Sau hai ngày mở phiên tòa xét xử, chiều 9/8, Tòa án Nhân dân huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã tuyên án phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án sai phạm trong quản lý đất đai tại xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội.
Cụ thể, đối với nhóm bị cáo nguyên là cán bộ xã bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ,” Hội đồng xét xử đã tuyên phạt: ba bị cáo nguyên là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đồng Tâm gồm: Nguyễn Văn Sơn 36 tháng tù, Lê Đình Thuần 42 tháng tù, Nguyễn Văn Bột 18 tháng tù treo, thời gian thử thách 36 tháng.
Các bị cáo: Nguyễn Tiến Triển (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm) 30 tháng tù, Nguyễn Xuân Trường (nguyên cán bộ địa chính xã Đồng Tâm) 6 năm 6 tháng tù, Nguyễn Văn Đức (nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Đồng Tâm) 30 tháng tù, Bùi Văn Dũng (nguyên Trưởng ban Tài chính xã Đồng Tâm) 30 tháng tù, Bùi Văn Hồng (nguyên Xã đội trưởng xã Đồng Tâm) 30 tháng tù, Nguyễn Văn Minh (sinh năm 1960, nguyên Trưởng Công an xã Đồng Tâm) và Nguyễn Văn Khang (sinh năm 1965, nguyên kế toán ngân sách xã Đồng Tâm) cùng lĩnh 24 tháng tù.
Với nhóm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng,” bị cáo Phạm Hữu Sách (nguyên Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mỹ Đức) và Trần Trung Tấn (cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức) cùng bị phạt 24 tháng tù treo, thời gian thử thách 48 tháng; Đinh Văn Dũng (nguyên Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức) 36 tháng tù, Bạch Văn Đông (nguyên Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mỹ Đức) lĩnh 30 tháng tù.
Về trách nhiệm dân sự, do những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu cũng như chưa có điều kiện chứng minh, Hội đồng xét xử tách phần dân sự trong vụ án để giải quyết sau theo thủ tục của pháp luật tố tụng dân sự khi có yêu cầu.
[Video] Đề nghị mức án cho 14 bị cáo trong vụ sai phạm ở Đồng Tâm
Đối với những sai phạm có liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức và các cơ quan chức năng, Hội đồng xét xử kiến nghị Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm những tồn tại có liên quan đến việc cấp, giao, bán đất trái thẩm quyền tại xã Đồng Tâm trên nguyên tắc tuân thủ các quy định của Luật Đất đai và pháp luật có liên quan. Đồng thời, xem xét đến sự ổn định và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân yên tâm trong cuộc sống, lao động, sản xuất.
Bản án sơ thẩm xác định, đối với nhóm bị cáo phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", Nguyễn Xuân Trường giữ vai trò chính trong vụ án. Đây là đối tượng chủ mưu, trực tiếp tham mưu, đề xuất cho tất cả các thời kỳ lãnh đạo (từ 1995-2015) và trong tất cả hoạt động sai phạm từ giao, cấp, bán đất trái thẩm quyền không đúng đối tượng, lập hồ sơ, hợp lý hóa hồ sơ địa chính để được cấp bìa đỏ trái phép, Trường phải chịu mức án cao trong khung hình phạt và cao nhất trong vụ án.
Các bị cáo Nguyễn Văn Sơn, Lê Đình Thuần và Nguyễn Tiến Triển là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã và Bí thư Đảng uỷ xã Đồng Tâm đều trực tiếp tham vào các hoạt động giao, cấp, bán đất trái thẩm quyền, sai đối tượng; trong đó Sơn và Thuần có vai trò tích cực nên phải chịu trách nhiệm cao hơn Triển và thấp hơn Trường.
Trong số các bị cáo còn lại, Đức, Dũng Hồng đã làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên có vai trò như nhau. Khang và Minh chưa được nhận đất, chưa làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên có vai trò thấp hơn Đức, Dũng và Hồng. Nguyễn Văn Bột là đồng phạm nên có vai trò thấp nhất.
Đối với nhóm bị cáo phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, Đinh Văn Dũng và Bạch Văn Đông có vai trò chính. Các bị cáo này đều là lãnh đạo Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, không hoàn thành trách nhiệm quản lý, đồng thời trực tiếp thẩm định và ký hồ sơ vừa chỉ đạo, phân công cán bộ thực hiện việc thẩm định thiếu trách nhiệm gây thiệt hại cho Nhà nước phải chịu trách nhiệm cao hơn Phạm Hữu Sách.
Trần Trung Tấn là nhân viên hợp đồng, mới tiếp nhận công việc, mặt khác bản thân Tấn thực hiện công việc theo sự phân công của lãnh đạo làm thay cán bộ phụ trách địa bàn xã Đồng Tâm thời điểm này là Đinh Như Hải đi học. Dù số hồ sơ Tấn ký thẩm định và gây thiệt hại nhiều nhưng bị cáo cùng thực hiện hành vi với Dũng và Đông, mặt khác qua điều tra không chứng minh được Tấn có hành vi vụ lợi, do đó, Hội đồng xét xử đã đánh giá Tấn có vai trò thấp hơn Dũng, Đông, Sách.
Trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử đã cân nhắc việc các bị cáo Sách, Dũng, Đông, Tấn thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh chịu áp lực lớn về chỉ tiêu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đồng thời, do tin tưởng cán bộ của mình; cán bộ lại tin tưởng lãnh đạo xã Đồng Tâm và hơn hết là thủ đoạn hợp thức hóa hồ sơ một cách tinh vi, có chủ mưu của Nguyễn Xuân Trường từ năm 2002 đến 2011, 2012, 2013 mới đề nghị cấp giấy và mỗi năm chỉ đề nghị cấp một vài giấy nên khó phát hiện.
Mặt khác, xuất phát từ đặc điểm tình hình địa bàn xã Đồng Tâm kinh tế còn nhiều khó khăn, trình độ quản lý của cán bộ còn nhiều hạn chế, cơ sở hạ tầng nông thôn thiếu thốn. Để đảm bảo pháp luật phát huy hiệu quả tác dụng răn đe, phòng ngừa chung cũng như cải tạo, giáo dục riêng, Hồi đồng xét xử xét thấy có đủ điều kiện để áp dụng thêm Điều 47 - Bộ luật Hình sự để xử phạt các bị cáo: Sách, Đông, Tấn, Sơn, Triển, Thuần dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Đồng thời, áp dụng thêm Điều 60 - Bộ luật Hình sự để xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với Nguyễn Văn Bột và Trần Trung Tấn./.