Tương lai nào cho mối quan hệ giữa Singapore và Trung Quốc?

Mối quan hệ Singapore-Trung Quốc chưa bao giờ suôn sẻ do những khác biệt quá lớn giữa hai nước, không phải chỉ là sự khác biệt về hệ thống chính trị hay khác biệt về quy mô dân số quốc gia.
Tương lai nào cho mối quan hệ giữa Singapore và Trung Quốc? ảnh 1Cảng Hạ Môn. (Nguồn: taiwannews)

Tờ Straits Times đã đăng bài bình luận của tác giả Goh Sui Noi về mối quan hệ Singapore-Trung Quốc trong vòng 30 năm qua và tương lai của mối quan hệ này, nội dung như sau:

Mối quan hệ Singapore-Trung Quốc chưa bao giờ suôn sẻ do những khác biệt quá lớn giữa hai nước, không phải chỉ là sự khác biệt về hệ thống chính trị hay khác biệt về quy mô dân số quốc gia.

Một yếu tố có tính phức tạp khác nữa là yếu tố cộng đồng người dân tộc Hoa chiếm đa số dân của Singapore (75%). Với việc là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á có cộng đồng người Hoa chiếm đa số trong dân số (thậm chí là trên toàn thế giới), Singapore không muốn bị xem là “trụ cột thứ năm” của Trung Quốc.

Vấn đề này đặc biệt gay gắt vào những năm 1970, khi Trung Quốc tích cực ủng hộ chủ nghĩa cộng sản và hỗ trợ các phe phái cánh tả ở khu vực Đông Nam Á, điều này gây ra những lo lắng về mặt an ninh cho các chính phủ trong khu vực, bao gồm cả chính phủ Singapore.

Chỉ khi những vấn đề lo ngại này được giải quyết, Singapore mới cảm thấy sẵn sàng thiết lập quan hệ ngoại giao. Năm 1990 là thời điểm như vậy.

Một yếu tố có tính phức tạp khác đó là việc quân đội Singapore được huấn luyện tại Đài Loan, nơi Trung Quốc luôn coi là một “tỉnh ly khai” của nước này. Ban đầu, Trung Quốc muốn chấm dứt thỏa thuận quân đội Singapore huấn luyện tại Đài Loan diễn ra trước khi thiết lập quan hệ chính thức giữa Singapore và Trung Quốc.

Cuối cùng, Bắc Kinh đã lựa chọn sự linh hoạt đối với vấn đề Đài Loan để mở đường cho việc thiết lập mối quan hệ chính thức Singapore-Trung Quốc. 

Quãng thời gian 30 năm qua đã chứng kiến mối quan hệ hai nước ngày càng trở nên bền chặt và khăng khít hơn, mặc dù vẫn có những lúc suy giảm, nhất là vào năm 2004 và 2016.

Theo ông Xu Liping từ Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đó là một hành trình "rất khó khăn và đầy những khúc quanh," nhưng về mặt cân bằng là một điều tích cực.

Quan hệ đôi bên cùng có lợi

Theo chuyên gia Xu, khi Trung Quốc lần đầu tiên tiến hành cải cách nền kinh tế năm 1978 và mở cửa với thế giới, Singapore đã đóng một vai trò rất quan trọng và độc đáo, đặc biệt là đóng vai trò cầu nối giữa Trung Quốc và phương Tây.

[Singapore,Trung Quốc lập bộ chứng chỉ về kỹ thuật công nghệ tài chính]

Singapore đã giúp Trung Quốc hội nhập vào hệ thống kinh tế khu vực và quốc tế. Singapore cũng thúc đẩy Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và điều này đã diễn ra năm 2001.

Nước này cũng thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Trung Quốc-ASEAN, với một trong những kết quả của mối quan hệ hợp tác này chính là việc ra đời hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN năm 2002.

Tuy nhiên, quan hệ song phương giữa hai nước đã vượt ra ngoài điều đó, ngày càng trở nên sâu sắc và rộng hơn, với việc cả hai bên đều thể hiện chủ nghĩa thực dụng để vượt qua những khác biệt.

Về kinh tế, hai bên đã tạo ra các dự án biểu tượng như Khu công nghiệp Tô Châu (bắt đầu hoạt động vào năm 1994) và dự án Thành phố sinh thái Thiên Tân (ra mắt năm 2007) dựa trên kinh nghiệm và chuyên môn của Singapore.

Trung Quốc cũng tìm cách thu thập các bài học kinh nghiệm trong quản trị nhà nước, quản lý thành phố và quản lý các đảng phái chính trị.

