Uber kiện Đức, TBN do cấm kết nối hành khách với tài xế tư nhân

Hãng Uber đã nộp đơn kiện Tây Ban Nha và Đức do hai nước này ban hành lệnh cấm UberPOP, loại dịch vụ kết nối giữa hành khách với các tài xế tư nhân thông qua điện thoại di động.
Ảnh minh họa. (Nguồn: techcrunch.com)

Hãng Uber đã nộp đơn kiện Tây Ban Nha và Đức do hai nước này ban hành lệnh cấm UberPOP, loại dịch vụ kết nối giữa hành khách với các tài xế tư nhân thông qua điện thoại di động.

Đây là vụ kiện tiếp theo của Uber - hãng công nghệ cung cấp dịch vụ đi nhờ xe qua ứng dụng trên điện thoại di động và có trụ sở tại bang California (Mỹ) - trong chuỗi cuộc chiến pháp lý mà hãng này tiến hành tại một loạt nước châu Âu.

Ngày 1/4, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết đã nhận được một đơn kiện của Uber chống lại phán quyết của nhà chức trách Đức cấm hãng cung cấp các dịch vụ chưa được cấp phép.

EC xác nhận tổng cộng cơ quan này đã nhận được ba đơn kiện từ Uber, trong đó có hai đơn kiện nhằm vào Pháp và một đơn kiện nhằm vào Đức.

Trong hai đơn khởi kiện Pháp, Uber tố cáo lệnh cấm do Chính phủ Pháp áp đặt đối với Uber thiên vị cho các công ty kinh doanh taxi theo hình thức truyền thống. Một người phát ngôn của Uber cho biết thêm công ty cũng đã có đơn khởi kiện tương tự đối với Tây Ban Nha hôm 30/3.

Uber, công ty công nghệ mới thành lập có giá trị nhất hiện nay trên thế giới với mức định giá lên tới 40 tỷ USD, hiện đối mặt với những thách thức pháp lý tại nhiều nước châu Âu do các tài xế taxi ở đây đang áp dụng mọi biện pháp, gồm biểu tình và khởi kiện, để đẩy Uber ra khỏi thị trường.

Uber bị chỉ trích về cách thức thanh toán tiền cho tài xế, cách thu cước của hành khách và đảm bảo sự an toàn cho hành khách. Đối với các tài xế taxi, họ cho rằng Uber cạnh tranh không bình đẳng vì công ty này lách luật địa phương và không phải nộp phí giấy phép.

Tính đến nay, Uber đang đối mặt với một loạt lệnh cấm của tòa án các nước Bỉ, Pháp, Đức, Hà Lan và Tây Ban Nha.

Ngày 31/3, một tòa án của Pháp đã hoãn ra quyết định về việc liệu có nên cấm dịch vụ UberPOP chưa được cấp phép hay không vì muốn chờ kết quả của vụ kiện do Uber khởi xướng phản đối lệnh cấm của Chính phủ Pháp đối với taxi và xe có lái.

EC cho biết quy định đối với các dịch vụ taxi thuộc thẩm quyền của mỗi nước thành viên, tuy nhiên EC sẽ đánh giá các đơn kiện dựa trên những nguyên tắc của khối.

Người phát ngôn EC khẳng định châu Âu không ngăn cấm những tiện ích do các giải pháp công nghệ mới đem lại, song mọi việc đều cần phải được tiến hành trong khuôn khổ của hệ thống pháp luật hiện hành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục