Bão số 5 (có tên quốc tế CONSON) được nhận định là cơn bão mạnh, diễn biến phức tạp gây mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất tại nhiều khu vực được dự báo là bão đổ bộ gồm Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Đặc biệt, bão xuất hiện khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khu vực dự kiến đổ bộ có 2.031 F0 thuộc 3 tỉnh, thành phố là Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Mặc dù bão cập bờ đã suy yếu thành thành áp thấp nhiệt đới song vẫn gây mưa lớn đối với khu vực miền Trung.
Song nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời của các bộ, ngành, địa phương nên đã giảm thiểu được thiệt hại.
Quyết liệt trong chỉ đạo
Ngay từ khi bão hình thành (chiều 6/9), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Văn phòng thường trực đã có công điện (số 10/CĐ-TW ngày 7/9/2021) và các văn bản chỉ đạo ứng phó với bão và mưa lũ.
[Bão số 5 khiến hơn 400.000 khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng]
Ban Chỉ đạo đã có các văn bản gửi các địa phương hướng dẫn công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình huống thiên tai và tăng cường đảm bảo an toàn tàu thuyền đối với cơn bão số 5; văn bản số 92/TWPCTT gửi Bộ Y tế đề nghị hướng dẫn các địa phương phòng, chống dịch COVID-19 trong tình huống thiên tai.
Để đảm bảo mục tiêu kép đó là vừa đảm bảo an toàn trong bão, đồng thời an toàn, không làm lây lan dịch COVID-19, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp và người dân chủ động nắm bắt sâu sát diễn biến của bão, dịch COVID-19; xây dựng các kịch bản ứng phó, tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ ban hành các công điện kịp thời, triển khai linh hoạt, cụ thể nên đã giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại do bão số 5.
Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài trực tiếp, thường xuyên gọi điện trao đổi với lãnh đạo các địa phương chịu ảnh hưởng bởi bão số và hoàn lưu sau bão về công tác phối hợp, điều hành ứng phó.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã tổ chức hai cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương trọng điểm từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi để chỉ đạo công tác ứng phó với bão; có văn bản số 94/TWPCTT ngày 11/9 gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị chỉ đạo các nhà mạng nhắn tin đến các thuê bao trong khu vực trong khu vực bị ảnh hưởng của bão và mưa lũ.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các nhà mạng nhắn tin đến 5,8 triệu thuê bao, 2,9 triệu tin nhắn Zalo từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi, thông báo về diễn biến bão, mưa lớn và hướng dẫn biện pháp ứng phó.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn) theo sát diễn biến bão, tham khảo mô hình dự báo tại các nước, tổ chức các cuộc họp để ban hành những bản tin dự báo, cảnh báo kịp thời, sát thực tế, chính xác phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành của các cơ quan chức năng.
Các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm việc triển khai các phương án ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới; theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ; đôn đốc, kiểm tra, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ huy; kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền; bảo đảm an toàn công trình đang thi công; chuẩn bị sẵn sàng phương án di dân trong bối cảnh dịch COVID-19. Cụ thể đã kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn đảm bảo an toàn trên biển cho toàn bộ 71.500 tàu thuyền/349.088 người; kịp thời cứu nạn 18 người/2 phương tiện bị chìm.
Bên cạnh đó, các địa phương đã lên kế hoạch sơ tán tại chỗ, đảm bảo an toàn thiên tai và dịch COVID-19 với 11.057 hộ/32.529 người, tiêu biểu như tỉnh Quảng Ngãi đã tiến hành sơ tán dân sát tình hình thực tế (215 hộ/766 người); dừng thi công các công trình (tránh xảy ra sự cố như thủy điện Rào Trăng 3), trong đó có 27 Dự án điện gió ở Quảng Bình, Quảng Trị; đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập, lưới điện.
Thiệt hại được giảm thiểu
Theo số liệu của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và thông tin từ phóng viên TTXVN tại các địa phương, tính đến 17 giờ ngày 12/9, bão số 5 và hoàn lưu sau bão đã làm một người ( ở tỉnh Kom Tum) chết trên đường đi làm về bị nước cuốn trôi); 5 phương tiện của Quảng Ngãi bị chìm; 2 tàu mắc cạn tại khu vực Thanh Khê-Đà Nẵng; 2.734ha lúa, hoa màu bị ngập, hư hại; 59 nhà tốc mái, hư hại.
Tại huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum), khu vực cầu tràn Năng Nhỏ 1, đoạn qua Tỉnh lộ 678 (xã Đăk Sao) đến sáng 12/9, tuy nước lũ đã rút nhưng cầu bị sụt lún một phần. Nước lũ làm sập đầu cầu phía Năng Nhỏ 2 khiến các phương tiện không thể lưu thông. Ngầm tràn Ba Ham-Long Tun 2 (xã Đăk Na) đã bị sạt lở, ngầm Đất Tỏ (thôn Đăk Rê 2) bị sạt lở một nửa đường.
Tại xã Đăk Hà, các tuyến đường đi 4 xã phía Tây đã bị sạt lở, nhiều đoạn đường bêtông bị nước lũ làm sói mòn, tạo thành hầm ếch.
Ngoài ra, công trình Thủy lợi Măng Tá được Sở Nông nghiệp và Nông thôn tỉnh Kon Tum khắc phục, sửa chữa do cơn bão số 9 gây ra vào năm 2020, hiện đã ngập toàn bộ đầu mối, khả năng cao bị đất đá vùi lấp cửa lấy nước.
Từ ngày 11/9, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có mưa lớn, kết hợp với gió to đã làm hơn 20 ngôi nhà của người dân trên địa bàn huyện Phong Điền bị tốc mái. Chính quyền địa phương nhanh chóng huy động lực lượng tại chỗ để hỗ trợ người dân khắc phục lập lại mái để có nơi tránh trú an toàn…
Đến chiều 12/9, còn 36 người ở huyện Nam Đông đi làm trong rừng chưa về nhà từ trước bão số 5, trong đó có 23 người chưa liên lạc được. Chính quyền địa phương và gia đình đang khẩn trương tìm cách liên lạc với những người dân này.
Chủ động ứng phó với hoàn lưu sau bão trong điều kiện dịch bệnh
Để tiếp tục ứng phó với áp thấp nhiệt đới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng theo dõi sát diễn biến mưa lũ sau bão, thông báo kịp thời đến người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh; kiểm tra, đánh giá thiệt hại, tập trung sửa chữa nhà ở bị hư hỏng, sớm ổn định sinh hoạt của người dân; san gạt, sửa chữa đảm bảo giao thông và khắc phục kịp thời hậu quả do bão, mưa lũ gây ra.
Các địa phương theo dõi chặt chẽ lưu lượng đến các hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước để chủ động vận hành điều tiết và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn công trình và hạ du; kiểm tra, phát hiện và khắc phục kịp thời hư hỏng công trình đê điều, nhất là các trọng điểm xung yếu, đang thi công dở dang; rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng thấp trũng; sẵn sàng triển khai phương án di dời dân đảm bảo an toàn về người, tài sản và an toàn trong công tác phòng dịch COVID-19; sẵn sàng triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm tràn, khu vực nguy cơ ngập sâu; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông trên các trục chính.
Đồng thời, các địa phương duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có yêu cầu; tổ chức trực ban phòng chống thiên tai 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra./.