nhìn chung hoạt động sản xuất thủy sản vẫn đang duy trì. Giá tôm bắt đầu tăng trở lại, tuy thấp hơn những tháng trước nhưng không khác biệt so với cùng kỳ năm trước.

Tín hiệu trên có được nhờ các địa phương như Cà Mau, Sóc Trăng... đã quan tâm tháo gỡ khó khăn tại nhà máy chế biến thủy sản, hình thành vùng xanh, cho phép công nhân được ở nhà và đưa đón đến nhà máy. Như tại Cà Mau, công suất chế biến đã tăng lên 80% so với khi chưa có dịch.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, trung bình mỗi tháng tỉnh thu hoạch từ 15.000-20.000 tấn tôm.

Tiêu thụ tôm hiện tương đối ổn định, nhưng giá giảm từ 10-30% so với trước khi dịch bệnh, do các doanh nghiệp phải thực hiện “3 tại chỗ,” nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được nên phải đóng cửa, giảm công suất chế biến nên giảm thu mua.

Qua triển khai “3 tại chỗ” gặp nhiều khó khăn nên tỉnh thực hiện linh hoạt áp dụng “1 cung đường 2 địa điểm.” Đó là mở ra địa điểm đến là nhà công nhân có kiểm soát chặt thay ở khách sạn để giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Qua triển khai cho thấy hiệu quả rõ, doanh nghiệp tăng khả năng hoạt động trở lại. Nhiều doanh nghiệp có khả năng tăng chế biến lên gần 100%.

Hiện Cà Mau không có hiện tượng ùn ứ sản phẩm nên việc kết nối để việc sản xuất diễn ra bình thường.

Mặc dù vậy, nhìn chung tình hình chế biến xuất khẩu thủy sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện 19 tỉnh, thành phía Nam có 326/449 cơ sở tiếp tục sản xuất. Do thiếu công nhân và chia ca để phòng chống dịch nên công suất hoạt động chỉ từ 30-40% so với trước khi áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg.

Trước tình hình dịch COVID-19 hiện nay, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Nam Bộ tham mưu, đề xuất với Ủy ban Nhân dân tỉnh tạo điều kiện cho nhân công, máy móc thu hoạch lúa, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động thu mua, vận chuyền, xay xát, chế biến, tiêu thụ lúa gạo được thuận lợi trong tình hình tuân thủ các quy định về phòng dịch ở địa phương.

Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập, củng có, duy trì và phát triển Tổ công tác kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản tại địa phương, liên hệ và phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác của bộ.

Các Tổ công tác cũng tăng dự tính, dự báo nông sản, hình thành và kết nối các nhóm thu mua theo ngành hàng tại địa phương và hỗ trợ việc tiếp cận nguồn cung nông sản.

Cùng với đó, tăng cường các hình thức liên kết sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu, kết nối cung cầu của tất cả các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương, liên kết rải vụ thu hoạch nông sản để chủ động cung ứng và hạn chế hiện tượng thừa cung ở một vài thời điểm, trước mắt là lúa gạo.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Nam cũng yêu cầu các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phía Nam chủ động hơn trong việc phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tháo gỡ các khó khăn trong lưu thông, vận chuyên hàng hóa nông sản và đề xuất với Ủy ban Nhân dân tỉnh các vướng mắc nếu vượt thẩm quyền giải quyết./.

(TTXVN/ Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục