Ngày 9/10, Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) bắt đầu bỏ phiếu lựa chọn ứng cử viên duy nhất cho chức Tổng Giám đốc của tổ chức này. Kết quả cuộc bỏ phiếu này sẽ được trình lên Đại Hội đồng UNESCO vào Khóa họp tháng 11/2017.
UNESCO là một tổ chức của Liên hợp quốc có uy tín cao, có đông đảo thành viên và nhiều đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực hoạt động chính của tổ chức này là giáo dục, văn hoá, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, thông tin và truyền thông. Chính vì vậy, việc lựa chọn ra người đứng đầu UNESCO phải trải qua một quá trình rất khắt khe.
Từ khi thành lập cho đến nay, UNESCO đã có 10 Tổng Giám đốc. Nhiệm kỳ Tổng Giám đốc UNESCO hiện nay của bà Irina Bokova, người Bulgaria, sẽ kết thúc vào tháng 11 tới.
[Đại sứ Phạm Sanh Châu tham gia tranh cử Tổng Giám đốc UNESCO]
Trong cuộc bầu cử lần thứ 11 nhằm lựa chọn người đứng đầu tổ chức này trong nhiệm kỳ 4 năm (11/2017-11/2021), đã có 9 ứng cử viên nộp hồ sơ.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam đề cử người tham gia tranh cử chức vụ Tổng Giám đốc UNESCO.
Tại Khóa họp Hội đồng Chấp hành UNESCO 201 (tháng 5/2017), 9 ứng cử viên đã trình bày tầm nhìn UNESCO, chương trình hành động và trả lời phỏng vấn của các nước. Các cuộc phỏng vấn và trả lời phỏng vấn đều được phát trực tuyến trên website của UNESCO.
Trong khuôn khổ Khóa họp Hội đồng Chấp hành UNESCO 202 (từ 4-18/10), 58 quốc gia thành viên sẽ bỏ phiếu kín bầu Tổng Giám đốc UNESCO. Bầu cử sẽ bắt đầu vào cuối ngày họp 9/10, nếu không đạt được đa số quá bán (30/58) các vòng bầu cử sau sẽ diễn ra vào cuối ngày họp tiếp theo.
Tuy nhiên, bầu cử chỉ bỏ phiếu đến vòng thứ 5 để chọn ứng cử viên thắng cuộc. Nếu đến vòng thứ 4 mà chưa có ứng cử viên đạt quá bán thì chỉ 2 ứng cử viên có số phiếu cao nhất sẽ được vào vòng 5 - vòng cuối cùng để chọn một người.
Trong trường hợp tại vòng 5 cả 2 ứng cử viên có cùng số phiếu thì Chủ tịch Hội đồng Chấp hành sẽ bốc thăm chọn ứng cử viên duy nhất. Đại Hội đồng UNESCO sẽ xem xét thông qua ứng cử viên duy nhất được Hội đồng Chấp hành UNESCO giới thiệu vào Khóa họp tháng 11/2017.
Đối với việc ứng cử Tổng Giám đốc UNESCO từ trước đến nay, các quốc gia đều coi trọng vị trí này, coi đây là dịp để đưa công dân của mình vào vị trí lãnh đạo của tổ chức quốc tế, thể hiện năng lực tham gia lãnh đạo các tổ chức quốc tế của đất nước mình, đồng thời qua đó quảng bá hình ảnh đất nước, con người; thể hiện cam kết đóng góp của đất nước họ với UNESCO và quốc tế.
Năm nay, ứng cử viên các nước đến từ nhiều khu vực trên thế giới, gồm Ai Cập, Azerbaijan, Iraq, Liban, Pháp, Qatar, Trung Quốc và Việt Nam tham gia tranh cử.
Sau vòng phỏng vấn, đến cuộc bỏ phiếu này, đã có 2 ứng cử viên của Iraq và Guatemala xin rút.
Các ứng cử viên đều là những người từng giữ những vị trí cao trong chính phủ các nước, từng có hoạt động ở UNESCO, am hiểu về các lĩnh vực chuyên môn của tổ chức này.
Ứng cử viên Trung Quốc Đường Kiền, hiện là Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về giáo dục, có hơn 20 năm giữ các vị trí khác nhau của UNESCO.
Ứng cử viên Ai Cập, bà Moushra Khattab là nguyên Bộ trưởng Bộ Gia đình và dân số.
Ứng cử viên Qatar Hamad bin Al-Kawarri là nguyên Bộ trưởng Văn hóa.
Ứng cử viên nước chủ nhà Pháp, bà Audrey Azoulay, nguyên Bộ trưởng Văn hóa và truyền thông...
Ứng cử viên Phạm Sanh Châu của Việt Nam cũng là người am hiểu và tích lũy nhiều kinh nghiệm hoạt động ở UNESCO, từng đảm nhiệm chức vụ Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO và hiện là đặc phái viên của Thủ tướng về các công việc của UNESCO.
Lịch sử bầu Tổng Giám đốc UNESCO cho thấy đây là một vị trí có tính cạnh tranh cao, luôn có nhiều quốc gia giới thiệu ứng cử viên là công dân nước mình. Vì vậy, cuộc bầu cử rất khó khăn và có thể phải thực hiện nhiều vòng trước khi lựa chọn được một ứng cử viên duy nhất để trình Hội đồng Chấp hành UNESCO xem xét./.