Vấn đề người Rohingya - Ngã rẽ quan trọng của Myanmar

Theo chuyên gia LHQ, Myanmar đang ở ngã rẽ quan trọng: Hoặc là lắng nghe, cùng hành động với quốc tế, hoặc sẽ đi theo con đường tự sụp đổ nếu tiếp tục hành động sai lầm trong vấn đề người Rohingya.
Vấn đề người Rohingya - Ngã rẽ quan trọng của Myanmar ảnh 1Người Rohingya tại trại tị nạn ở biên giới Myanmar-Bangladesh, gần thị trấn Maungsaw, bang Rakhine ngày 12/11/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại New Yorrk, ngày 24/10, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tiến hành phiên thảo luận về tình hình Myanmar, với trọng tâm là tình cảnh của người Rohingya tại các bang miền Bắc nước này.

Phát biểu tại buổi tham vấn, Marzuki Darusman - người đứng đầu phái bộ độc lập của Liên hợp quốc điều tra sự thật tại Myanmar - cho rằng tình hình nhân đạo tại Myanmar không có nhiều chuyển biến.

Giới chức quân sự Myanmar tiếp tục sát hại, đàn áp người Rohingya tại bang Rankhine, Shan và Kachin thông qua vỏ bọc thực thi yêu cầu “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.”

Các chiến dịch này được tiến hành có chủ đích, có hệ thống, với các hành vi diệt chủng, tội ác chống lại loài người, vi phạm luật pháp quốc tế.

Theo Darusman, cộng đồng quốc tế cần quan tâm nhiều hơn tới Myanmar, bởi tình cảnh của người Rohingya không chỉ là vấn đề của Myanmar, mà còn là trở ngại lớn đối với hòa bình, an ninh khu vực và trên thế giới.

Cộng đồng quốc tế, thông qua Liên hợp quốc, cần sử dụng tất cả sức mạnh để hỗ trợ, buộc Myanmar phải đáp ứng trách nhiệm bảo vệ dân thường khỏi nạn diệt chủng, tội ác chống lại loại người.

Darusman nhìn nhận tình hình không hề tiến triển bởi vẫn chưa có cơ chế ràng buộc trách nhiệm. Giới chính quyền quân sự sẽ tiếp tục các chiến dịch sát hại, xua đuổi người Rohingya chừng nào họ còn thấy mình thuộc diện miễn trừ.

[Bangladesh-Myanmar nhất trí thời gian hồi hương người Rohingya]

Liên hợp quốc cần phải thiết lập một cơ chế chuyên xét xử, trừng phạt các tổ chức cá nhân ở Myanmar có liên quan đến tội ác chống lại người Rohingya.

Trong vấn đề này, Darusman đề xuất để Tòa án Hình sự Quốc tế có trụ sở ở La Haye theo dõi tình hình Myanmar hoặc để Liên hợp quốc lập ra một tòa hình sự quốc tế khẩn cấp như đã từng làm ở Nam Tư cũ.

Những đề xuất khác được nêu ra còn bao gồm việc cấm đi lại, phong tỏa tải sản đối với những cá nhân tại Myanmar có vi phạm trong vấn đề người Rohingya.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại trụ sở Liên hợp quốc cùng ngày, Darusman đánh giá tình hình người Rohingya ở Myanmar có nét giống với thời kỳ Apartheid ở Nam Phi trước đây.

Theo ông, căn cứ vào các tiêu chí như ngược đãi, áp đặt điều kiện sống hà khắc dành cho người dân, hạn chế cá nhân (tự do đi lại), triệt hạ các hội nhóm, ngăn chặn sinh nở, có thể khẳng định người Rohingya đang bị diệt chủng và bên phải chịu trách nhiệm chính là giới chức quân sự Myanmar.

Khủng hoảng nhân đạo đang tiếp diễn và ngày một tồi tệ hơn bởi 3 yếu tố chính còn chưa được giải quyết, đó là duy trì thể chế liên bang, hội nhập các nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số và chia sẻ nguồn lợi tài nguyên.

Ông cho rằng Myanmar đang ở ngã rẽ quan trọng: Hoặc là lắng nghe, cùng hành động với cộng đồng quốc tế, hoặc sẽ đi theo con đường tự sụp đổ nếu tiếp tục hành động sai lầm trong vấn đề người Rohingya.

Cũng tại cuộc họp báo, báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền Liên hợp quốc Yanghee Lee nhận định chính quyền dân sự Myanmar ngày càng cho thấy họ không quan tâm và không có thực lực để phục hồi lại không gian dân chủ thực chất mà ở đó mọi người dân đều được đối xử bình đẳng.

Nền pháp trị tại Myanmar đã không được duy trì, với những gì mà người Rohingya phải chịu đựng, bị phân biệt đối xử, ngược đãi. Bà Lee chỉ trích Myanmar không đáp ứng được các yêu cầu về tuân thủ quy định trong Công ước chống Diệt chủng mà nước này là một bên ký kết; phớt lờ các thỏa thuận luật pháp quốc tế về yêu cầu mở các cuộc điều tra trước những cáo buộc sát hại dân thường, phạm tội ác chống lại loài người./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục