Vấn nạn tin giả tác động đến ổn định nền dân chủ của Indonesia

Người đứng đầu bộ phận kiểm duyệt thông tin của một tổ chức xã hội dân sự Indonesia ví tốc độ tan tràn tin giả ở Indonesia giống như hoạt động buôn bán thuốc phiện.
Vấn nạn tin giả tác động đến ổn định nền dân chủ của Indonesia ảnh 1 Tổng thống Indonesia Joko Widodo (thứ 2, trái) và người liên danh tranh cử Ma'ruf Amin (thứ 3, trái) phát biểu tại Jakarta sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố ngày 21/5/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng aspistrategist.org.au ngày 15/5 có bài phân tích về tình trạng lan truyền tin tức giả mạo trước và trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Indonesia vừa qua, nhấn mạnh mối nguy đối với sự ổn định nền dân chủ của Indonesia nói riêng và các nền dân chủ trên thế giới nói chung.

Nội dung như sau:

Trong thời gian dài chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống Indonesia, chiến dịch “tin giả” đã nở rộ ở quốc gia đông người Hồi giáo nhất thế giới này.

Chiến dịch này lan rộng đến mức mà chính phủ phải tổ chức họp báo hàng tuần để vạch mặt “những kẻ tung tin giả” và đính chính lại “những thông tin thật."

Mối quan ngại đặc biệt là sự gia tăng thông tin sai lệch nhằm vào ủy ban bầu cử Indonesia (KPU). Với việc các kết quả chính thức sẽ được công bố vào ngày 22/5, việc có bao nhiêu người phản ứng trước làn sóng thông tin sai lệch này có thể ảnh hưởng đến sự ổn định ngắn và dài hạn của nền dân chủ non trẻ của Indonesia.

Trung bình, người dân Indonesia sử dụng mạng xã hội trong khoảng 3 giờ và 26 phút mỗi ngày, mức độ cao thứ 4 trên thế giới về sử dụng mạng xã hội. Indonesia là thị trường lớn thứ 3 trên thế giới của Facebook với hơn 100 triệu tài khoản.

Các mạng xã hội như Twitter, WhatsApp và Instagram cũng rất thông dụng. Nhiều người Indonesia coi các mạng xã hội là nguồn cung cấp thông tin và tin tức đáng tin cậy. Tuy nhiên, trình độ hiểu biết về kỹ thuật số của họ vẫn nghèo nàn.

Trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, cả hai chiến dịch tranh cử tổng thống đều bỏ tiền ra thuê các “nhóm chiến binh mạng” để sản xuất và phát tán tin tức giả mạo thông qua các tài khoản giả thiết lập trên mạng xã hội.

Aribowo Sasmito, người đứng đầu bộ phận kiểm duyệt thông tin của một tổ chức xã hội dân sự Indonesia (Mafindo) đã ví tốc độ tan tràn tin giả ở Indonesia giống như hoạt động buôn bán thuốc phiện, với các xưởng chế tạo, người buôn bán và nạn nhân.

Với một số người Indonesia, việc thiết lập và lan tràn tin tức giả mạo đã trở thành “một công việc” không liên quan gì đến quan điểm về hệ tư tưởng hoặc động cơ chính trị.

Bộ Truyền thông Indonesia công bố báo cáo cho thấy có 700 kẻ tung tin giả hoạt động trong tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử.

Các đối tượng này đa dạng, từ những kẻ lạ mặt đến những đối tượng có thể đoán được. Sau cuộc tranh luận tổng thống lần thứ nhất, đã có những tin tức lan truyền về việc Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo (Jokowi) đã được “mớm lời” bằng tai nghe, còn đối thủ của ông là Subianto Prabowo bị cáo buộc sử dụng kính thông minh để "lừa gạt."

Những tin đồn về hai ứng cử viên tổng thống đều không đúng sự thật.
Một đoạn hình ảnh dường như cho thấy thủ lĩnh đảng Đoàn kết Indonesia, người ủng hộ ông Jokowi, đang mời người dân cùng mình ăn thịt heo sau khi bỏ phiếu.

Đoạn hình ảnh này gây sốc đối với một số người Hồi giáo Indonesia bảo thủ và hơn 150.000 người đã dõi xem sau khi nó được công bố. Đoạn hình ảnh này dường như đã bị chỉnh sửa và người thủ lĩnh này thực chất là đang mời người dân ăn mì.

