Ứng viên tổng thống Hàn Quốc phản đối xung đột vũ trang với Triều Tiên

Các ứng cử viên hàng đầu cho chức vụ tổng thống Hàn Quốc đều lên tiếng phản đối xung đột vũ trang trên Bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang
Ứng viên tổng thống Hàn Quốc phản đối xung đột vũ trang với Triều Tiên ảnh 1Ứng cử viên Moon Jae-in, ứng cử viên Ahn Cheol-soo và ứng cử viên Sim Sang Jeung tại phiên họp ở Seoul. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hãng thông tấn Yonhap ngày 13/4 đưa tin các ứng cử viên hàng đầu cho chức vụ tổng thống Hàn Quốc đều lên tiếng phản đối xung đột vũ trang trên Bán đảo Triều Tiên, trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang liên quan đến khả năng Mỹ có thể phát động tấn công Triều Tiên.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, trong cuộc tranh luận đầu tiên trên truyền hình, 5 ứng cử viên này cho biết cách thức xử lý của họ trong trường hợp Triều Tiên tiến hành hành động khiêu khích lớn, như thử hạt nhân và bị Mỹ đe dọa tấn công đáp trả.

Ứng cử viên hàng đầu Moon Jae-in thuộc đảng Dân chủ theo đường lối tự do tuyên bố đầu tiên ông sẽ gọi điện cho Tổng thống Mỹ Donald Trump để nói rõ rằng ông Trump không được thực hiện đòn phủ đầu mà không có sự đồng ý của Hàn Quốc, sau đó sẽ ra lệnh áp đặt tình trạng khẩn cấp và thông qua nhiều kênh hối thúc Bình Nhưỡng ngừng tất cả các hành động khiêu khích có thể khơi mào cho cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ.

["Mỹ sẽ không phớt lờ Hàn Quốc khi đối phó với Triều Tiên"]

Ông Ahn Cheol-soo​ của đảng Nhân dân theo đường lối trung tả cho biết đầu tiên ông sẽ gọi điện cho các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc, đề nghị Tổng thống Mỹ Donal Trump không được để xảy ra chiến tranh và đề nghị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gây sức ép để Bình Nhưỡng ngừng các hành vi khiêu khích nguy hiểm. Sau đó, ông sẽ ra một tuyên bố kêu gọi Triều Tiên ngừng ngay các hành động của mình.

Ứng cử viên Hong Joon-pyo​ của đảng Hàn Quốc Tự do theo đường lối bảo thủ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn đòn phủ đầu thông qua đối thoại với Washington và Bắc Kinh. Tuy nhiên, nếu Mỹ vẫn tấn công Triều Tiên thì ông sẽ đặt các lực lượng vũ trang Hàn Quốc vào tình trạng cảnh giác khẩn cấp và chuẩn bị chiến đấu.

Trong khi đó, ứng cử viên Yoo Seong-min​ của đảng Bareun theo đường lối bảo thủ nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp chặt chẽ với Mỹ nhằm đảm bảo rằng việc tấn công Triều Tiên được thực hiện bằng sự đồng thuận thông qua sự chuẩn bị quân sự kỹ càng, còn ứng cử viên Sim Sang-jeung của đảng Công lý theo đường lối cấp tiến tuyên bố sẽ ra một bài phát biểu đặc biệt rồi điện đàm với lãnh đạo của Mỹ và Trung Quốc, nếu cần thiết sẽ cử đặc phái viên nêu vấn đề duy trì nguyên tắc giữ gìn hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Trong diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se​ cùng ngày 13/4 cho rằng Mỹ sẽ tham vấn Hàn Quốc trước khi áp dụng bất kỳ biện pháp mạnh mẽ nào, kể cả việc tấn công phủ đầu, nhằm vào Triều Tiên để đối phó với các hành động khiêu khích mà Bình Nhưỡng có thể thực hiện.

Ông Yun được dẫn lời phát biểu trong một báo cáo đặc biệt tại Ủy ban đối ngoại Quốc hội rằng trên thực tế, Mỹ đang nỗ lực để đảm bảo với Hàn Quốc rằng Washington sẽ không tấn công phủ đầu Triều Tiên mà trước đó không tham vấn Seoul. Tuy nhiên, ông Yun từ chối đưa ra nhận định về khả năng Mỹ sẽ tấn công phủ đầu Triều Tiên.

Lời phát biểu trên của ông Yun được đưa ra trong bối cảnh nhiều thành viên của ủy ban trên bày tỏ quan ngại rằng Mỹ có thể sẽ bỏ qua Hàn Quốc và trực tiếp tấn công Triều Tiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.