Tuyên truyền về xây dựng Đảng cần tránh máy móc, một chiều

Tuyên truyền về xây dựng Đảng được coi là “khó," "khổ" và "khô" bởi làm sao vừa bảo đảm định hướng chính trị, đường lối, chủ trương của Đảng nhưng lại phải khách quan, trung thực.
Tuyên truyền về xây dựng Đảng cần tránh máy móc, một chiều ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Báo chí tuyên truyền về xây dựng Đảng cần đa dạng cách thể hiện, với nhiều thể tài báo chí, tránh dập khuôn, máy móc.

Ý kiến này được đưa ra tại hội thảo “Báo chí với vấn đề xây dựng Đảng," tổ chức chiều 14/3, tại Hà Nội.

Hội thảo, do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức, là một hoạt động trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2016.

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, ông Trần Bá Dung, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định trong công tác xây dựng Đảng, báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng.

Báo chí tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước nói chung, về công tác xây dựng Đảng nói riêng; giáo dục chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, thấm nhuần tư tưởng, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng.

Báo chí phản ánh việc thực hiện các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng trong cuộc sống, tư tưởng, tình cảm, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Chính vì vậy, Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII đã xác định, báo chí, công luận là một trong bốn hệ thống giám sát cán bộ, đảng viên.

Ông Trần Bá Dung nhấn mạnh trong thực tiễn hoạt động, các cơ quan báo chí đã luôn coi trọng viết về công tác xây dựng Đảng, từ khâu tổ chức, cán bộ, đến xác định nội dung tuyên truyền, phương pháp thể hiện, theo dõi hiệu quả tác động của báo chí. Ngoài hệ thống báo Đảng từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố, các cơ quan báo chí khác cũng đã dành tỷ lệ thích đáng, đầu tư nhân lực và trí tuệ để tuyên truyền về xây dựng Đảng và đã đạt những kết quả nhất định, góp phần đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, biến ý Đảng, lòng dân thành hiện thực sinh động.

Tuy nhiên, viết về xây dựng Đảng là lĩnh vực khó đối với các nhà báo. Từ khâu xác định nội dung, phát hiện đề tài, khai thác tài liệu cho đến việc thể hiện tác phẩm đều có những yêu cầu và đòi hỏi khắt khe.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận về vai trò, vị trí của báo chí, của người làm báo với công tác xây dựng Đảng hiện nay; những kinh nghiệm, bài học thực tiễn của phóng viên, biên tập viên khi đưa tin, viết bài về công tác xây dựng Đảng; giải pháp để nâng cao chất lượng báo chí về công tác xây dựng Đảng...

Chia sẻ kinh nghiệm để tăng tính hấp dẫn của các bài báo viết về xây dựng Đảng, ông Bắc Văn, Trưởng Ban Xây dựng Đảng, báo Nhân Dân cho biết viết về xây dựng Đảng khác với viết về một hiện tượng xã hội, phải có quá trình tìm hiểu, nhất là với những vấn đề không nhìn thấy được bằng mắt mà chỉ có thể cảm nhận được bằng nhận thức. Đồng thời, cần phải chọn đúng vấn đề mà bạn đọc quan tâm. Thời điểm nào, viết vấn đề gì cần sự chọn lựa của người cầm bút, nếu viết vấn đề không trúng thời điểm, có thể hấp dẫn nhưng chưa chắc bạn đọc đã quan tâm.

Ông Nguyễn Văn Chung, Tạp chí Cộng sản cho rằng tuyên truyền về xây dựng Đảng được coi là “khó," "khổ" và "khô" bởi làm sao vừa bảo đảm định hướng chính trị, đường lối, chủ trương của Đảng nhưng lại phải khách quan, trung thực.

Trong nhiều năm qua, báo chí đã tuyên truyền đậm nét, sâu sắc về công tác xây dựng Đảng, cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Song, bên cạnh những điểm sáng, trong công tác tuyên truyền về xây dựng Đảng, báo chí còn tồn tại không ít hạn chế. Số lượng bài về xây dựng Đảng xuất hiện nhiều trên báo chí nhưng chất lượng tuyên truyền chưa cao, hiệu quả đem lại chưa tương xứng. Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do cách thức tuyên truyền còn đơn điệu, một chiều, ít có sự sáng tạo, đổi mới.

Theo ông Nguyễn Văn Chung, việc tuyên truyền về xây dựng Đảng cần được đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, theo hướng tiếp cận đa chiều, nhuần nhị, bám sát thực tế cuộc sống.

Để tăng sức thuyết phục, có những bài báo không nhất thiết phải nói chủ trương, đường lối trước mà có thể tiếp cận từ dưới lên, tức là từ cơ sở, tầm vi mô rồi mới nói đến những vấn đề lớn. Việc tuyên truyền cũng không nên dàn trải, mà phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề mang tính thời sự, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục