Vai trò của công nghệ trên tuyến đầu chống dịch COVID-19

Các công nghệ di động đã được ứng dụng rộng rãi trong giai đoạn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát để hỗ trợ việc xét nghiệm và truy vết liên lạc.
Kiểm tra thân nhiệt và mã sức khỏe nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Hắc Long Giang, Trung Quốc, ngày 17/4/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Dịch bệnh bùng phát vượt quá khả năng chống đỡ của hệ thống chăm sóc sức khỏe và y tế, tiềm ẩn nguy cơ khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng, gây ra những gián đoạn nghiêm trọng trong các hoạt động kinh tế-xã hội

Trong bối cảnh đó, công nghệ rõ ràng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh.

Y tế điện tử và các công nghệ chăm sóc sức khỏe từ xa ngày càng nhận được sự quan tâm đặc biệt.

Y tế điện tử và chăm sóc sức khỏe từ xa phát triển từ nền tảng thông tin và công nghệ thông tin liên lạc (ICT) để phục vụ hoạt động chăm sóc sức khỏe, đem đến nhiều dịch vụ hơn trong khi lại giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp giữa người với người.

[Quán càphê Hàn Quốc thuê robot để đảm bảo giãn cách xã hội]

Những ứng dụng này có ý nghĩa quan trọng trong công tác chống dịch bệnh, cụ thể là hỗ trợ các hoạt động giám sát, điều tra và xử lý các trường hợp lây nhiễm, cũng như tăng cường quản lý năng lực y tế.

Những thông tin nhanh chóng, ngay cả khi các ca lây nhiễm chưa được khẳng định, có thể giúp giới chức thu thập dữ liệu và kiểm soát dịch bệnh trước khi mọi chuyện trở nên khó khăn hơn.

Các công nghệ di động đã được ứng dụng rộng rãi trong giai đoạn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát để hỗ trợ việc xét nghiệm và truy vết liên lạc.

Tại Trung Quốc, chính quyền địa phương đã triển khai chiến lược kiểm soát dựa  trên việc quét màu mã QR - màu xanh là không lây nhiễm, màu vàng là đang trong quá trình xét nghiệm, và màu đỏ là đã xác định nhiễm virus - cho mọi đối tượng.

Cách làm này giúp chính quyền có đủ thông tin chính xác về quy mô dịch bệnh, đồng thời giảm thiểu sự hoang mang trong dư luận.

Trong khi đó, y tế điện tử có thể hỗ trợ các cuộc điều tra và phản ứng trước sự bùng phát của dịch bệnh trên 4 khía cạnh chính. Công nghệ này giúp việc xác định dịch bệnh trở nên dễ dàng hơn.

Hầu hết các quốc gia hiện đều có hệ thống giám sát điện tử tích hợp với hồ sơ y tế điện tử (EHR) để nhanh chóng khoanh vùng khi dịch bùng phát.

Y tế điện tử cũng hỗ trợ rất hiệu quả việc xác định và xem xét trường hợp lây nhiễm, tạo hồ sơ tham khảo lâm sàng.

Người ta đã thiết lập một bộ tiêu chuẩn để xác định xem một cá nhân có nên được xếp vào diện mắc căn bệnh đang trong quá trình điều tra hay không.

Việc xác định các ca bệnh có thể dựa trên triệu chứng và dấu hiệu, hoặc dựa trên xét nghiệm, hay cả 2.

Hệ thống EHR chứa dữ liệu bệnh nhân COVID-19 đã được sử dụng cho công tác này. Y tế điện tử giúp quá trình xét nghiệm nhanh và chính xác hơn.

Việc thiếu trang thiết bị và hạ tầng xét nghiệm chính là một khúc mắc chính trong quá trình ứng phó dịch bệnh, dẫn đến việc số ca lây nhiễm tăng mạnh và các cơ sở y tế rơi vào tình trạng quá tải.

Người máy và nhiều loại máy móc đã được triển khai để đảm bảo việc cách ly nguồn bệnh hiệu quả hơn.

Ngoài ra, y tế điện tử hỗ trợ việc triển khai các biện pháp giám sát, xác định những cá nhân có nguy cơ lây nhiễm cao.

Các biện pháp truy vết tiếp xúc đã được sử dụng để kiềm chế sự lây lan của COVID-19 trên khắp thế giới.

Tại nhiều quốc gia, những công cụ giám sát khác như camera theo dõi, cũng đã được sử dụng để xác định những cá nhân có tình trạng không bình thường trong đám đông.

Tuy nhiên, các công cụ này không tránh khỏi việc bị chỉ trích do xâm phạm quyền riêng tư.

Dịch bệnh rõ ràng đã thách thức khả năng của hệ thống chăm sóc y tế trong khi các nhà vật lý học và y bác sỹ phải đương đầu với khối lượng công việc khổng lồ. Tuy nhiên, y tế điện tử có thể hóa giải phần nào những căng thẳng này.

Các chuyên gia về y tế có thể nhanh chóng và dễ dàng truy cập hệ thống EHR để tìm kiếm, cập nhập và đảm bảo dữ liệu thông tin bệnh nhân từ nhiều địa điểm khác nhau.

Chăm sóc sức khỏe từ xa là một công cụ giúp tháo gỡ phần nào những áp lực đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Tại Australia, chăm sóc sức khỏe từ xa đang được sử dụng để hỗ trợ các bệnh nhân COVID-19 thay vì buộc họ phải trực tiếp tới các cơ sở thăm khám.

Nhiều công nghệ khác cũng được ứng dụng rộng rãi trên thế giới để đối phó với dịch bệnh, chẳng hạn như công nghệ in 3D trong việc sản xuất đồ bảo hộ cá nhân.

Các chính phủ cần khích lệ hướng đi này hơn nữa bằng cách đề ra các chính sách tạo điều kiện phù hợp cho các nhà sản xuất tại địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục