Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Henrietta Fore kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kéo dài lệnh ngừng bắn để tạo điều kiện cho chiến dịch tiêm chủng ngừa bệnh COVID-19.
Phát biểu ngày 17/2 tại phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an về "đảm bảo tiếp cận công bằng với vắcxin ngừa COVID-19 trong bối cảnh xung đột và mất an ninh," bà Fore khẳng định: "Chúng ta cần một thỏa thuận ngừng bắn toàn cầu. Tối thiểu, chúng ta cần sự giúp đỡ của Hội đồng Bảo an để kéo dài lời kêu gọi trong Nghị quyết 2532 về ngừng bắn nhân đạo để phân phối vắcxin và tiêm phòng dịch COVID-19."
Nghị quyết 2532, thông qua tháng 7/2020, kêu gọi tất cả các bên xung đột vũ trang trên toàn thế giới lập tức cam kết tuân thủ một lệnh ngừng bắn nhân đạo kéo dài ít nhất 90 ngày liên tiếp nhằm tạo điều kiện cho hoạt động phân phối hàng viện trợ nhân đạo một cách an toàn, liên tục và không bị cản trở, cũng như việc sơ tán y tế.
[UNICEF gây quỹ 2,5 tỷ USD cứu trợ trẻ em các nước Trung Đông-Bắc Phi]
Bà Fore khẳng định cách duy nhất trong đại dịch này là đảm bảo rằng mọi người dân đều được tiêm chủng vắcxin và "nỗ lực lịch sử này cần tính tới hàng triệu người đang sống tại vùng xung đột và bất ổn."
Bà Fore kêu gọi Hội đồng Bảo an cùng với UNICEF lên tiếng kêu gọi tất cả các nước thành viên đảm bảo rằng mọi người dân đều được tiêm phòng dù quy chế pháp lý của họ là gì hay họ đang sống tại những nơi do các thực thể phi nhà nước kiểm soát.
Bà cũng đề nghị Hội đồng Bảo an giúp UNICEF tái khởi động các chương trình miễn dịch cộng đồng đang bị đình trệ để phòng các bệnh khác như bại liệt, sởi và bạch hầu.
UNICEF đặt mục tiêu có 2 tỷ liều vắcxin ngừa COVID-19 vào cuối năm 2021. Hằng năm, UNICEF thường hỗ trợ tiêm 2 tỷ liều vắcxin phòng các bệnh khác tại 100 quốc gia.
Trước đó, ngày 16/2, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab (nước đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng này) cho biết Anh sẽ kêu gọi Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết thúc đẩy các lệnh ngừng bắn tạm thời tại những khu vực xung đột như Yemen, Nam Sudan, Somalia và Ethiopia nhằm tạo điều kiện cho việc thực hiện các chương trình tiêm chủng.
Ông Raab nêu rõ: "Chúng ta có nghĩa vụ đạo đức để hành động và sự cấp thiết chiến lược để cùng nhau đánh bại virus SARS-CoV-2."
Ngoại trưởng Raab cũng cho biết sẽ hối thúc các thành viên Liên hợp quốc chung sức hỗ trợ việc tiếp cận công bằng các loại vắcxin ngừa COVID-19 trên toàn cầu, cảnh báo những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 sẽ bùng phát tại những khu vực mà người dân chưa được chủng ngừa./.