Tỷ lệ trẻ béo phì trên thế giới tăng gấp 10 lần trong 4 thập kỷ qua

Số trẻ em và thanh thiếu niên béo phì từ 5-19 tuổi trên thế giới tăng hơn gấp 10 lần, từ 11 triệu người vào năm 1975 lên 124 triệu người vào năm 2016.
Tỷ lệ trẻ béo phì trên thế giới tăng gấp 10 lần trong 4 thập kỷ qua ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: RT)

Số trẻ em và thanh thiếu niên béo phì trên thế giới đã tăng gấp 10 lần trong 40 năm qua, trở thành vấn đề sức khỏe toàn cầu và có nguy cơ trầm trọng hơn nếu các nước không áp dụng các biện pháp quyết liệt.

Cảnh báo này được đưa ra trong nghiên cứu mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Đại học Hoàng gia London công bố trên tạp chí y khoa The Lancet nhân Ngày thế giới chống béo phì (11/10).

Nghiên cứu trên tập trung xem xét chỉ số khối cơ thể (BMI) và bệnh béo phì thay đổi như thế nào trong giai đoạn từ năm 1975-2016. Theo đó, nghiên cứu phân tích các chỉ số cân nặng và chiều cao của gần 130 triệu người từ 5 tuổi trở lên, bao gồm 31,5 triệu người từ 5-19 tuổi, và 97,4 triệu người trên 20 tuổi. Ngoài ra, hơn 1.000 cộng tác viên tham gia hoạt động này. Đây là nghiên cứu bệnh học có số người tham gia đông nhất từ trước tới nay.

Kết quả cho thấy số trẻ em và thanh thiếu niên béo phì từ 5-19 tuổi trên thế giới tăng hơn gấp 10 lần, từ 11 triệu người vào năm 1975 lên 124 triệu người vào năm 2016. Tính theo giới tính, số bé trai và nam thanh thiếu niên trong độ tuổi trên bị béo phì tăng từ 6 triệu vào năm 1975 đến 74 triệu trong năm 2016. Trong khi đó, số bé gái và nữ thanh thiếu niên béo phì tăng từ 5 triệu lên 50 triệu. Tuy nhiên, trong năm 2016 có 117 triệu bé trai và nam thanh thiếu niên bị thiếu cân, cùng 75 triệu bé gái và nữ thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 5-19 bị thiếu cân.


[Béo phì cướp sinh mạng của 2,8 triệu người trưởng thành mỗi năm]

Tính theo khu vực, tỷ lệ béo phì gia tăng ở tất cả các khu vực trên thế giới, trong khi gần 2/3 số thiếu cân tập trung ở Nam Á. Nghiên cứu dự báo nếu xu hướng trên tiếp tục, đến năm 2022, số người béo phì ở độ tuổi nói trên sẽ vượt số người bị thiếu cân ở cùng độ tuổi.

Nhằm khắc phục tình trạng trên, WHO đã công bố một bản tóm tắt Kế hoạch Hành động xóa bỏ bệnh béo phì ở trẻ em, trong đó đưa ra những khuyến cáo rõ ràng cho các nước. Những giải pháp hàng đầu theo WHO là khuyến khích ăn các thực phẩm lành mạnh và tích cực tham gia hoạt động thể chất, sau đó chú trọng chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân, sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ và kiểm soát cân nặng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục