Tuyên bố chung về vòng đối thoại chiến lược Ấn-Mỹ lần thứ 5

Ngoại trưởng hai nước Ấn Độ và Mỹ cam kết tăng cường nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Tuyên bố chung về vòng đối thoại chiến lược Ấn-Mỹ lần thứ 5 ảnh 1Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj (phải) bắt tay Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ, ngày 31/7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cùng người đồng cấp nước chủ nhà Sushma Swaraj đồng chủ trì vòng đối thoại chiến lược Ấn-Mỹ lần thứ năm.

Hai ngoại trưởng đã tiến hành cuộc hội đàm kéo dài gần một giờ, trước khi chủ trì cuộc đối thoại, theo đó phái đoàn hai bên tập trung thảo luận các “sáng kiến” trong những lĩnh vực chủ chốt; thăm dò khả năng hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, thương mại, năng lượng, đầu tư, khoa học-công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và các vấn đề toàn cầu, như chống khủng bố, chống biến đổi khí hậu.

Hai bên cũng thăm dò những “lĩnh vực mới” và sáng kiến mới nhằm thúc đẩy quan hệ song phương trước chuyến thăm nhiều kỳ vọng của Thủ tướng Narendra Modi tới Mỹ vào tháng 9 tới.

Kết thúc cuộc đối thoại, Ngoại trưởng Kerry và Swaraj đã ra Tuyên bố chung, với những nội dung chính như sau:

Hai bên thừa nhận rằng việc chính phủ mới lên cầm quyền tại Ấn Độ đã tạo cơ hội độc nhất vô nhị để “tiếp năng lượng” cho mối quan hệ Ấn-Mỹ.

Hai bên tin tưởng rằng cuộc gặp cấp cao giữa Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Barack Obama tại Washington D.C vào tháng 9 tới sẽ tạo động lực mới trong quan hệ song phương; mong muốn chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel trong tháng Tám sẽ thảo luận kỹ hơn về các cuộc tập trận quân sự chung, buôn bán vũ khí, cùng sản xuất và cùng phát triển thiết bị quân sự, nghiên cứu công nghệ mới cho quốc phòng theo tinh thần Tuyên bố chung cấp cao về hợp tác quốc phòng được đưa ra hồi tháng 9/2013.

Phải đối mặt với nguy cơ chung từ chủ nghĩa khủng bố, Ngoại trưởng hai nước cam kết tăng cường nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD), chủ nghĩa khủng bố bằng vũ khí hạt nhân, tội phạm xuyên biên giới...

Tuyên bố hoan nghênh hoạt động liên tục của Nhóm làm việc chung chống khủng bố (CTJWG) và cuộc họp sắp tới của Nhóm trong năm nay; hoan nghênh kế hoạch tổ chức cuộc đối thoại an ninh nội địa cấp bộ trưởng. Hai bên nhất trí hợp tác chặt chẽ hơn trong việc đảm bảo an ninh mạng và giảm tội phạm mạng.

Ngoại trưởng Kerry và Swaraj đã đánh giá lại những nỗ lực của Ấn Độ nhằm tham gia từng bước vào Nhóm các nước cung ứng hạt nhân (NSG) và Cơ chế kiểm soát công nghệ hạt nhân (MTCR). Ông Kerry tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với việc Ấn Độ tham gia các nhóm này và hoan nghênh quyết định mới đây của Ấn Độ phê chuẩn nghị định thư bổ sung với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Ông Kerry hoan nghênh chính phủ Ấn Độ quyết định nâng trần đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực, trong đó có quốc phòng, đường sắt, thương mại điện tử và bảo hiểm. Hai bên nhất trí xác định những lĩnh vực cụ thể về đầu tư trong lĩnh vực chế tạo và hạ tầng; tìm cách trao quyền cho Diễn đàn Tổng giám đốc Ấn-Mỹ xây dựng một môi trường kinh doanh tốt hơn.

Ngoại trưởng Swaraj và Kerry quyết định sẽ thảo luận những quan ngại về thương mại và kinh tế trên tinh thần đối tác, kể cả tại Diễn đàn chính sách thương mại cấp bộ trưởng tại Ấn Độ mà chính phủ hai nước hy vọng sẽ diễn ra trong mùa Thu năm 2014, trong đó tập trung thảo luận các vấn đề chủ chốt về thương mại và đầu tư.

Hai bên dự định sẽ mở rộng đối thoại thương mại; nhất trí Ấn Độ sẽ tổ chức hội nghị tiếp theo của Nhóm hợp tác về công nghệ cao vào thời điểm thích hợp trong năm nay. Hai bên tái khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ hiệp định hạt nhân dân sự Ấn-Mỹ; mong muốn thúc đẩy cuộc đối thoại giữa chính phủ với chính phủ và tạo điều kiện thuận lợi cho Mỹ xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Ấn Độ.

Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh những tiến bộ trong cuộc đối thoại song phương về an toàn hạt nhân; hoan nghênh sự hợp tác giữa Ấn Độ và Mỹ trong quan sát Trái Đất, khám phá vũ trụ. Hai bên xác định phát triển giáo dục và kỹ năng là một lĩnh vực quan trọng của hợp tác trong tương lai.

Ngoại trưởng Swaraj và Kerry thừa nhận rằng mối quan hệ đối tác chiến lược thực sự giữa Ấn Độ và Mỹ là đóng góp quan trọng đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực Nam Á, châu Á và toàn cầu. Hai bên tái khẳng định cam kết cùng ủng hộ các nước đối tác như Afghanistan, Kenya, Liberia và Malawi. Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết của việc Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản phải hợp tác cùng nhau để xây dựng hệ thống giao thông và thương mại giữa Nam Á và ASEAN thông qua Myanmar, trong đó có các hành lang phát triển kinh tế.

Hai bên tái khẳng định cam kết bảo đảm rằng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiếp tục đóng vai trò hiệu quả trong duy trì hòa bình và an ninh theo Hiến chương Liên hợp quốc. Ngoại trưởng Kerry tái khẳng định Mỹ mong muốn Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cải tổ sẽ bao gồm Ấn Độ là thành viên thường trực.

Hai Ngoại trưởng tái khẳng định sự ủng hộ đối với một nước Afghanistan độc lập, thống nhất và có chủ quyền; lên án chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức; bày tỏ lo ngại sâu sắc trước tình hình bất ổn tại Iraq, bạo lực gia tăng tại Dải Gaza và Syria…

Hai bên nhất trí sẽ tiến hành vòng đối thoại chiến lược Mỹ-Ấn lần thứ sáu tại Washington vào năm 2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.