Thí sinh sẽ phải ôn tập thế nào cho phù hợp? Đề thi sẽ có gì khác?... Hàng loạt câu hỏi đã được các học sinh, phụ huynh gửi về cho Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cũng như lãnh đạo các vụ, cục của Bộ này trong buổi đối thoại trực tuyến sáng nay, ngày 26/12/2013.
Cuộc đối thoại do Cổng thông tin điện tử chính phủ tổ chức, diễn ra trong bối cảnh ngành giáo dục vừa đưa ra dự thảo đổi mới thi và tuyển sinh năm 2014 cũng như sắp diễn ra hội nghị tổng kết năm học giáo dục đại học.
Không để bùng nổ luyện thi
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, kỳ thi ba chung (chung đề, chung đợt, chung kết quả thi) đã kéo dài hơn 10 năm và được dư luận đánh giá là kỳ thi nghiêm túc nhất, nhưng đến nay đã hết vai trò lịch sử.
Xu hướng tiến bộ của thế giới là các trường phải tự tổ chức thi để tìm được các thí sinh phù hợp với đặc thù đào tạo của mình, ba chung không làm được điều này. Thi riêng là phù hợp với Luật Giáo dục đại học.
Mặt khác, việc tuyển sinh cũng cần đổi mới từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực người học. Vì thế, việc đổi mới tuyển sinh là phù hợp với xu thế chung.
Cũng theo ông Ga, với việc thi riêng, thí sinh sẽ có nhiều cơ hội hơn vì cách thức tuyển của các trường rất đa dạng. Có trường thi ba môn, nhưng có trường thi hai môn, thậm chí một môn kết hợp với một hình thức khác như phỏng vấn.
Vì thế, ngay cả những học sinh chỉ học giỏi một môn cũng sẽ có cơ hội đỗ đại học trong khi nếu thi ba chung với ba môn, các em có thể trượt do điểm các môn khác kém hơn kéo xuống.
Tuy nhiên, việc thi riêng trước đây đã dẫn đến tình trạng các lò luyện thi mọc lên tràn lan, gây bức xúc cho xã hội. Về vấn đề này, Thứ trưởng Ga cho rằng việc tái diễn luyện thi hay không phụ thuộc vào cách tuyển của trường.
“Thi riêng phải theo tư duy mới, đi một con đường mới. Nếu chúng ta vẫn tư duy theo cách cũ, kiểm tra học thuộc lòng thì không có cách gì chặn được. Bản chất đổi mới lần này là thay đổi căn cơ cách ra đề thi.
Các trường phải nghĩ ra cách tổ chức thi để việc luyện thi không nhiều ý nghĩa. Bộ cũng nêu nguyên tắc các trường phải cam kết không để nảy sinh luyện thi,” ông Ga nói.
Bộ không "gây khó" cho các trường
Việc Bộ quy định không sử dụng kết quả kỳ thi ba chung để xét tuyển vào các trường thi riêng đã khiến không ít trường, nhất là các trường ngoài công lập lo lắng.
Theo ông Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, điều này sẽ làm cơ hội của thí sinh bị thu hẹp lại. Vì thế, các em sẽ không mấy mặn mà với trường thi riêng và khiến các trường thi riêng vốn khó tuyển càng cạn hơn nguồn tuyển.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Ga khẳng định việc thi riêng không nhằm cứu các trường khó tuyển: “Mục đích tuyển sinh riêng để các trường tự đưa ra phương án khác tốt hơn ba chung, chọn được đúng thí sinh đáp ứng yêu cầu đào tạo đặc thù của mình. Nếu dùng kết quả ba chung xét tuyển thì không cần thi riêng.”
Cũng theo Thứ trưởng Ga, nếu các trường khó tuyển biết cách đưa ra đề án tuyển sinh phù hợp và trong quá trình đào tạo đảm bảo chất lượng, sinh viên ra trường được xã hội chấp nhận về năng lực, có việc làm thì sẽ cải thiện được hình ảnh của mình, từ đó thu hút được người học.
Đề thi trong chương trình phổ thông
Vấn đề được nhiều thí sinh quan tâm nhất là lo lắng về việc ôn tập cách nào cho hiệu quả trong kỳ thi nhiều thay đổi năm 2014.
Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Bùi Anh Tuấn khẳng định nội dung đề thi vẫn nằm trong chương trình bậc trung học phổ thông. “Đây là nguyên tắc không thay đổi,” ông Tuấn nói.
“Việc đổi mới luôn cần có lộ trình, thay đổi từng bước và không được gây xáo trộn lớn cho người học. Vì thế, những thay đổi trong năm 2014, năm đầu tiên trong lộ trình đổi mới, sẽ không ảnh hưởng lớn đến quá trình học của các em. Thí sinh không nên quá lo lắng,” ông Tuấn cho biết thêm.
Cũng theo ông Tuấn, các thông tin về kỳ thi, trường nào thi chung, trường nào thi riêng, thi riêng theo cách nào sẽ được Bộ cập nhật và đưa vào cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014.
Bên cạnh đó, Bộ cũng công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để thí sinh và phụ huynh biết.
Còn theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, mặc dù thi riêng nhưng Bộ vẫn sẽ quy định ngưỡng tối thiểu được tuyển sinh với các trường. Ngưỡng tối thiểu này có vai trò như điểm sàn trong thi ba chung, nhằm tránh tình trạng các trường lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu mà không đảm bảo chất lượng nguồn tuyển.
Tùy cách thức tuyển sinh từng trường, Bộ sẽ có quy định riêng về ngưỡng tối thiểu phù hợp./.