Tối 5/7, hai ứng cử tổng thống Indonesia là Prabowo Subianto và Joko Widodo đã tiến hành cuộc tranh luận trực tiếp, công khai trên truyền hình lần cuối cùng theo kế hoạch của Ủy ban Bầu cử Quốc gia (KPU).
Cuộc tranh luận đánh dấu sự kết thúc khoảng thời gian 30 ngày diễn ra chiến dịch vận động tranh cử theo quy định của KPU.
Cuộc tranh luận lần thứ năm này - diễn ra dưới sự điều khiển của Hiệu trưởng trường đại học Diponegoro Sudharto Prawata Hadi, một chuyên gia hàng đầu về môi trường của Indonesia, tập trung chủ yếu vào các chủ đề chính là thực phẩm, năng lượng và môi trường. Theo đó, mỗi ứng viên sẽ trình bày quan điểm, tầm nhìn, kế hoạch hành động của mình trong các lĩnh vực nói trên, trong đó nêu rõ các thách thức và biện pháp giải quyết.
Ứng cử viên Subianto đã cam kết đảm bảo khả năng tự cung, trụ vững và đa dạng hóa nguồn cung lương thực; cải thiện sự tiếp cận của người dân đối với thực phẩm có chất lượng; tăng năng suất, sản lượng và cắt giảm nhập khẩu thực phẩm; tiết kiệm và đa dạng hóa nguồn cung năng lượng; phát triển bền vững, cải thiện chất lượng nguồn nước, không khí và đất đai.
Để thực hiện các mục tiêu trên, ông Subianto sẽ tăng cường hiệu quả diện tích đất canh tác hiện có và mở rộng thêm 2 triệu ha đất trồng trọt, sử dụng các loại phân bón đặc chủng cho từng loại cây trồng; đẩy mạnh khai thác và nâng cao sản lượng dầu khí; chú trọng giáo dục và nâng cao nhận thức trong xã hội về sự cần thiết cân bằng giữa tăng trưởng và bảo vệ môi trường; cắt giảm và kiểm soát gia tăng dân số cũng như sự xuống cấp của môi trường; xây dựng chương trình phát triển bền vững cho các mục tiêu thiên niên kỷ sau giai đoạn sau 2015.
Trong khi đó, ứng cử viên đối thủ Widodo khẳng định sẽ nâng cao năng suất thực phẩm thông qua sử dụng giống, phân bón có chất lượng tốt, cải thiện hệ thống tưới tiêu, mở rộng diện tích trồng trọt thêm 1 triệu ha, tái trồng 2 triệu ha rừng mỗi năm; cải thiện hệ thống giao thông công cộng, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo; cải thiện đời sống nông dân và khuyến khích nông dân trồng các loại cây trên cơ sở nhu cầu của thị trường; phát triển ngành công nghiệp giá trị gia tăng; phát triển cơ sở hạ tầng ngành khí tự nhiên trong ba năm để tăng cường sử dụng khí đốt thay thế cho dầu mỏ.
Phát biểu kết thúc cuộc tranh luận, ông Widodo hứa sẽ đem "một sự đổi mới và mang tính đột phá" trong bộ máy hành chính nhà nước, tránh tình trạng lợi ích nhóm và đảm bảo lợi ích của toàn dân và đất nước. Về phần mình, ông Subianto đã bày tỏ mong muốn "xây dựng một nền dân chủ mạnh mẽ" và phát triển Indonesia như “một quốc gia sản xuất."
Dự kiến cuộc bầu cử tổng thống Indonesia diễn ra vào ngày 9/7./.