Vắcxin phòng sốt xuất huyết có thể liên quan đến 3 trường hợp tử vong

Theo kết luận điều tra theo yêu cầu của Chính phủ Philippines, vắcxin phòng chống sốt xuất huyết Dengvaxia có thể liên quan đến 3 trẻ em tử vong ở nước này, nên chưa thể sử dụng đại trà.
Vắcxin phòng sốt xuất huyết có thể liên quan đến 3 trường hợp tử vong ảnh 1Tiêm vắcxin phòng bệnh sốt xuất huyết cho học sinh trường tiểu học Parang ở Marikina, phía tây Manila ngày 4/4. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo một kết luận điều tra theo yêu cầu của Chính phủ Philippines, vắcxin phòng chống sốt xuất huyết Dengvaxia có thể có liên quan đến ba trường hợp tử vong ở nước này, vì vậy, vẫn chưa thể sử dụng đại trà.

Phát biểu với báo giới ngày 2/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Philippines Enrique Domingo khẳng định ba trường hợp tử vong có liên quan đến vắcxin Dengvaxia.

Cả ba trẻ em này đều tử vong do sốt xuất huyết ngay cả khi đã được tiêm vắcxin phòng chống.

Theo ông Domingo, kết luận điều tra càng củng cố quyết định của Bộ Y tế đình chỉ lưu hành vắcxin Dengvaxia, vốn ko phát huy tác dụng ở một số trẻ.

Vắcxin Dengvaxia chưa thể đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng và Philippines cần từ 3-5 năm để theo dõi liệu có tác dụng phụ trong loại vắcxin này hay không.

Thứ trưởng Bộ Y tế Philippines cho biết kết luận trên sẽ được chuyển sang Bộ Tư pháp.

Trong khi đó, Đại học Philippines-Bệnh viện đa khoa Philippines (UP-PGH) cho rằng nhóm nghiên cứu của bệnh viện đang đề nghị tiến hành điều tra thêm do rất khó để xác định liệu có đúng vắcxin Dengvaxia liên quan trực tiếp đến 3 trường hợp tử vong hay không.

[Philippines điều tra nghi vấn vắcxin Dengvaxia làm 14 người chết]

Theo UP-PGH, không có vắcxin nào có tỷ lệ thành công 100%, trong khi tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết ở nước này cao hơn 60 lần so với tỷ lệ toàn cầu.

Ngay sau tuyên bố của UP-PGH, hãng dược Sanofi cho rằng kết luận của UP-PGH xác nhận hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy có mối liên hệ trực tiếp giữa vắcxin Dengvaxia với bất kỳ 14 trường hợp tử vong.

Theo Sanofi, các cuộc thử nghiệm vắcxin Dengvaxia đã được tiến hành hơn một thập kỷ qua và hơn một triệu liều vắcxin đã được phân phối. Đến nay, công ty dược phẩm này vẫn chưa nhận được thông báo nào về các trường hợp tử vong liên quan đến vắcxin này.

Hãng Sanofi từng đánh giá vắcxin Dengvaxia đóng vai trò "quyết định" phòng chống sốt xuất huyết. Tuy nhiên, ngày 29/11/2017, Sanofi đã cảnh báo nguy cơ từ vắcxin Dengvaxia.

Theo đó, vắcxin chống sốt xuất huyết đầu tiên này có tác dụng phòng bệnh hiệu quả đối với những người từng nhiễm virus, nhưng đối với những người chưa từng nhiễm virus, việc tiêm vắcxin có thể khiến bệnh diễn biến xấu hơn trong một số trường hợp.

Thông tin trên đã khiến người dân Philippines quan ngại, khi có tới hơn 800.000 trẻ trong độ tuổi đi học đã được tiêm vắcxin Dengvaxia hồi năm 2016.

Ngày 1/12/2017, Bộ Y tế Philippines đã quyết định đình chỉ chương trình tiêm vắcxin này tại các trường công. Phía Sanofi khẳng định vắcxin Dengvaxia vẫn an toàn cho những người từng mắc bệnh sốt xuất huyết và kêu gọi Chính phủ Philippines không đình chỉ việc sử dụng loại vắcxin này.

Tuy nhiên, một số phụ huynh cáo buộc loại vắcxin này đã làm con họ tử vong.

Sau đó, Chính phủ Philippines đã thành lập một nhóm chuyên gia gồm 10 người để kiểm tra liệu vắcxin Dengvaxia có liên quan trực tiếp đến việc 14 trẻ em nước này tử vong sau khi tiêm vắcxin hay không.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết sốt xuất huyết, một bệnh do muỗi truyền, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em tại một số nước châu Á và Mỹ Latinh.

Theo thống kê của Chính phủ Philippines, chỉ riêng trong năm 2017, nước này đã ghi nhận hơn 1.000 người tử vong do sốt xuất huyết.

Philippines chi 3,4 tỷ pesos (khoảng 68 triệu USD) cho chương trình tiêm vắcxin Dengvaxia nhằm giảm thiểu 200.000 ca sốt xuất huyết mỗi năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục