Tờ Bangkok Post dẫn lời Vụ trưởng Vụ Kinh tế Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Thái Lan Cherdchai Chaivaivid cho biết, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương năm 2022 sẽ không chỉ là diễn đàn cho đầu tư thương mại và cơ hội thị trường, mà còn mở rộng vai trò của Thái Lan.
Thái Lan đã tiếp nhận cương vị Chủ tịch APEC từ New Zealand và công bố chủ đề của Năm APEC 2022 là "Rộng mở-Kết nối-Cân bằng" trong một buổi lễ diễn ra dưới hình thức trực tuyến hôm 12/11.
Phát biểu sau lễ công bố biểu trưng của Năm APEC 2022 mới đây, ông Cherdchai nói rằng Thái Lan sẽ thúc đẩy ý tưởng rằng APEC "rộng mở" cho tất cả các cơ hội, "kết nối" trong tất cả các chiều và "cân bằng" trong mọi khía cạnh.
Theo ông Cherdchai, kể từ khi APEC hình thành năm 1989, ý tưởng biến "chiến trường thành thương trường" vẫn còn phù hợp. Nhiều thay đổi đã diễn ra trên thế giới, trong đó có việc chuyển từ thương mại song phương sang các hiệp định đa phương.
Khi Thái Lan đăng cai APEC năm 2003, Chính phủ đã tự tin về triển vọng kinh tế khi đất nước đã phục hồi sau cuộc khủng hoảng năm 1997 (theo Ngân hàng Trung ương Thái Lan, kinh tế nước này tăng trưởng 6,7% năm 2003). Hơn nữa, Thái Lan đã trả xong nợ cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và có rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết.
[Thái Lan chính thức đảm nhận cương vị Chủ tịch APEC 2022]
Ông Cherdchai nhận xét khi Thái Lan giữ cương vị Chủ tịch APEC 2003, nước này đã không đưa ra thảo luận nhiều về FTA. Tuy nhiên, vấn đề về FTA luôn được đặt ra kể từ khi APEC được thành lập. Vì vậy, các cuộc thảo luận về kết nối đa phương trong đầu tư thương mại chưa bao giờ rời xa những mối quan tâm của APEC.
Trước những ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 gây ra, APEC lần này sẽ không giống như các lần trước vì phải xem xét thêm nhiều vấn đề khác. Ngày nay, đột phát kỹ thuật số và biến đổi khí hậu cũng đang là tâm điểm chú ý của thế giới. Ngoài ra, ý tưởng về tính bền vững, đổi mới và phát triển số hóa cũng là những chủ đề nóng.
Ông Cherdchai giải thích chi tiết chủ đề của Hội nghị Cấp cao APEC 2002. Đối với "Rộng mở," khái niệm đó sẽ là về tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư. Các FTA sẽ được thảo luận tại Hội nghị Cấp cao.
Ý tưởng về một FTA ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hay còn gọi là FTAAP, đã có từ năm 2010. Tuy nhiên, khái niệm này đã thay đổi nhiều trong 10 năm qua. Nhìn vào thời điểm hiện tại, các hiệp định như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã nâng cao các tiêu chuẩn so với một thập niên trước.
Do đó, Thái Lan muốn sử dụng vai trò lãnh đạo của mình để xúc tiến các cuộc thảo luận về FTA và cách định hình lại FTA sau giai đoạn này khi mà tất cả đều đã được tiêm chủng ngừa COVID-19.
Hơn nữa, đàm phán về FTAAP ngày nay sẽ mang tính bao trùm hơn vì sẽ liên quan đến những người bị gạt ra bên lề, nông dân và chủ doanh nghiệp phải gánh chịu hậu quả trong đại dịch COVID-19.
"Kết nối" sẽ liên quan đến sự phục hồi, đi lại và du lịch cũng như cách giúp những người ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đi lại dễ dàng hơn, kể cả trong kỷ nguyên COVID-19. Những đề xuất tích hợp chứng chỉ COVID-19 sẽ được đưa vào chương trình nghị sự.
Cuối cùng, ý tưởng "Cân bằng" là về cách quan tâm đến môi trường. Ông Cherdchai cho biết, chìa khóa của khái niệm "cân bằng" là "trách nhiệm," và đó sẽ là từ khóa mà ông muốn Thái Lan thúc đẩy tại Hội nghị Cấp cao.
Ông Cherdchai nói rằng trong Hội nghị Cấp cao, một tài liệu gồm 5-10 tuyên bố sẽ được cung cấp cho lãnh đạo các nền kinh tế thành viên và điều này phản ánh thực tế rằng APEC là một khu vực kinh tế có trách nhiệm đối với kinh doanh và thực hiện đầu tư, trong đó môi trường, tính bền vững và bao trùm xã hội là những quan tâm hàng đầu.
Theo kế hoạch, trong năm 2022, Thái Lan sẽ tổ chức khoảng 100 cuộc họp tập trung vào tăng trưởng bền vững và bao trùm, thúc đẩy cân bằng giữa kinh tế và môi trường, cũng như tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư.
Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 29 dự kiến sẽ được tổ chức ở Thái Lan vào đầu tháng 11/2022. Nước này đang thúc đẩy Mô hình kinh tế sinh học-tuần hoàn-xanh (BCG) làm động lực cho những ưu tiên của APEC vào năm tới./.