UNDP kêu gọi hỗ trợ tiền mặt để giải quyết nạn đói tại Afghanistan

UNDP hỗ trợ cho các gia đình có trẻ em, người già hoặc thân nhân bị khuyết tật tại Afghanistan là cách tốt nhất để giải quyết nạn đói đang ngày càng trầm trọng tại quốc gia này.
Người tị nạn Afghanistan tập trung tại cửa khẩu Chaman, Pakistan, sau khi Taliban giành quyền kiểm soát quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 1/12, Liên hợp quốc khẳng định việc triển khai chương trình hỗ trợ tiền mặt trị giá 300 triệu USD/năm cho các gia đình có trẻ em, người già hoặc thân nhân bị khuyết tật tại Afghanistan là cách tốt nhất để giải quyết nạn đói đang ngày càng trầm trọng tại quốc gia này.

Báo cáo của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cảnh báo tình hình kinh tế-xã hội của Afghanistan trong 13 tháng tới là đáng báo động. Trong bối cảnh đó, UNDP kêu gọi hỗ trợ 100 triệu USD để tạo thêm việc làm và 90 triệu USD để giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ tại Afghanistan.

Giám đốc UNDP tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương Kanni Wignaraja nhấn mạnh đây là biện pháp tốt nhất giúp giải quyết tình trạng nghèo đói tại quốc gia Tây Nam Á này.

Tháng 10 vừa qua, UNDP đã thành lập một quỹ tín thác đặc biệt, trong đó có khoảng 50 triệu euro (58 triệu USD) do Đức cam kết đóng góp, nhằm hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người dân Afghanistan. Cho đến nay, quỹ này đã nhận được các cam kết tài trợ lên tới 170 triệu USD.

Cũng trong thời gian này, UNDP đã triển khai chương trình hỗ trợ tiền mặt mang tên ABADEI. Kể từ thời điểm đó, UNDP đã trao được 100.000 USD tiền mặt, tạo thêm việc làm cho 2.300 người tại Mazar, Kunduz và Herat, tiến tới mở rộng chương trình sang những tỉnh khác.

[WB dự định giải ngân quỹ ARTF cho hỗ trợ nhân đạo tại Afghanistan]

Cũng trong báo cáo, UNDP cảnh báo tăng trưởng kinh tế của Afghanistan sẽ khó phục hồi trong tương lai gần, trừ phi nước này dỡ bỏ các hạn chế việc làm đối với phụ nữ, tiếp tục nhận hỗ trợ 250 triệu USD/năm để chống dịch COVID-19 và các nước nới lỏng lệnh trừng phạt để tạo điều kiện cho hỗ trợ nhân đạo.

UNDP ước tính việc hạn chế lao động nữ sẽ khiến nền kinh tế lập tức bị tổn thất từ 600 triệu - 1 tỷ USD, tương đương 3-5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Giám đốc Wignaraja khẳng định Afghanistan cần nắm được thông điệp rằng toàn bộ nam giới và phụ nữ phải được đi làm trở lại, cống hiến hết sức mình không chỉ để giảm nhẹ tác động của khủng hoảng kinh tế mà còn vì tương lai của đất nước.

Sau khi lực lượng Taliban giành quyền lãnh đạo đất nước từ giữa tháng Tám, Afghanistan đã phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng như các khoản viện trợ phát triển bị sụt giảm mạnh, đại dịch COVID-19, hạn hán, khiến nền kinh tế và hệ thống ngân hàng trên bờ vực sụp đổ.

UNDP dự báo đến giữa năm 2022, hơn 90% dân số Afghanistan sẽ rơi vào tình trạng nghèo đói.

Trong khi đó, Chương trình Lương thực Liên hợp quốc ước tính có khoảng 22,8 triệu người tại Afghanistan đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục