Viện Quan hệ Quốc tế Australia (AIIA) mới đây đăng bài viết của Tiến sỹ Titli Basu thuộc Viện nghiên cứu và phân tích quốc phòng Monohar Parrikar của Ấn Độ, cho rằng đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19) đang đặt ra yêu cầu cấp thiết cho vấn đề điều chỉnh sự mất cân bằng trong toàn cầu hóa, các thể chế đa phương và các cấu trúc quyền lực.
Đối với Nhật Bản, việc cân bằng lợi ích trong nước, chủ nghĩa đa phương và hợp tác toàn cầu trong thế giới hậu COVID-19 là mục tiêu hàng đầu của Thủ tướng Shinzo Abe.
Theo nội dung bài viết, đại dịch COVID-19 xảy ra trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung diễn ra khốc liệt, châu Âu bị chia rẽ bởi Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu), cấu trúc quản trị kinh tế toàn cầu bị phá vỡ và chủ nghĩa dân tộc-công nghệ diễn ra căng thẳng.
Đại dịch đã làm tăng các tranh luận trên thế giới về sự hiệu quả của một trật tự quốc tế tự do. Trong khi, một số người cho rằng đại dịch sẽ tạo ra một thế giới ít cởi mở và tự do hơn, còn theo những người khác, nó sẽ dẫn tới sự thay đổi hướng đi cơ bản của lịch sử quốc tế. Tuy nhiên, nhiều người nghĩ rằng nó sẽ đẩy nhanh sự chuyển đổi quyền lực sang phương Đông và tái định hướng “toàn cầu hóa lấy Mỹ làm trung tâm” sang “toàn cầu hóa lấy Trung Quốc làm trung tâm."
Trong khi đó, Trung Quốc đang tận dụng cơ hội chiến lược do sự chệch hướng trong công tác lãnh đạo toàn cầu. Trung Quốc đã đầu tư chính trị không chỉ trong việc kiểm soát câu chuyện về “virus Vũ Hán” và gây ảnh hưởng đối với các thể chế của Liên hợp quốc, mà còn tự thúc đẩy mình như một nguồn cung cấp hàng hóa toàn cầu thay thế trong bối cảnh phương Tây “lao đao” vì đại dịch.
Cho dù Trung Quốc đang mở rộng tham vọng chiến lược thông qua “Con đường Tơ lụa Y tế," “săn lùng mặc cả," thúc đẩy chính sách ngoại giao “Chiến Lang” (hay còn gọi là Chiến binh sói - vốn là tên một bộ phim nổi tiếng kể về các lực lượng tinh nhuệ đặc biệt của Trung Quốc chiến đấu chống đội quân đánh thuê của Mỹ) được Đảng Cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn hay cưỡng chế kinh tế, Bắc Kinh vẫn quyết tâm định hình một “trật tự lấy Trung Quốc làm trung tâm."
Nhật Bản không ủng hộ ý tưởng về một “trật tự lấy Trung Quốc làm trung tâm." Thủ tướng Shinzo Abe, cùng với Yachi Shotaro và Kanehara Nobukatsu, đã khái niệm hóa công thức chiến lược dựa trên giá trị toàn cầu của một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) năm 2016.
Kể từ đó, Nhật Bản đã điều chỉnh một cách thực tế khái niệm FOIP từ một “Chiến lược” (FOIP 1.0) trở thành một “Tầm nhìn” (FOIP 2.0). FOIP 1.0 là một chiến lược chủ yếu tập trung vào Trung Quốc.
Nhưng trước sự khó lường trong cách tiếp cận của Tổng thống Trump đối với các đồng minh, việc quản lý các lợi ích địa kinh tế trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang thử thách các lựa chọn chính sách của Thủ tướng Abe. FOIP 2.0 đã được điều chỉnh như một cấu trúc hợp tác hơn. Mục tiêu của Nhật Bản là tránh để FOIP trở thành một chiến lược gây chia rẽ nhằm huy động sự ủng hộ của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Kể từ năm 2017, việc thiết lập lại mối quan hệ Trung-Nhật đã bị ảnh hưởng bởi các tính toán chiến thuật hơn là bất kỳ sự thay đổi thái độ cơ bản nào khi tranh chấp chủ quyền và những vấn đề lịch sử vẫn chưa được giải quyết.
“Sự thờ ơ” của Trung Quốc đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là do sự tự tin của nước này về nguồn lực tài chính khổng lồ của mình có thể thúc đẩy các sáng kiến kinh tế khu vực và khả năng chiến lược của nước này trong việc quản lý các thách thức đang nổi.
[Nhật nêu bật vai trò luật pháp quốc tế tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương]
Sau đại dịch COVID-19, tính bền vững của FOIP sẽ được cân nhắc do các nguồn lực kinh tế và an ninh của mỗi nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong khi đại dịch đã gia tăng một làn sóng mới của chủ nghĩa dân tộc kinh tế, nó cũng mang đến cơ hội hợp tác và phản ứng đa phương. Chủ nghĩa biệt lập không còn phải là một lựa chọn nữa.
Trong khi sự quản lý sai lầm của Trung Quốc trong việc đối phó với dịch COVID-19 đã dẫn tới thời khắc Chernobyl của nước này, nó cũng phơi bày sự xói mòn trong vai trò lãnh đạo của Mỹ.
Với tư cách là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, Nhật Bản cần thể hiện sự lãnh đạo ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bằng cách duy trì một trật tự hàng hải dựa trên các quy tắc, thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng có chất lượng và củng cố vững chắc tự do hóa thương mại.
COVID-19 có thể là động lực rất cần thiết để làm giảm sự do dự của mỗi quốc gia và huy động các nguồn lực chiến lược để cung cấp hàng hóa công ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Khuôn khổ Bộ Tứ mở rộng được thảo luận từ lâu đang được định hình. Đã đến lúc các quốc gia ở Đông Nam Á cũng như các cường quốc châu Âu như Pháp cần được thảo luận để tham gia Nhóm Bộ Tứ. Trong tương lai, sự phối hợp của các cường quốc trong Bộ Tứ mở rộng và cùng hành động với ASEAN cần được thúc đẩy.
Trong khi đó, vị thế hàng hải cũng như các chiến thuật vùng xám của Bắc Kinh vẫn sẽ tiếp tục được tăng cường. Thậm chí ngay trong đại dịch, hành vi hàng hải của Bắc Kinh thể hiện quyết tâm của nước này tận dụng thời cơ chiến thuật khi Mỹ bị phân tâm bởi cuộc chiến COVID-19 ở trong nước. Do đó, Nhật Bản cần phải tăng cường sự hiện diện của mình trong vùng biển quốc tế để duy trì các nguyên tắc hàng hải quốc tế.
Trong một kịch bản nơi cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ leo thang có thể trở thành xung đột khu vực, Tokyo sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong khuôn khổ liên minh Mỹ-Nhật. Vị thế của Bắc Kinh có thể mang lại động lực lớn hơn cho Tokyo để tăng cường quân đội của mình trong dài hạn. Những thay đổi trong chính sách an ninh của Nhật Bản cho phép quốc gia này chủ động đóng góp cho trật tự khu vực.
Về mặt địa kinh tế, Tokyo sẽ phải tiếp tục duy trì thương mại tự do. Chủ trương bảo hộ của Trump đã buộc Thủ tướng Abe phải thúc đẩy và dẫn dắt Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và ký kết Thỏa thuận Đối tác Kinh tế với EU hậu Brexit.
Giờ đây, Nhật Bản đang thúc đẩy thảo luận để đưa đối tác chiến lược của mình là Ấn Độ tham gia vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) để bù đắp ảnh hưởng của Bắc Kinh trong hiệp định thương mại tự do rộng lớn này, thường được coi là công cụ chiến lược trong cạnh tranh nước lớn.
Trong khi đó, nguy cơ “chia tách Mỹ-Trung” sẽ tiếp tục tăng lên sau đại dịch COVID-19. Giới tinh hoa Trung Quốc đã phân tích cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung từ lăng kính của cuộc xung đột cơ cấu, cạnh tranh mô hình phát triển và xuất khẩu các vấn đề trong nước.
"Kế hoạch năm năm lần thứ 14” của Trung Quốc tập trung vào sự tự lực, đổi mới sáng tạo trong nước và thị trường nội địa để thúc đẩy nền kinh tế. Đại dịch COVID-19 đã làm xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu và nền kinh tế Nhật Bản phải đối mặt với thiệt hại nặng nề do quá phụ thuộc vào Trung Quốc.
Tokyo thời gian qua đã phân bổ khoản kinh phí hơn 2 tỷ USD để giúp các công ty nước này rời khỏi Trung Quốc. Việc tái bảo vệ dây truyền sản xuất quan trọng chiến lược này sẽ tiếp thêm năng lượng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và thúc đẩy tái phát triển trong nước, qua đó sẽ tiếp tục củng cố triển vọng lãnh đạo chính trị của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP).
Cho dù đó là một sự chia tách khỏi Trung Quốc hay đơn thuần chỉ là một sự điều chỉnh trong ngắn hạn trước những rủi ro hiện nay, Nhật Bản cần phải khuyến khích đa dạng hóa chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc, chuyển sang các đối tác FOIP chính tại Đông Nam Á.
An ninh kinh tế dẫn đến việc phải xem xét kỹ lưỡng hơn về đầu tư nước ngoài trong các ngành công nghiệp cốt lõi. Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, Hội đồng An ninh Quốc gia Nhật Bản đã bổ sung một đơn vị kinh tế để theo dõi những lạm dụng sở hữu trí tuệ và trộm cắp công nghệ. Cuộc chiến mạng 5G và chèo lái cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ cần một phản ứng phối hợp mang tính chiến lược từ các cường quốc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Cơ sở hạ tầng chiến lược là một công cụ quan trọng để đánh giá kết quả địa chính trị. Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc sẽ tiếp tục được triển khai sau đại dịch nhưng tình trạng nợ nần của các quốc gia dọc theo BRI sẽ đặt ra những thách thức nghiêm trọng cho các hoạt động của Trung Quốc. Một số người lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng kinh tế săn mồi để chuyển nợ thành tài sản.
Về vấn đề này, Tokyo đã thể hiện sự lãnh đạo toàn cầu thông qua Sáng kiến Đối tác Mở rộng vì Cơ sở hạ tầng Chất lượng được củng cố bởi các tiêu chuẩn quản trị toàn cầu và các thực tiễn “tài trợ nợ” có trách nhiệm. Tokyo đã hợp tác với Mỹ, Australia, EU và Ấn Độ để thúc đẩy cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực. Do nguồn lực kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau đại dịch, việc tham gia các dự án chung, theo đuổi tài trợ thông minh và viện trợ chiến lược đối với Nhật Bản là điều cấp bách.
Sau đại dịch COVID-19, nếu các cường quốc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương áp dụng cách tiếp cận “một mất một còn” đối với Trung Quốc, nó sẽ phản tác dụng.
Tuy nhiên, điều này không ngụ ý rằng Tokyo sẽ sẵn sàng thỏa hiệp trên các nguyên lý cơ bản của cấu trúc dựa trên luật lệ. Các cường quốc bậc trung như Nhật Bản, cùng với Mỹ và các đối tác chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khác, phải ủng hộ sự lãnh đạo có chất lượng và can dự với Trung Quốc để nước này trở thành một cường quốc có trách nhiệm.
Một cơ hội trước mắt cho Nhật Bản, cùng với sự hỗ trợ của EU, Mỹ và Australia, là ủng hộ một cuộc điều tra độc lập về sự bùng phát dịch bệnh./.