Trục trặc trong quan hệ

Năm 2004 là năm mà Singapore và Trung Quốc trải qua một sự suy giảm lớn trong mối quan hệ song phương. Đó là khi Phó Thủ tướng Singapore lúc đó là Lý Hiển Long tới thăm Đài Loan, vài tuần trước khi ông trở thành thủ tướng.

Trước chuyến thăm Đài Loan vào tháng 7/2004, ông đã đến thăm Bắc Kinh vào tháng 5/2004 và đã được Bắc Kinh đón tiếp nồng hậu. Trung Quốc đã phản ứng giận dữ về chuyến thăm Đài Loan của ông, cho rằng điều đó làm tổn hại đến lợi ích cốt lõi của họ và cảnh báo rằng "phía Singapore nên chịu hoàn toàn trách nhiệm về kết quả từ sự kiện này."

Theo giáo sư Tommy Koh của Singapore, bài học rút ra từ vụ việc này là trong khi đối với Singapore, các điều ước quốc tế là bất khả xâm phạm và phải được tôn trọng cho dù chúng được ký kết từ khi nào, nhưng đối với người Trung Quốc, các điều ước quốc tế đó cần phải được “diễn giải” theo những hoàn cảnh thay đổi.

Còn theo ông Xu, đối với Bắc Kinh, Singapore đã vượt qua “ranh giới đỏ,” đó là việc không nên có bất kỳ mối liên lạc chính thức giữa Singapore và Đài Loan.

Thời điểm mối quan hệ song phương xuống thấp tiếp theo xảy ra vào tháng 11/2016, với việc Hong Kong bắt giữ 9 xe bọc thép Terrex của quân đội Singapore được sử dụng trong huấn luyện quân đội ở Đài Loan và đang trên đường trở lại Singapore trên một con tàu ghé cảng Hạ Môn và Hong Kong.

Tương lai nào cho mối quan hệ giữa Singapore và Trung Quốc? ảnh 2Cảng Hạ Môn. (Nguồn: seatrade-maritimestraitstimes)

Rõ ràng, nguyên nhân của vụ việc này là do Trung Quốc phản đối bất kỳ hình thức tương tác chính thức nào giữa Singapore và Đài Loan, bao gồm cả trao đổi quân sự.

Tuy nhiên, theo ông Xu, lý do thực sự chính là việc Singapore đã chạm đến điểm giới hạn của Trung Quốc với việc ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài tại La Hay về tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines, vốn bác bỏ các tuyên bố lịch sử của Trung Quốc đối với phần lớn khu vực Biển Đông.

Singapore đã giữ quan điểm trung lập về phán quyết nhưng kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế.

Tương lai quan hệ Singapore-Trung Quốc

Những thời điểm khó khăn, lạnh nhạt trong mối quan hệ song phương Singapore-Trung Quốc một phần là do kỳ vọng cao của mỗi bên đối với bên kia trong bối cảnh sự gần gũi của mối quan hệ này.

Và về phía người Trung Quốc, họ luôn có cảm giác rằng Singapore với dân số chủ yếu là người gốc Hoa nên cân nhắc đứng về phía Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế. Ngoài ra còn có vấn đề về quy mô quốc gia.

Giáo sư Tommy Koh cho rằng mối quan hệ giữa Singapore và Trung Quốc không phải là mối quan hệ bình đẳng giữa hai bên mà là mối quan hệ giữa một nước lớn và một nước nhỏ, với việc “các nước lớn có xu hướng bắt nạt các nước nhỏ.”

Mối quan hệ song phương Singapore-Trung Quốc đã vượt qua được những sự cố và phát triển mạnh mẽ trong vòng 30 năm qua. Trong quãng thời gian đó, vị thế đặc biệt của Singapore với tư cách là cầu nối giữa Trung Quốc và phương Tây đã suy giảm đi do chính Trung Quốc đã thiết lập được các mối quan hệ của riêng mình và Trung Quốc ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Mặc dù vậy, với việc những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc như Tencent và Alibaba có sự hiện diện ngày càng tăng tại Singapore đã cho thấy Singapore vẫn có một vai trò trong sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Hoạt động giao lưu nhân dân cũng diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt với nhiều người Trung Quốc mới di cư đến Singapore.

Mối quan hệ này cũng có thể trở nên ít đặc biệt hơn và trở nên bình thường hơn, nhưng vẫn sẽ không kém phần thân thiết hoặc thực chất. Mặc dù vậy, tương lai hiện có phần ít chắc chắn hơn, đặc biệt là khi căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ.

Singapore có quan hệ tốt với cả hai quốc gia này và sẽ rất khó để lựa chọn bên. Cách thức Singapore quản lý thách thức này sẽ quyết định chương tiếp theo của mối quan hệ Singapore với Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.