Tin tức giả mạo ở Indonesia thường tập trung vào những phẩm chất tôn giáo và sắc tộc của ứng cử viên. Các tin tức giả lan truyền miêu tả ông Jokowi là người Trung Quốc, người Cơ đốc giáo hoặc người Cộng sản hoặc cả ba. Trong khi đó, tin tức giả nhắm vào ông Prabowo lại miêu tả ông này là một người không tín ngưỡng và tìm cách thiết lập một Vương quốc Hồi giáo (caliphate).

Trong bối cảnh tồn tại sự chia rẽ sâu sắc về xã hội, sắc tộc và tôn giáo trong xã hội Indonesia và lịch sử đất nước được biết đến với tình trạng ngược đãi và đổ máu, kiểu nội dung tin tức giả mạo này có thể mang tính chất kích động cao.

Nỗ lực làm hủy hoại uy tín của đối thủ chính trị là một chiến thuật thường dùng trong bầu cử. Tuy nhiên, năm bầu cử 2019 này lại chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại trong hình thức phát tán tin giả: Lực lượng tung tin giả nhắm vào KPU và quá trình bầu cử. Hình thức lây lan tin giả này có khả năng làm xói mòn lòng tin của công chúng đối với các cuộc bầu cử cũng như đối với các thể chế dân chủ.

[Indonesia ban bố tình trạng báo động an ninh tại thủ đô Jakarta]

Mafindo cho rằng tin tức giả mạo nhắm vào quá trình bầu cử là đáng lo ngại hơn cả. Nếu người dân hoài nghi về tính chất tự do và công bằng của bầu cử và đặt câu hỏi liệu kết quả bầu cử có phản ánh nguyện vọng thực sự của người dân hay không, thì nhiều khả năng họ sẽ không chấp nhận kết quả bầu cử, theo đó, bất kỳ tổng thống tương lai nào sẽ phải vật lộn để lãnh đạo đất nước một cách hiệu quả.

Mặc dù đa phần người dân sẽ chấp nhận kết quả bầu cử, nhưng sự hoài nghi do tình trạng tung tin giả nhằm vào KPU tạo động lực để Prabowo kêu gọi người dân biểu tình phản đối các kết quả này. Lực lượng ủng hộ ông Prabowo theo đường lối cứng rắn có thể bị kích động bởi những tuyên bố cho rằng buộc bầu cử gian lận và rằng KPU là công cụ của Jokowi.

Giới phân tích và nhà chức trách ở Indonesia quan ngại rằng việc công bố kết quả bầu cử có thể được tiếp nối bằng các cuộc biểu tình quy mô lớn kèm theo bạo động. Thậm chí, người ta còn lo sợ rằng khủng bố sẽ nhắm vào các địa điểm biểu tình.

"Rủi ro ngắn hạn đối với ông Jokowi chính là âm mưu kích động sự hỗn loạn ở Jakarta thông qua đốt phá, phá hoại và bạo lực,” cựu Bộ trưởng Môi trường Indonesia Sarwono Kusumaamadja nhận định. Ít có nguy cơ bạo lực lan rộng, song sự pha trộn của tình trạng cuồng loạn và hiếu chiến trong số đông lực lượng ủng hộ ông Prabowo kèm theo bầu không khí đầy rẫy tin tức giả có thể làm bùng phát bạo lực.

Tác giả bài viết kết luận sự xói mòn niềm tin của công chúng trong dài hạn do tình trạng phát tán tin tức giả này có những ẩn ý đối với sự ổn định của tất cả các nền dân chủ trên thế giới. Nền dân chủ dựa trên lòng tin của người dân đối với những thể chế duy trì nền dân chủ chứ không dựa nhiều vào giới chính trị gia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ảnh minh họa. (Nguồn: Tempo)

Indonesia phát hiện thêm 63 hòn đảo mới trong năm 2024

Do vị trí biệt lập nên các đảo này chỉ được phát hiện khi có cuộc nghiên cứu thực địa của các nhà khoa học phối hợp với các bộ, ngành thông qua công nghệ ánh sáng, đo khoảng cách và hình ảnh vệ tinh.

Tiết mục nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam. (Ảnh: Xuân Tú/TTXVN)

Tuần Văn hóa Việt Nam tại Lào năm 2024

Tuần Văn hóa Việt Nam tại Lào năm 2024 không chỉ là một hoạt động định kỳ thường xuyên mang tính biểu tượng, mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào.