Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng, từ ngày 17-24/4, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã phối hợp với các công ty có sử dụng nhiều lao động Việt Nam tổ chức các đợt tuyên truyền về pháp luật của Malaysia, cụ thể là Luật bảo vệ động vật hoang dã năm 2010, tới công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Malaysia.
Đoàn công tác của Đại sứ quán do Tham tán, Trưởng ban Quản lý lao động và chuyên gia Việt Nam tại Malaysia Nguyễn Kim Phương dẫn đầu đã tới nhà máy dệt Ramatex tại bang Johor, nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Amphenol tại bang Penang và nhà máy sản xuất màn hình TV Ortustech tại bang Selangor để phổ biến cho lao động Việt Nam về Luật Bảo vệ động vật hoang dã của Malaysia.
Luật này được Quốc hội Malaysia thông qua tháng 10/2010 và có hiệu lực từ tháng 11/2010, thay thế luật cũ năm 1976 với một số nội dung được bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi mang tính nghiêm khắc hơn nhằm đẩy mạnh công tác bảo vệ động vật hoang dã, giữ gìn môi trường sinh thái và ngăn chặn tình trạng khai thác cạn kiệt dẫn đến tuyệt chủng một số loài quý hiếm.
Tại các buổi làm việc, đoàn đã được lãnh đạo các công ty Malaysia tiếp đón và tạo điều kiện để đoàn tiếp xúc, tuyên truyền phổ biến luật tới công nhân Việt Nam, vận động cộng đồng người Việt Nam không tham gia vào các hoạt động săn bắt, mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã ở nước sở tại.
Thay mặt đoàn, Tham tán Nguyễn Kim Phương đã thăm hỏi và động viên lao động Việt Nam chấp hành mọi nội quy của nhà máy, pháp luật nước sở tại, làm việc tích cực, góp phần vào chương trình xóa đói giảm nghèo của đất nước và luôn hướng về quê hương.
Nhân dịp này, đoàn cũng phổ biến Nghị định số 95/2013/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và quy định xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm của người lao động như ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động, hết hạn cư trú; bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng; và sau khi nhập cảnh nước tiếp nhận mà không đến nơi làm việc theo hợp đồng.
Mức phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trên của người lao động, nếu xảy ra sau ngày 10/3/2014, có thể lên tới 80-100 triệu đồng Việt Nam.
Việc phổ biến Nghị định nhằm mục đích động viên bà con yên tâm làm việc, tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của hợp đồng lao động và pháp luật nước sở tại, tránh trở thành đối tượng bị truy quét và bị xử phạt theo pháp luật của cả hai nước./.