Diễn đàn Triển vọng Khu vực 2021 do Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) trụ sở tại Singapore vừa được tổ chức vào tuần đầu tháng Một đã có phiên thảo luận đánh giá về tương lai quan hệ Mỹ-Trung từ góc nhìn của giới học giả hai nước.
Phiên thảo luận nổi lên một số nội dung đáng chú ý như sau:
Quan điểm của học giả Trung Quốc về quan hệ Mỹ-Trung
Giáo sư Dong Wang, Giám đốc Viện Hợp tác toàn cầu thuộc trường Đại học Bắc Kinh, trong bài tham luận tại hội thảo cho rằng chiến lược gắn kết Mỹ-Trung hơn bốn thập kỷ qua đã thất bại.
Quan hệ Mỹ-Trung hiện nay nên được định nghĩa là quan hệ giữa các đối thủ cạnh tranh. Mỹ đã công khai mở cuộc chiến mới với Trung Quốc và điều này không thể lý giải ở góc độ khoa học xã hội đơn thuần.
Vấn đề đặt ra là tại sao chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc lại thay đổi trong thời điểm hiện nay mà không phải sau một vài năm nữa hay trong tương lai? Liệu có phải mục tiêu và mối quan tâm của Mỹ và Trung Quốc đã có những thay đổi đáng kể trong những năm gần đây? Rõ ràng là thay đổi chỉ có thể xảy ra trong quan điểm của Mỹ về ý định của Trung Quốc, thay vì những thay đổi khách quan trong năng lực của Trung Quốc, đã dẫn đến việc Washington từ bỏ chiến lược gắn kết với Bắc Kinh.
[Đọ sức Mỹ-Trung sẽ quay lại "vũ đài" toàn cầu hóa?]
Giải thích hiện tượng theo chủ nghĩa cấu trúc (structuralism) sẽ dẫn đến việc các bên gia tăng hành động răn đe, phủ đầu.
Quan niệm này thường có trong suy nghĩ của người Mỹ để đưa ra các biện pháp phủ đầu, ứng phó với sự trỗi dậy và mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Quan điểm này dựa trên lập luận là 10 năm nữa Mỹ sẽ không còn đủ khả năng để duy trì vị trí lãnh đạo, do vậy hành động ngay bây giờ tốt hơn là để sau này.
Về phía Trung Quốc, những người theo chủ nghĩa dân tộc cho rằng Mỹ kiên quyết ngăn chặn, kiềm chế Trung Quốc. Biện pháp tốt nhất là chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Dựa vào những bài học trong quá khứ cũng như thực trạng hiện nay, có thể rút ra một số dự báo:
Thứ nhất, trong 5 đến 10 năm nữa, trạng thái cân bằng Mỹ-Trung mới sẽ có thể được khôi phục. Điều kiện cần quan trọng nhất là sự khởi đầu cho một mối quan hệ thương mại mới tương xứng với trạng thái cân bằng mới giữa Mỹ và Trung Quốc.
Do vậy, thay vì áp đặt, ép buộc, Mỹ và Trung Quốc phải nỗ lực tái cấu trúc lại quan hệ, tái kết nối hai nền kinh tế, trên cơ sở cùng có lợi.
Một số tiến triển gần đây như việc hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc Trung Quốc cân nhắc việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hay việc hoàn tất đàm phán hiệp định đầu tư song phương (giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU), cho thấy rằng sự khác biệt giữa Trung Quốc, Mỹ cùng các đồng minh phương Tây của Mỹ có thể được giải quyết một cách hòa bình, mở đường cho một trạng thái cân bằng mới trong quan hệ Mỹ-Trung trong tương lai.
Thứ hai, việc ông Joe Biden được bầu làm Tổng thống Mỹđã mở ra cơ hội để hai nước làm việc cùng nhau nhằm cải thiện quan hệ song phương.
Tuy nhiên, thực tế tồn tại quan hệ hai nước bị tổn hại nghiêm trọng dưới thời chính quyền Tổng thống Trump đã tạo ra những định kiến. Xu hướng này cũng đang nổi lên ở Trung Quốc.
Chủ nghĩa dân túy của Mỹ và chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc đang là rào cản lớn đối với các nhà hoạch định chính sách của cả hai bên trong việc đưa ra các biện pháp cải thiện quan hệ song phương.
Trên thực tế, cạnh tranh thực sự giữa Mỹ và Trung Quốc không phải về vị thế đứng đầu hay tầm ảnh hưởng chi phối hệ thống toàn cầu, mà là trở thành một quốc gia tốt hơn. Do đó, thay vì đổ lỗi cho những thất bại, cả Mỹ và Trung Quốc cần xác định phải thay đổi từ trong nội tại để hướng đến những chính sách tốt hơn cho người dân của mình. Trung Quốc lạc quan rằng quan hệ Mỹ-Trung dưới thời chính quyền ông Biden sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, đây không phải một nhiệm vụ dễ dàng nếu cả hai bên không nỗ lực.
Trả lời câu hỏi của người điều phối chương trình về việc Trung Quốc kỳ vọng gì vào một sự ổn định trở lại trong quan hệ với Mỹ, Trung Quốc muốn Mỹ làm gì, Giáo sư Dong Wang cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay là cả Mỹ và Trung Quốc phải bỏ qua những khác biệt về ý thức hệ để tiến tới một mối quan hệ thực chất hơn.
Kế tiếp, hai nước cần kiểm soát tốt sự cạnh tranh và phải xác định được điểm dừng.
Trong giai đoạn vừa qua, cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump dường như không có giới hạn, làm dấy lên lo ngại cho cả khu vực và thế giới.
Do vậy, cần phải có giới hạn trong cạnh tranh, cạnh tranh là thực tại nhưng phải mang tính xây dựng. Trung Quốc hy vọng trong tương lai, hai nước sẽ giải quyết được những vấn đề khác biệt hiện nay, nhất là về thương mại. Tiến trình này có thể mất nhiều thời gian nhưng các chuyên gia cho rằng Trung Quốc lạc quan là sẽ có kết quả.
Quan điểm của học giả Mỹ về tương lai quan hệ Mỹ-Trung
Trong khi đó, Tiến sỹ Zack Cooper, nghiên cứu viên cao cấp về chính sách đối ngoại và quốc phòng, Viện Doanh nghiệp Mỹ, từng làm việc trong chính quyền từ 2006-2008, cho rằng phần lớn các nước châu Á và các nước khác trên thế giới có chung nhận thức là cả Mỹ và Trung Quốc đều không thể hiện được đúng năng lực của một nước dẫn đầu hay đáp ứng được yêu cầu quốc tế trong thời đại dịch COVID-19.
Đại dịch COVID-19 thúc đẩy hệ thống đa phương hiện có, hướng tới một thế giới ngày càng đa phương hơn nữa. Ấn Độ là một nước đóng vai trò quan trọng trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nhật Bản đang tăng cường nỗ lực và đóng vai trò tích cực hơn trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Thực tế, Mỹ và Trung Quốc không phải trọng tâm của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mà đó là khu vực Đông Á, và hệ thống liên kết của các nước Đông Nam Á cùng một số nước khác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Hàng năm, Viện ISEAS đều có đánh giá về những tổn hại trong quan hệ Mỹ-Trung, nhưng dữ liệu đó không thể hiện rằng Mỹ đang kéo Trung Quốc xuống hay Trung Quốc đang kéo Mỹ xuống.
Trong nhiệm kỳ qua, cá nhân Tổng thống Trump được cho là đã làm tổn hại đến vị thế của Mỹ và cả châu Âu, châu Á đều không coi Mỹ là đối tác thân cận, tin cậy. Trong khi đó, khảo sát cho thấy vị thế của Trung Quốc đã xuống mức thấp nhất trong những năm gần đây. Chúng ta đang thấy cả Mỹ và Trung Quốc đều đang ở mức năng lực dẫn dắt thấp nhất ở thời điểm hiện nay.
Bầu cử Mỹ vẫn chưa thực sự kết thúc, nhưng nhiều khả năng là đảng Dân chủ sẽ giành chiến thắng tại cả Hạ viện, Thượng viện.
Trong trường hợp đó, có nhiều khả năng và cơ hội để ông Joe Biden sẽ thay đổi vai trò của nước Mỹ đối với châu Á và thế giới. Chính sách Đông Nam Á được dự báo sẽ có những thay đổi lớn.
Tổng thống Trump là người không thích đi đây đó, không thích đến châu Á, cũng như Đông Nam Á.
Ông Trump đã vắng mặt ở hầu hết các sự kiện thượng đỉnh ở khu vực như Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Mỹ, Diễn đàn khu vực châu Á (ARF)... và chức vị đại sứ Mỹ ở ASEAN gần đây mới được bổ nhiệm.
Đây là những dấu hiệu được cho là bất lợi đối với hình ảnh và cam kết của Mỹ ở khu vực. Điều này sẽ không xảy ra dưới thời chính quyền Tổng thống Biden.
Ông Antony Blinken, người được dự báo sẽ trở thành Ngoại trưởng Mỹ, đã đưa ra những dấu hiệu rất rõ ràng rằng Đông Nam Á sẽ là ưu tiên hàng đầu. Đó là lựa chọn chính xác cho chính quyền Tổng thống Biden. Đây sẽ là cơ hội để chính quyền ông Biden có được động lực trong chiến lược ở khu vực.
Bốn nhóm liên minh là xoay chuyển tình hình
Tân tổng thống Mỹ Joe Biden đã thể hiện rất rõ mong muốn thúc đẩy quan hệ với các đối tác ASEAN. Làm việc với ASEAN không phải vì những vấn đề có liên quan đến Trung Quốc, mà vì có lợi cho Đông Nam Á, có lợi cho Mỹ, vì một tầm nhìn tích cực. Tuy nhiên, việc xây dựng lại tầm nhìn tích cực này không dễ dàng và sẽ đặt ra thách thức rất lớn cho chính quyền ông Biden.
Mỹ có nên quay lại CPTPP hay không? Về mặt chính trị là rất khó, nhưng điều này rất quan trọng cho vị thế của Mỹ trong khu vực. Đó là cơ hội để ông Joe Biden thay đổi tình hình. Cạnh tranh hiện tại đang không có lợi cho cả Mỹ và Trung Quốc. Đối với khu vực, vấn đề không phải là về cạnh tranh sức mạnh giữa hai cường quốc, mà là ở chỗ khu vực muốn được dẫn dắt như thế nào?
Khảo sát từ Viện ISEAS cho thấy khu vực khá hài lòng với cấu trúc an ninh và kinh tế mà Mỹ đã giúp duy trì ở khu vực trong một thời gian dài. Điều họ không hài hài lòng là việc Tổng thống Trump hướng tới chủ nghĩa bảo hộ và theo đuổi chính sách "Nước Mỹ trước tiên."
Điều này hy vọng sẽ thay đổi và ông Biden sẽ có cơ hội để thay đổi tình hình. Tuy nhiên, để làm được việc này, ông Biden sẽ phải xây dựng cho Mỹ được bốn nhóm liên minh khác nhau trên các lĩnh vực.
Lĩnh vực đầu tiên là an ninh. Mỹ cần đặt trọng tâm vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tập trung giải quyết những vấn đề an ninh trong quá trình trỗi dậy của Trung Quốc. Điều này Mỹ có thể thực hiện được thông qua Bộ Tứ Kim cương (QUAD), nhưng Bộ Tứ không phải là tất cả vì không thể có mặt ở mọi lúc, mọi nơi để giải quyết các vấn đề liên quan. Nên Bộ Tứ cần có thêm Hàn Quốc, cần có thêm một số nước Đông Nam Á, một yếu tố thiết yếu của liên minh an ninh khu vực. Đây là liên minh dễ dàng nhất trong 4 nhóm liên minh mà ông Biden cần xây dựng.
