Tuyển sinh đại học 2021: Tăng chỉ tiêu, thêm nhiều ngành học mới

Các trường đại học đã công bố mở thêm nhiều ngành học mới, chỉ tiêu tuyển sinh vì thế cũng tăng lên. Cá biệt có trường mở mới đến 16 ngành, có trường tăng chỉ tiêu gấp gần ba lần.
Thí sinh tìm hiểu thông tin về các ngành và trường trong ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2021. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Mùa tuyển sinh đại học năm nay nhiều trường đại học đã công bố mở thêm các ngành đào tạo mới, trong đó có trường mở mới tới 16 ngành. Chỉ tiêu đào tạo theo đó cũng tăng lên. Thí sinh vì thế càng có nhiều lựa chọn trong ngành nghề và rộng cửa hơn để bước chân vào giảng đường đại học.

Đáp ứng nhu cầu mới

Theo đó, Đại học Thủy lợi mở thêm 7 ngành đào tạo mới, gồm Trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu, Kinh tế xây dựng, Thương mại điện tử, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Ngôn ngữ Anh.

Chia sẻ về lý do mở thêm các ngành học này, tiễn sỹ Trần Khắc Thạc, Phó trưởng Phòng Đào tạo của trường cho hay điều này nhằm đáp ứng định hướng phát triển kinh tế xã hội của đất nước, phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ giai đoạn chuyển đổi số hiện nay. Các ngành học của trường tập trung vào các lĩnh vực đang rất mới và đang "khát" nhân lực như logistics, khoa học dữ liệu, thương mại điện tử.

Đây cũng là những lĩnh vực được nhiều trường đại học chú trọng và mở ngành mới, đáp ứng nhu cầu của người học và thị trường lao động.

Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh mở ngành Robot và hệ thống điều khiển thông minh, Quản lý đô thị thông minh và bền vững, Kỹ thuật hóa phân tích, Kinh tế tài nguyên thiên nhiên, Quản trị nguồn nhân lực, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh mở ngành Robot và trí tuệ nhân tạo, Khoa học dữ liệu, Quản trị nhân sự...

Với rất nhiều ngành nghề đào tạo, thí sinh nên tìm hiểu kỹ trước khi lựa chọn. (Ảnh minh họa: Minh Sơn/Vietnam+)

Tương tự, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng dự kiến mở thêm 10 ngành mới. Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng mở thêm đến 16 ngành học mới, nâng tổng số ngành đào tạo của trường lên 68 ngành, ở nhiều lĩnh vực (trong đó có 8 ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe).

Tăng chỉ tiêu

Cùng với việc mở thêm các ngành học mới, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường cũng tăng lên.

Với 16 ngành học mới, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Đại học Hồng Bàng năm nay là 4.210 chỉ tiêu, tăng 750 chỉ tiêu so với năm 2020. Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng tăng 550 chỉ tiêu (năm 2020 tuyển 5.800 chỉ tiêu, năm 2021 tuyển 6.350 chỉ tiêu.)

Tại Đại học Phenikaa, tổng chỉ tiêu năm nay thậm chí tăng gấp gần ba lần, từ 1.100 chỉ tiêu năm 2020 lên 3.200 chỉ tiêu năm 2021.

Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu, Phó hiệu trưởng Đại học Phenikaa cho hay trường tăng chỉ tiêu do mở thêm 8 ngành đào tạo mới ở nhiều lĩnh vực. Cụ thể, khối kỹ thuật có ngành Kỹ thuật cơ khí, Vật liệu thông minh và trí tuệ nhân tạo, Cơ điện tử ô tô. Khối xã hội có các ngành Tiếng Trung, Tiếng Hàn, Quản trị du lịch và Quản lý khách sạn. Kinh tế có Quản trị nhân lực. Khối khoa học cơ bản có ngành Vật lý.

[Xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế: Cú hích cho dạy và học ngoại ngữ]

Lý giải về số chỉ tiêu tăng gần gấp ba lần, theo ông Hiếu, do năm 2020 ngành học của trường chủ yếu là khối ngành kỹ thuật trong khi đây lại là nhóm ngành “kén” sinh viên, đòi hỏi chất lượng đầu vào cao hơn khối ngành xã hội và nhu cầu của thí sinh cũng ít hơn.

“Chỉ tiêu năm nay của trường chủ yếu ở khối ngành xã hội vì đây là những ngành nhu cầu đào tạo lớn, chất lượng đầu vào cũng có thể thấp hơn khối kỹ thuật. Hiện chúng tôi đã nhận được rất nhiều hồ sơ cho các ngành Tiếng Trung, Tiếng Hàn, Du lịch...,” ông Hiếu nói.

Cũng theo ông Hiếu, 3.200 chỉ tiêu chỉ là con số đăng ký với Bộ Giáo dục và Đào tạo và là áp lực để trường thực hiện tốt hơn công tác tuyển sinh. “Chúng tôi cũng xác định không thể tuyển đủ con số này vì không thể vì số lượng mà hạ thấp chất lượng đầu vào. Chương trình đào tạo đã được thiết kế trước và tương ứng với chương trình đó là chất lượng đầu vào ở mức nhất định, tất nhiên không thể cao như Bách khoa nhưng cũng không thể quá thấp. Nếu vì số lượng mà ‘lùa’ người học vào đào tạo, các em không theo được và phải bỏ giữa chừng sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu của trường. Năm 2020, nhiều ngành thiếu chỉ tiêu nhưng trường cũng không vì thế mà hạ điểm chuẩn,” Phó hiệu trưởng Đại học Phenikaa chia sẻ.

Với rất nhiều trường và ngành nghề đào tạo, theo lãnh đạo các trường đại học, thí sinh nên tìm hiểu kỹ để chọn được ngành học phù hợp với năng lực và điều kiện của bản thân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục