UNICEF cảnh báo thực trạng bất bình đẳng về giáo dục ở nước giàu

Theo báo cáo mới nhất của UNICEF, những quốc gia giàu có về kinh tế không có nghĩa là tất cả trẻ em ở các nước này được hưởng nền giáo dục bình đẳng.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: unicef.org)

Theo báo cáo mới nhất của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố ngày 29/10, những quốc gia giàu có về kinh tế không có nghĩa là tất cả trẻ em ở các nước này được hưởng nền giáo dục bình đẳng.

Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc cho biết báo cáo trên sử dụng dữ liệu nghiên cứu từ 41 nước thuộc cả Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) để đánh giá tình hình trẻ em được tiếp cận với giáo dục chất lượng cao và so sánh kết quả học tập của các em từ cấp mầm non đến tiểu học.

Theo báo cáo, những nước thuộc diện nghèo nhất trong 41 nước được nghiên cứu trên, như Latvia và Lithuania lại có số trẻ em được đến trường mầm non cao hơn so với ở những nước giàu hơn và khả năng đọc hiểu của các em cũng đồng đều hơn các bạn ở độ tuổi tương tự ở những nước giàu hơn.

[UNICEF: Tỷ lệ thất học của trẻ em Nam Sudan cao nhất thế giới]

Giám đốc trung tâm nghiên cứu của UNICEF, tiến sỹ Priscilla cho rằng giáo dục ở nhiều nước hiện nay bao gồm cả hai thái cực, có thể vừa đạt chuẩn xuất sắc về chất lượng nhưng cũng đồng thời có tình trạng khá bất bình đẳng trong giáo dục. Bà khuyến nghị rằng các nước giàu có phải nỗ lực hơn nữa để đảm bảo trẻ em ở những gia đình không có điều kiện kinh tế vẫn được tiếp cận với những tiêu chuẩn giáo dục tốt chứ không phải đứng ngoài lề như hiện nay.

Theo báo cáo, những gia đình nghèo nhất có tỷ lệ cho con đi học mầm non thấp hơn và con em của những gia đình nhập cư vất vả trong học tập hơn so với con em của những gia đình bản địa. Báo cáo cũng đề xuất điều chỉnh các chương trình học mẫu giáo, mầm non, hỗ trợ hơn nữa cho những gia đình thu nhập thấp để giảm bớt khoảng cách về mặt kinh tế và xã hội cũng như cần có nghiên cứu sâu hơn để nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục cũng như nâng cao kết quả học tập của trẻ em.

Nghiên cứu này là nhằm mục tiêu đảm bảo đến năm 2030 tất cả trẻ em có thể hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học và trung học cơ sở hoàn toàn miễn phí, bình đẳng. Đây chính là một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững mà Liên hợp quốc đã đề ra từ năm 2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục