Tương lai quá trình phi hạt nhân hoá Triều Tiên là không chắc chắn?

Kể từ sau những ngày “lửa và thịnh nộ” giữa Mỹ và Triều Tiên, thế giới đã chứng kiến 3 cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp tại Khu Phi quân sự (DMZ) ở biên giới liên Triều ngày 30/6 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp tại Khu Phi quân sự (DMZ) ở biên giới liên Triều ngày 30/6 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng eastasiaforum.org đưa tin, kể từ sau những ngày “lửa và thịnh nộ” giữa Mỹ và Triều Tiên, thế giới đã chứng kiến 3 cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Mặc dù đã có những hy vọng sau các cuộc gặp này song thế giới vẫn chưa thấy được nhiều tiến triển trong vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Thay vào đó, các cuộc gặp này dường như ngày càng ít hiệu quả.

Cách tiếp cận đơn phương của Chính quyền ông Trump, các chính sách thù địch của Mỹ đối với Trung Quốc, và những nỗ lực của Hàn Quốc trong việc tìm kiếm một giải pháp thực chất đã góp phần gây ra tình trạng này.

Cuộc gặp đầu tiên giữa Mỹ và Triều Tiên đã dẫn đến một thỏa thuận dựa trên các nguyên tắc thương lượng kèm theo đó là căng thẳng quân sự giảm thiểu một cách đột ngột.

Mặc dù thất bại song cuộc gặp lần 2 suýt đạt được một thỏa thuận. Cuộc gặp thứ 3 diễn ra mà không có bất kỳ thỏa thuận thực chất nào. Vì vậy, cơ hội cho một quá trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược dường như khó đạt được hơn bao giờ hết.

Chúng ta có thể giải thích những diễn biến này như thế nào? Cách tiếp cận đơn phương của Chính quyền ông Trump đã tạo điều kiện thúc đẩy những diễn biến trên.

Kể từ khi lên cầm quyền, ông Trump đã không mấy mặn mà khi hợp tác với các nước khác về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân Triều Tiên.

Chính quyền ông Trump đã “đơn thương độc mã” trong nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Và khi đó, Washington đã cùng “hội cùng thuyền” với Triều Tiên để bác bỏ các cách tiếp cận đa phương khác như đàm phán 6 bên.

Trong khi đó, do phải đối mặt với điều mà Triều Tiên cho là mối đe dọa từ bên ngoài và những kìm kẹp về mặt kinh tế vốn cản trở việc phát triển những năng lực phòng vệ truyền thống, Bình Nhưỡng không có sự lựa chọn thay thế nào đối với chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.

Điều này giải thích vì sao Bình Nhưỡng đã dồn mọi nguồn lực của mình vào chương trình hạt nhân và đã chấp nhận những rủi ro khôn lường để duy trì chương trình này.

[Mỹ tuyên bố sẵn sàng nối lại đàm phán hạt nhân với Triều Tiên]

Cách duy nhất để thuyết phục Triều Tiên từ bỏ hạt nhân là chứng minh để Bình Nhưỡng hiểu rằng nước này có thể làm được những điều tốt đẹp hơn mà không cần vũ khí hạt nhân. Điều này đòi hỏi việc đưa ra những đảm bảo về an ninh, an ninh quân sự và phát triển kinh tế cho chế độ họ Kim.

Có ba lý do chính giải thích vì sao Chính phủ Mỹ không thể đơn phương thực hiện những đảm bảo nói trên. Thứ nhất, Mỹ không thể thuyết phục được Triều Tiên rằng Washington sẽ tôn trọng chủ quyền của Bình Nhưỡng và kiềm chế hoạt động can thiệp vào chính trị nội bộ của Bình Nhưỡng. Ngay cả khi chính quyền Mỹ hiện tại đưa ra cam kết này, cũng không có đảm bảo nào về việc chính quyền kế nhiệm sẽ giữ cam kết này.

Thứ hai, Mỹ không thể đưa ra một đảm bảo an ninh quân sự mang tính thuyết phục và lâu dài.

Cuối cùng, Mỹ không thể cung cấp những hỗ trợ kinh tế đáng kể - Nhà Trắng chưa từng làm như vậy đối với một quốc gia như Triều Tiên và Quốc hội Mỹ sẽ không bao giờ thông qua việc như vậy.

Cách duy nhất để Mỹ thực hiện 3 cam kết này với một mức độ tín nhiệm chấp nhận được là hợp tác với các “cổ đông” khác. Khi đó, các bên có thể đưa ra một thỏa thuận đa phương để đáp ứng được những lợi ích của Triều Tiên để đổi lại nước này chấp nhận phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Mỹ không đếm xỉa gì đến cách tiếp cận như vậy.

Trong vòng 2 năm qua, Chính quyền Trump đã thực hiện những nỗ lực đáng kể để kiềm chế Trung Quốc. Những nỗ lực này gồm việc “gán mác” Bắc Kinh là một “đối thủ cạnh tranh chiến lược,” phát động cuộc cạnh tranh thương mại, “triệt” các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc như Huawei và quốc tế hóa các tranh chấp lãnh thổ.

Sự thù địch này đã mang lại 2 ẩn ý lớn đối với các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Khi Bắc Kinh và Washington tiến tới thế đối đầu, Bình Nhưỡng lại có nhiều lý do hơn để tin rằng nước này có thể duy trì kho vũ khí hạt nhân của mình.

Và Trung Quốc có thể tìm cách bảo vệ mình trước khả năng đối đầu với Mỹ. Trong tình huống này, Bắc Kinh có thể coi việc kết tình hữu hảo với Bình Nhưỡng là mối ưu tiên cao hơn so với việc thực hiện nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên. 

Việc Hàn Quốc muốn thực hiện quá trình phi hạt nhân hóa từng phần kèm theo việc Mỹ giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên là một nhân tố khác khiến hy vọng cho nỗ lực phi hạt nhân hóa ngày càng thu hẹp.

Dù vẫn muốn phi hạt nhân hóa nhưng Seoul cho rằng cách tiếp cận của Mỹ về phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược là phi thực tế. Điều này càng kiến Triều Tiên tin rằng chỉ mình nước Mỹ là khăng khăng đòi phải tiến hành ngay tức thì quá trình phi hạt nhân hóa kiểu như vậy.

Tương lai quá trình phi hạt nhân hoá Triều Tiên là không chắc chắn? ảnh 1Một loại tên lửa được Triều Tiên phóng thử nghiệm tại địa điểm bí mật ở nước này. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Nhận định về tương lai, có 3 viễn cảnh có thể xảy ra. Thứ nhất là, thuyết phục Triều Tiên chấp nhận tiến hành phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược bằng cách áp đặt các đòn trừng phạt bổ sung. Thứ hai là, chấp nhận quá trình phi hạt nhân hóa từng phần. Thứ ba là, chấp nhận nguyên trạng - tức là Triều Tiên không thử vũ khí hạt nhân nữa và Mỹ-Hàn không tiến hành các cuôc tập trận quy mô lớn nữa hoặc các nước khác không áp đặt trừng phạt thêm đối với Triều Tiên.

Viễn cảnh thứ nhất khó có khả năng xảy ra. Trong bối cảnh tình trạng thù địch hiện nay của Washington, Trung Quốc khó có thể chấp thuận áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung, miễn là Triều Tiên không tiến hành các vụ thử mới.

Bắc Kinh cũng có thể hợp tác với Seoul để thúc đẩy việc cắt giảm các biện pháp trừng phạt hiện nay như một phần thưởng đối với Triều Tiên vì ngừng tiến hành các vụ thử tên lửa.

Nếu Mỹ tiếp tục thực hiện chính sách đối đầu trong quan hệ với Trung Quốc, Bắc Kinh có thể tính đến việc giảm nhẹ hoặc bãi bỏ các đòn trừng phạt hiện nay nhằm vào Bình Nhưỡng.

Viễn cảnh thứ hai, phi hạt nhân hóa từng phần, có thể cũng không triển khai được. Với cách tiếp cận đơn phương của Chính quyền ông Trump hiện nay, Washington khó có thể đưa ra một gói các biện pháp khích lệ đáng tin để có thể thỏa mãn những quan ngại của Bình Nhưỡng. Điều này để lại viễn cảnh thứ 3, giữ nguyên trạng.

Viễn cảnh này không phải là một kết quả được trông đợi song nó có thể là kết quả duy nhất chấp nhận được với mà tất cả các bên.

Triều Tiên có thể chấp nhận viễn cảnh thứ 3 vì Bình Nhưỡng có thể duy trì vũ khí hạt nhân của mình. Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc có thể chấp nhận viễn cảnh này miễn là Bình Nhưỡng ngừng tiến hành thêm các vụ thử nghiệm và cam kết rốt cuộc sẽ phi hạt nhân hóa.

Thậm chí, Chính quyền ông Trump có thể chấp nhận viễn cảnh này. Miễn là Triều Tiên không sở hữu năng lực gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa tầm xa, thì Mỹ sẽ không cảm thấy nước này bị đe dọa từ bên ngoài.

Ông Trump có thể chịu đựng được vũ khí hạt nhân đồng thời tuyên bố chiến thắng vì đã làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Điều này có thể thấy được trong việc ông Trump coi nhẹ hoặc không đả động gì đến các vụ thử tên lửa tầm ngắn gần đây của Triều Tiên và không ngừng bày tỏ hy vọng sẽ có một cuộc gặp tiếp theo với nhà lãnh đạo Kim.

Tương lai quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên là không chắc chắn. Trong bối cảnh cách tiếp cận đơn phương của Tổng thống Trump, Bắc Kinh cảm thấy sự cần thiết phải bảo vệ mình trước nguy cơ đối đầu với Mỹ và Hàn Quốc muốn có một giải pháp từng phần, sự nguyên trạng sẽ hầu như có khả năng tiếp diễn. Đây là tin xấu đối với cơ chế không phát triển vũ khí hạt nhân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.