Tuyển sinh ĐH 2022: Sẽ chấm dứt việc một thí sinh đỗ nhiều trường?

Với việc chạy phần mềm lọc ảo chung, mỗi thí sinh sẽ chỉ đỗ một nguyện vọng ở một phương thức, không còn tình trạng một thí sinh đỗ nhiều trường ở nhiều phương thức xét tuyển khác nhau như năm trước.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Một điểm dự kiến thay đổi quan trọng trong mùa tuyển sinh đại học năm 2022 là Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng một phần mềm lọc ảo chung cho tất cả các phương thức xét tuyển, bao gồm cả phương thức xét tuyển riêng của các trường đại học, chứ không chỉ lọc ảo theo phương thức xét tuyển dựa trên điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông như mọi năm.

Theo đó, mỗi thí sinh sẽ chỉ đỗ một nguyện vọng ở một phương thức, không còn tình trạng một thí sinh đỗ nhiều trường ở nhiều phương thức xét tuyển khác nhau như các năm trước.

Chỉ đỗ một nguyện vọng

Theo bà Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong mùa tuyển sinh năm 2021 dù đã đạt nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn những hạn chế, trong đó có tình trạng thí sinh ảo, tức là những em đỗ ở nhiều trường nhưng chỉ có thể nhập học ở một trường, các trường còn lại chỉ là thí sinh ảo.

Theo thống kê của Vụ Giáo dục Đại học, trong số 302 mã trường xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021, số trường đạt chỉ tiêu từ 100% trở lên là 192 trường, chiếm tỷ lệ 60,95%, gần 40% số mã trường còn lại có thí sinh ảo. Trong đó có gần 18% số mã trường đạt chỉ tiêu dưới 50%.

Tình trạng thí sinh ảo có nhiều nguyên nhân nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng này là bên cạnh phương thức xét tuyển truyền thống theo điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, các trường có rất nhiều phương thức xét tuyển khác nhau: Từ tổ chức kỳ thi riêng, xét tuyển theo học bạ, xét theo các loại chứng chỉ quốc tế, các cuộc thi dành cho học sinh giỏi mang tính quốc gia đến kết hợp giữa các phương thức xét tuyển.

Phần mềm lọc ảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ áp dụng cho phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia trong khi chỉ tiêu dành cho phương thức này ở các trường ngày càng giảm, ở nhiều trường thậm chí chỉ còn ở mức khoảng trên 50%.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho hay thống kê ba năm gần đây cho thấy tỷ lệ thí sinh ảo tăng vì hệ thống lọc ảo chưa đưa vào được những thí sinh xét tuyển theo phương thức riêng của các trường.

Thử trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định việc lọc ảo nhằm đảm bảo quyền lợi của thí sinh ở phạm vi rộng. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

“Vì vậy, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương xây dựng và sử dụng phần mềm lọc ảo chung nhằm khắc phục vấn đề này,” Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, việc này cũng nhằm khắc phục tình trạng các trường công bố điểm trung tuyển và thời gian nhập học khác nhau khiến cho các thí sinh đỗ nhiều trường gặp khó khăn khi phải quyết định việc nhập học trường này hay tiếp tục chờ kết quả ở trường kia.

Có ảnh hưởng quyền lợi của thí sinh?

Chia sẻ về phần mềm lọc ảo chung, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay theo quy trình dự kiến, tất cả các thí sinh dù đăng ký xét tuyển theo phương thức nào cũng sẽ đăng ký lên cổng thông tin chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian quy định. Với mọi phương thức xét tuyển, việc đăng ký đều diễn ra theo hình thức trực tuyến. Thí sinh sẽ tải các giấy tờ minh chứng cần thiết lên phần mềm, các trường sẽ chịu trách nhiệm đối sánh, kiểm chứng các giấy tờ này khi thí sinh nhập học nếu đỗ.

Các nguyện vọng được xếp theo thứ tự từ một đến hết, trong đó nguyện vọng một là nguyện vọng cao nhất. Mỗi thí sinh sẽ được cấp một mã định danh, số này chính là thẻ căn cước công dân của thí sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Công an để liên kết dữ liệu tuyển sinh với dữ liệu dân số để thực hiện tốt nhất việc quản lý.

[Những điểm dự kiến điều chỉnh trong tuyển sinh đại học năm 2022]

Kết thúc thời gian đăng ký, các trường sẽ tải xuống từ phần mềm dữ liệu thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường mình, tự chạy phần mềm xét tuyển riêng của trường và cập nhật kết quả thí sinh trúng tuyển trở lại phần mềm chung của Bộ để chạy lọc ảo trên toàn hệ thống. Theo đó, mỗi thí sinh sẽ chỉ đỗ một nguyện vọng ở một phương thức xét tuyển vào một trường theo nguyên tắc ưu tiên nguyện vọng cao hơn.

Chủ trương xây dựng và áp dụng một phần mềm lọc ảo chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được sự đồng thuận của nhiều trường đại học do sẽ khắc phục được tình trạng thí sinh ảo. Đây vốn là vấn đề “đau đầu” với các trường mỗi mùa tuyển sinh bởi nếu không tính toán trừ số lượng thí sinh ảo chính xác thì trường sẽ có nguy cơ thiếu hoặc thừa chỉ tiêu.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Hữu Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, có ý kiến cho rằng với cách làm này, thí sinh chỉ còn một lần được đỗ và được lựa chọn. “Trước đây, thí sinh được quyền đỗ ba, bốn trường và chọn, giờ chỉ được đỗ một trường. Điều này thuận lợi cho các trường vì không sợ ảo nhưng điều băn khoăn là có ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh?” ông Triệu nói.

Theo đó, ông Triệu đề xuất Bộ Giáo dục có thể khắc phục việc thí sinh ảo cũng như tình trạng một số trường "bắt bí" thí sinh khi yêu cầu nhập học sớm bằng cách quy định thời gian nhập học và cho được quyền rút hồ sơ.

Chia sẻ vấn đề này, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng đề xuất của đại diện Đại học Kinh tế Quốc dân là không phù hợp. “Chúng ta đã có bài học trong việc cho thí sinh được rút hồ sơ trong mùa tuyển sinh năm 2015 và vì thế, từ năm 2016 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải thay đổi.”

Về vấn đề đảm bảo quyền lợi của thí sinh, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng thí sinh được quyền chọn nhưng đến thời điểm quy định các em phải có quyết định.

“Các em có quyền chọn nguyện vọng ở nhiều ngành, nhiều trường nhưng không thể giữ hai hay nhiều chỗ vì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các thí sinh khác. Vì thế, việc lọc ảo chung cũng nhằm đảm bảo quyền lợi của thí sinh xét trên phạm vi rộng hơn. Bên cạnh đó, điều này cũng tránh trường hợp các trường bắt thí sinh nhập học sớm,” Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục