Theo phóng viên TTXVN tại New York, ngày 13/9, người phát ngôn của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Andrej Mahecic cho biết cơ quan này lấy làm tiếc đối với phán quyết của Tòa án tối cao Mỹ về việc hạn chế các đơn xin tị nạn.
Phát ngôn viên của UNHCR nhấn mạnh: “Chúng tôi rất tiếc về tác động mà việc thực hiện phán quyết sẽ gây ra đối với những người xin tị nạn. Chúng tôi lưu ý rằng bất kỳ người nào chạy trốn khỏi bạo lực hoặc sự đàn áp có thể tiếp cận các thủ tục tị nạn đầy đủ, hiệu quả và được quốc tế bảo vệ.”
Theo người phát ngôn này, phán quyết của Tòa án tối cao Mỹ hạn chế các đơn xin tị nạn tại biên giới Mexico có thể làm tổn thương những người buộc phải di dời khỏi bạo lực và đàn áp, những người có quyền được bảo vệ.
[Tòa án Tối cao Mỹ ủng hộ chính quyền siết chặt quy chế tị nạn]
Ông Andrej Mahecic cho rằng sẽ còn quá sớm để suy đoán rằng phán quyết của tòa án Mỹ và chính sách của chính quyền Donald Trump có vi phạm Công ước về người tị nạn năm 1951 mà Mỹ đã phê chuẩn hay không.
Chính phủ Mexico hôm 12/9 đã lên tiếng phản đối, trong khi những người di cư đến từ Trung Mỹ lo sợ họ bị trục xuất trở về quê hương đang xảy ra bạo lực sau khi Tòa án Tối cao Mỹ cho phép Tổng thống Donald Trump siết chặt cánh cửa đối với những người xin tị nạn ở biên giới Mỹ-Mexico.
Theo phát ngôn viên của Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) Joel Millman, hiện có hơn 36.500 người di cư và người xin tị nạn đang tập trung tại biên giới Mỹ-Mexico. Tuy nhiên, không rõ có bao nhiêu người trong số đó có đơn xin tị nạn chính thức vào Mỹ.
Ngày 11/9, Tòa án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết cho phép thực thi các biện pháp hạn chế xin tị nạn của chính quyền Donald Trump, qua đó ngăn chặn phần lớn người di cư từ các nước Trung Mỹ có cơ hội xin quy chế này tại biên giới giữa Mỹ và Mexico.
Theo Tòa án Tối cao Mỹ, những biện pháp siết chặt của chính quyền Mỹ có thể có hiệu lực do vẫn tiếp diễn tiến trình kiện tụng để chứng minh tính hợp pháp của quy định này. /.