Thứ hai là về lĩnh vực kinh tế, dù rất khó nhưng là thiết yếu đối với Mỹ. Các đồng minh châu Âu của Mỹ có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực này, đảm bảo cho một sân chơi kinh tế công bằng, đẩy lùi bảo hộ và tham nhũng.
Đây không phải là để chống lại Trung Quốc, mà là để ngăn chặn bất cứ hành động bất bình đẳng đến từ bất cứ bên nào. Đây là liên minh mà ông Biden đã nhắc đến rất nhiều trong khi ông Trump không thể thực hiện được trước đây vì thiếu lòng tin.
Về lĩnh vực công nghệ, đây là lĩnh vực đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu hình thành liên minh, cụ thể là trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), các nước đã thảo luận về một liên minh công nghệ đảm bảo một môi trường mạng tự do và rộng mở.
Liên minh công nghệ quan trọng đối với các nước dân chủ trong việc theo đuổi các mục tiêu quan tâm, không chỉ trong lĩnh vực công nghệ, mà cả trong việc duy trì nền dân chủ.
Cuối cùng là lĩnh vực quản trị, ông Biden cần xây dựng liên minh quản trị lớn hơn nữa, không chỉ với các nước dân chủ, bởi vì phần lớn những người bạn thân cận nhất của Mỹ ở châu Á không phải nước dân chủ. Vấn đề ở đây là việc thế giới muốn được quản trị như thế nào, nguyên tắc cơ bản nào nên được áp dụng trong quản trị toàn cầu. Trong bối cảnh đó, ông Biden có cơ hội tốt để đưa các nước ngồi lại với nhau và thảo luận.
Một số dấu hiệu tích cực trong việc xây dựng liên minh an ninh, kinh tế, công nghệ và quản trị đã xuất hiện thời gian qua, chẳng hạn thông qua việc Anh muốn mời Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại London năm 2021.
Điều này sẽ cần thảo luận rộng hơn nữa. Nếu ông Biden làm được điều này thì đó sẽ là dấu hiệu tích cực không chỉ cho khu vực Đông Nam Á mà cả thế giới, là cơ hội để ông Biden lấy lại vị thế dẫn dắt Mỹ đã bỏ lại những năm qua.
Đây không phải là quay lại quá khứ 5 hay 10 năm trước mà là tiến tới một thế giới mới, một thế giới đa phương hơn. Mỹ không chỉ cần phải chia sẻ sức mạnh cho các đối tác mà cần cho họ tiếng nói lớn hơn trong hệ thống. Đây là điều khó khăn đối với người Mỹ, nhưng lại rất quan trọng trong tương lai.
Trả lời câu hỏi của điều phối chương trình về việc Mỹ muốn gì trong quan hệ với Trung Quốc, Tiến sỹ Zack Cooper cho rằng bên cạnh việc giải quyết những khác biệt về thương mại, đầu tư, thì cả Mỹ và Trung Quốc cần phải đánh giá lại những khác biệt lớn khác trong rất nhiều vấn đề như Hong Kong (Trung Quốc), vùng lãnh thổ Đài Loan, Biển Đông… Sự khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc không phải là về trật tự an ninh hay trật tự kinh tế mà là sự khác biệt về giá trị cốt lõi của mỗi quốc gia.
Điều này không dễ để xóa nhòa trong ngắn hạn. Có thể Chính quyền ông Biden sẽ không ám chỉ trực tiếp vào Trung Quốc như những gì Chính quyền ông Trump từng làm, một số mặt hợp tác có thể được cải thiện như hợp tác trong ngăn chặn biến đổi khí hậu..., nhất là khi ông John Kerry sẽ là người hoạch định chính sách trong lĩnh vực này cho chính quyền sắp tới.
Dù vậy, bức tranh tổng thể quan hệ Mỹ-Trung được dự báo sẽ không có nhiều thay đổi, nhưng triển vọng sẽ không xấu thêm trong thời gian tới./.