Ghi nhận của phóng viên TTXVN tại Lạng Sơn, từ rạng sáng 7/9, trên địa bàn tỉnh đã có mưa kèm theo gió giật mạnh.
Để chủ động ứng phó với "siêu bão Yagi" (bão số 3), chính quyền, cơ quan chức năng địa phương đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa nguy cơ nguy hiểm do mưa lũ, sạt lở đất, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Học sinh các cấp nghỉ học
Nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn đã có thông báo gửi các cơ sở giáo dục trong tỉnh cho học sinh nghỉ học từ sáng 7/9 cho đến khi có thông báo mới.
Các trường học trên địa bàn rà soát cơ sở vật chất, chuẩn bị nhân lực, vật lực, phương tiện, trang thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ, hậu cần tại chỗ); di dời máy móc, thiết bị dạy học, sách vở, tài liệu, hồ sơ... đến nơi an toàn.
Đồng thời, thông tin kịp thời diễn biến của bão cho phụ huynh chủ động phương án phòng ngừa nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; bố trí cán bộ trực 24/24 giờ, sẵn sàng ứng phó với các tình huống, sự cố bất thường xảy ra.
Kiểm soát các điểm xung yếu
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, qua rà soát, hầu hết các hồ chứa, đập dâng trên địa bàn vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, sau mùa mưa, lũ năm 2023, một số hồ chứa trong quá trình tích nước cao đã xuất hiện hiện tượng thấm qua thân đập, mái thượng, hạ lưu như: Bản Nùng, Pò Khoang, Bản Luồng (huyện Lộc Bình); Khum Toòng, Khuổi Cắm, Trục Hồ (huyện Cao Lộc); Thâm Luông (huyện Tràng Định); Khuổi In, Khuổi Liều, Khe Đín (huyện Đình Lập), Rọ Hoạt, Rọ Bây (huyện Bình Gia).
Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các huyện không cho hoặc hạn chế tích nước đối với các hồ này và chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra, cử cán bộ theo dõi 24/24 giờ diễn biến mực nước để kịp thời hạ thấp và duy trì mực nước hồ ở mức an toàn.
Hiện một số đập dâng Nà Rào, Bản Phường, Khuổi Tao (huyện Cao Lộc); Nà Vang, Nà Dảo, Khe Luồng (huyện Đình Lập); Lọ Hin (huyện Văn Quan); Phai Hẻo, Nà Hin (huyện Lộc Bình); hệ thống đập dâng Hội Hoan, Còn Ngòa, Na Sầm (huyện Văn Lãng)... được xây bằng đá đã xuống cấp, có hiện tượng nước thấm qua thân đập, rò rỉ qua móng đập... Đơn vị quản lý khai thác đã có phương án sửa chữa, nâng cấp để đảm bảo an toàn.
Sẵn sàng trong mọi tình huống
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lạng Sơn, dự báo, do tác động của bão số 3, từ ngày 7/9 trên địa bàn tỉnh có gió mạnh cấp 5, cấp 6, sau tăng cấp 7, giật cấp 9 (thời điểm gió mạnh nhất dự báo vào khoảng trưa đến tối 7/9).
Từ ngày 7/9 đến sáng 9/9, các nơi trong tỉnh có khả năng mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến 150-300mm/đợt, có nơi trên 400mm, gây nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập úng...
Để chủ động mọi tình huống, diễn biến bất thường của bão có thể gây ra, ngay sau khi họp tổ chức cuộc nhanh theo hình thức trực tuyến 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) để triển khai khẩn cấp các biện pháp ứng phó với bão, giao nhiệm vụ, chỉ đạo các địa phương dồn sức chống bão và mưa lũ, trong các ngày 6 và 7/9, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn, các Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cùng đại diện sở, ngành đã chia thành 4 đoàn công tác xuống tất cả các địa phương kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống bão và mưa lũ.
Đoàn công tác của tỉnh đi kiểm tra một số khu vực có nguy cơ cao ngập úng, sạt lở, ngầm tràn, khu vực ven sông, suối, hồ, đập, công trình trọng điểm đang thi công...
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu yêu cầu, các sở, ban, ngành, cơ quan đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bão trên tinh thần phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn cho nhân dân.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” và theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; không để bị động, bất ngờ.
Các địa phương tổ chức các đoàn công tác xuống cơ sở để chỉ đạo, triển khai ứng phó với bão, đặc biệt là hoàn lưu sau bão gây mưa lớn, lũ, lụt, sạt lở… Các cấp, ngành, địa phương thực hiện nghiêm công tác trực trước, trong và sau bão; chủ động sẵn sàng các phương tiện, trang thiết bị, nhân lực kịp thời hỗ trợ người dân.
Các địa phương, cơ quan, đơn vị rà soát, xem xét mực nước các hồ đập để có phương án xử lý, đảm bảo an toàn; kiểm tra các vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét để kịp thời di dời người dân đến nơi an toàn; bảo đảm giao thông trên các tuyến đường, hướng dẫn, hỗ trợ cho người và phương tiện qua các ngầm tràn, khu vực bị ngập.
Đặc biệt, các địa phương chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm để ứng cứu kịp thời cho người dân trong trường hợp mưa lớn gây ngập lụt, chia cắt. Chính quyền các cấp nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con chủ động ứng phó với bão, hạn chế thấp nhất thiệt hại./.